Một số đối tượng sâu bệnh hại lúa vụ hè thu và biện pháp phòng trừ

Thứ năm - 29/09/2022 21:40 0
1. Lúa cỏ:
Trong vụ Xuân 2022 dịch hại lúa cỏ đã xuất hiện và gây hại tại nhiều địa phương như Tường Sơn, Hoa Sơn, Hội Sơn, Thạch Sơn, Phúc Sơn. Dự báo trong vụ Hè thu lúa cỏ sẽ xuất hiện và gây hại với quy mô lớn hơn. Vì vậy cần thực hiện các biện pháp quản lý, phòng ngừa lúa cỏ:
Lúa cỏ rất khó tiêu diệt, chi phí phòng trừ cao; hiện nay không có một biện pháp đơn độc nào có thể phòng trừ có hiệu quả đối với lúa cỏ. Cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp là chính trước khi dùng biện pháp hóa học
+ Biện pháp trước mắt: Đối với ruộng lúa bị rải rác tiến hành nhổ bằng tay, thường xuyên cắt bỏ các bông lúa lẫn tạp khi chưa chín đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn lây lan, bông lúa cỏ dù mới chín sữa cũng tuyệt đối cắt bỏ không để lại ruộng, bờ ruộng. Ruộng bị nhiểm 70-80% cần nhanh chóng tiêu hủy (cắt, đốt toàn bộ) nhằm để tránh hạt lúa cỏ chín rơi rụng trên ruộng; sau đó tiến hành cày lật gốc ngâm dầm cho thối hạt cỏ hoặc nếu có vịt thả vào cho ăn hết hạt cỏ, không để gốc lúa cỏ tái sinh trở lại. Nếu ruộng khô có thể rải rơm đều rồi đốt để tiêu diệt hạt cỏ và lúa cỏ trên ruộng
+ Biện pháp lâu dài: Sử dụng giống lúa xác nhận do các đơn vị, tổ chức có chức năng sản xuất và cung cấp. Tuyệt đối không sử dụng lúa thịt, lúa có lẫn hạt cỏ để làm giống. Những ruộng bị nhiễm vụ trước cần gieo mạ để cấy, phân biệt cây lúa cỏ khi còn non để nhổ bỏ tiêu diệt. Làm đất kỹ là biện pháp hiệu quả để tiêu diệt lúa cỏ và tác dụng lâu dài trong việc giảm hạt cỏ trong đất. Làm đất trước khi gieo trồng một thời gian để lúa cỏ và cỏ mọc mầm sau đó phun thuốc trừ cỏ không chọn lọc để phun trừ rất có hiệu quả. Hạt cỏ có thể trôi theo đường nước tưới tiêu nên cần vệ sinh đồng ruộng và mương nước sau mỗi lần thu hoạch. Nên luân canh với cây trồng cạn là biện pháp quản lý lúa cỏ hữu hiệu nhất là luân canh với cây họ đậu: lạc, đậu
2. Chuột hại:
- Biện pháp canh tác: Thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng, làm sạch cỏ ven bờ, phát quang bờ bụi, tìm phá các hang ổ chuột kết hợp với việc tổ chức diệt chuột đồng loạt ngay từ đầu vụ.
- Biện pháp thủ công và sinh học diệt chuột:
+ Phát động bắt diệt chuột trên diện rộng vào thời kỳ làm đất, lấy nước vào ruộng và duy trì bắt diệt chuột thường xuyên trong suốt vụ sản xuất. Sử dụng các biện pháp như:  Đào hang bắt chuột, hun khói, đổ nước để bắt chuột, bẫy bán nguyệt bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính… soi đèn để để vợt bắt vào ban đêm. Sau khi đào bắt xong trả lại trạng thái ban đầu, không làm ảnh hưởng môi trường sinh thái.
+ Khuyến cáo nông dân tăng cường bảo vệ, phát triển đàn mèo, bảo vệ  các thiên địch tự nhiên của chuột như rắn, chim cú mèo,...
+ Sử dụng bả sinh học diệt chuột, mỗi điểm đặt 5-10 g “bả” và cách nhau 3-7 m tùy theo theo mật độ chuột nhiều hay ít.
- Biện pháp hóa học diệt chuột
+ Chỉ sử dụng các thuốc diệt chuột trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trong đó ưu tiên lựa chọn các thuốc ít độc với người, vật nuôi, môi trường. Khuyến cáo nông dân sử dụng các thuốc có hoạt chất như Brodifacoum, Bromadiolone, Flocoumafen, Coumatetralyl, Diphacinone,…
+ Đối với những loại thuốc dùng để trộn với mồi để thả: Sử dụng lúa luộc hoặc lúa mầm, ngô mầm trộn đều với thuốc thành bả theo liều lượng khuyến cáo để đặt bả ở khu vực bờ vùng, bờ thửa, mương máng, các vùng cồn vệ, nghĩa trang, công trình thủy lợi,. những nơi có mật độ chuột cao.
+ Khi sử dụng thuốc hóa học diệt chuột phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Sử dụng thuốc phải có dụng cụ bảo hộ lao động, cắm biển cảnh báo khu vực đặt bả, thông báo thời gian đặt bả để nhân dân chủ động bảo vệ gia súc, gia cầm và các động vật máu nóng.
+ Đối với diệt chuột trong khu dân cư, công sở, trường học, cơ sở y tế,... cần thực hiện đồng bộ với chiến dịch diệt chuột trên đồng ruộng.
+ Hàng ngày thu gom xác chuột để đốt tiêu huỷ hoặc chôn xa khu dân cư, nguồn nước sinh hoạt. Khi chôn rắc vôi xử lý và lấp đất nén chặt.
+ Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, dùng điện hay các biện pháp gây nguy hiểm cho người và vật nuôi để diệt chuột.
  1. Sâu cuốn lá nhỏ:
Trong vụ Xuân 2022, trên đồng ruộng sâu cuốn lá nhỏ đã phát sinh gây hại một số nơi với mật độ thấp; dự báo trong vụ Hè thu - Mùa năm 2022 sâu cuốn lá nhỏ sẽ có 4 lứa. Trong các lứa sâu cần tập trung theo dõi, dự tính dự báo và phòng trừ các lứa 4, 5 trên lúa Hè thu, Mùa sớm và lứa 6,7 trên lúa Mùa giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ trở đi. Đây là những lứa sâu có thể có mật độ cao và gây hại ảnh hưởng đến năng suất lúa. Cần phải phát hiện và chỉ đạo phun trừ kịp thời trên những diện tích có mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên (đẻ nhánh) và 30 con/m2 trở lên (làm đòng – trỗ) bằng mét trong các loại thuốc đặc hiệu như : Clever 150SC, 300WG;  Ammate 150SC, 30WDG, .. Phun theo liều khuyến cáo vào giai đoạn sâu tuổi nhỏ (tuổi 1-3).
  1. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen
 Vụ Xuân 2022 rầy phát sinh gây hại muộn và đã gây hại cục bộ trên một số diện tích ao, hooc chọ. Vì vậy rầy sẽ tích lũy và gây hại bắt đầu từ giai đoạn mạ Hè thu. Để quản lý rầy gây hại và truyền bệnh lùn sọc đen cho lúa, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất gây ra trên lúa vụ Hè thu –Mùa 2022 cần tuân thủ và thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp kỹ thuật chính phòng trừ bệnh gồm:
+ Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy lúa chét, lúa tái sinh và một số cây cỏ là ký chủ phụ của rầy và bệnh trước khi gieo cấy.

+ Chọn và sử dụng giống lúa có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện địa phương. Trên cùng một xứ đồng chỉ sử dụng 01 hoặc 02 giống có cùng thời gian sinh trưởng
+ Gieo đúng lịch thời vụ đã triển khai
+ Hạn chế gieo thẳng lúa, nên gieo mạ tập trung để cấy, để tiện chăm sóc, theo dõi, quản lý rầy và bệnh. Không gieo mạ gần những nơi có nguồn sáng thu hút rầy vào ban đêm. Xử lý hạt giống trước khi gieo mạ bằng thuốc xử lý hạt giống như: Sakura 40WP, Cruiser Plus 312,5FS, Kola 600FS... để hạn chế sự gây hại của rầy và các nấm bệnh truyền qua hạt giống.
+ Ở giai đoạn mạ phải thường xuyên điều tra theo dõi để phát hiện kịp thời sự  xâm nhập gây hại của rầy. Khi có rầy gây hại trên mạ và trước khi đưa ra ruộng cấy 2-3 ngày thì tổ chức phun thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Oshin 20WP, Alika 247SC, Sutin 5EC, Dantosu 16WSGđể phòng trừ rầy. Tuyệt đối không sử dụng mạ tại các ruộng mạ bị nhiễm bệnh để cấy.
+ Đối với lúa giai đoạn từ gieo cấy - trổ: Sau khi gieo cấy tổ chức theo dõi và chỉ đạo bao vây phun trừ rầy trên những diện tích có mật độ > 500 con/m2 đối với lúa giai đoạn sau cấy đến đứng cái và trên 1.000 con/m2 đối với lúa giai đoạn làm đòng trở đi bằng các loại thuốc: Penalty Gold 40EC, Bassa 50EC,...để diệt rầy nhanh, không để lây lan trên diện rộng.
+ Đối với lúa từ trổ - chín sáp: Công tác phòng trừ rầy nâu - RLT từ giai đoạn này chủ yếu hạn chế sự gây hại trực tiếp của rầy. Do đó khuyến cáo phun trừ khi có mật độ từ 2000c/m2 trở lên bằng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi như trên để phun trừ.
+ Trên những ruộng lúa đã nhiễm bệnh lùn sọc đen: Nhổ tiêu hủy cây bị bệnh bằng cách vùi xuống bùn và cấy dặm lại bằng cây khỏe (nếu còn thời vụ), trường hợp diện tích lúa bị bệnh gây hại nặng không còn khả năng cho thu hoạch thì lập biên bản và cày vùi tiêu hủy toàn bộ ruộng lúa.Trước khi nhổ cây bị bệnh hoặc tiêu hủy cần kiểm tra nếu có rầy gây hại thì tổ chức bao vây phun diệt trừ rầy bằng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi.
6. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Ở vụ Hè thu – Mùa bệnh thường phát sinh lây lan nhanh trên diện rộng, sau những đợt mưa giông kèm theo gió lớn vào thời kỳ lúa làm đòng đến chín, đặc biệt trên các giống lúa lai, những ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm và bón lai rai,...
Thực hiện chăm sóc, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật là giải pháp chính để hạn chế sự phát sinh gây hại của bệnh. Khi bệnh chớm xuất hiện cần tổ chức phun phòng ngay bằng một trong các loại thuốc sau: Xanthomix 20WP , Sasa 20WP, Kasumin 2SL, Bonny  4SL,… để hạn chế sự lây lan của bệnh và  phun lại lần 2 cách 7-10 ngày khi bệnh có tỷ lệ 3-5% (Chú ý không dùng kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá khi lúa đã nhiễm bệnh).
7. Các đối tượng khác:
- Đối với nhện gié: Trong vụ Hè thu-Mùa do điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài nên đây là điều kiện rất thuận lợi cho nhện gié xuất hiện và gây hại nặng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nhện gié gây ra cần tiến hành các biện pháp:
+ Sau khi thu hoạch lúa Xuân, vệ sinh đồng ruộng, có điều kiện rải rơm đốt trên ruộng trước khi làm đất, tiến hành cày ải phơi đất
+ Gieo cấy mật độ thích hợp, không gieo cấy quá dày, bón phân cân đối hợp lý
+ Thực hiện quy trình sản xuất theo SRI, cung cấp đầy đủ nước từ khi gieo cấy đến khi bón thúc đẻ nhánh 4-6 ngày và từ khi lúa làm đòng đến chín sáp
+ Trên diện tích các vụ trước, năm trước bị nhện gié gây hại nặng nên luân canh cây trồng khác
+ Nhện gié xuất hiện nhiều từ lúc lúa bắt đầu làm đòng đến trổ bông vì vậy cần phát hiện sớm, phun thuốc phòng trừ ngay từ thế hệ đầu tiên mới có hiệu quả. Có thể sử dụng bằng một trong các loại thuốc như: Kinalux 25 EC, Nissorun 5 EC, Danitols 50EC,... Khi phun cần chú ý tăng lượng nước thuốc và cần lấy nước vào ruộng ở mức cao thì hiệu quả phòng trừ cao hơn.
- Đối với bệnh khô vằn: Từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi nếu có 5-7% số dảnh bị nhiễm bệnh trở lên cần giữ đủ nước trên ruộng và dùng một trong các loại thuốc: Anvil 5SC, Validacin 3-5L, Vida 5WP... pha theo liều hướng dẫn và phun đều vào phần thân và gốc lúa.
- Đối với bệnh lem lép hạt: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chú ý các trà lúa trỗ gặp mưa kéo dài, cần phun phòng sớm bằng một trong các loại thuốc : Tilt super 300ND, Tiptop 250EC, Amistar top 325 SC, Nativo 750WG,... Phun 2 lần vào giai đoạn lúa trỗ 1-3% và sau khi lúa trỗ hoàn toàn.
Nguyễn Hữu Thìn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây