Nghệ An công bố sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh năm 2021 và triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2022

Thứ hai - 30/05/2022 21:50 0
    Những năm qua, chương trình xây dựng các sản phẩm OCOP được tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng. Chương trình OCOP được Nghệ An xác định là một giải pháp trọng tâm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân ở nông thôn.
Đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 16/21 huyện, thành, thị tổ chức đánh giá, phân hạng và có sản phẩm đạt hạng sao. Theo đó, toàn tỉnh đã có 113 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên; trong đó, có 87 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 77,0%; có 26 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 23%. Các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP. Vinh, Thanh Chương đã có 5 sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn; gà đồi Thanh Chương, gạo Vĩnh Hòa, lạc Diễn Châu. Doanh thu của 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên hàng năm tăng khoảng 8,0% và lợi nhuận bình quân hàng năm tăng khoảng 120 -150 triệu đồng.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu; mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng doanh thu của nhiều chủ thể trong năm 2020 vẫn tăng từ 10-15%.
Năm 2021, Nghệ An có thêm 140 sản phẩm của 88 chủ thể đạt hạng 3 sao OCOP trở lên; trong đó, có 139 sản phẩm đạt 03 sao đến 4 sao và 1 sản phẩm có tiềm năng đạt hạng 5 sao đã gửi hồ sơ đề nghị Trung ương xem xét công nhận. 9 đơn vị đạt sản phẩm OCOP 4 sao được tỉnh Nghệ An trao cúp biểu tượng bao gồm: HTX Nông nghiệp Sen quê Bác; Công ty TNHH Đức Phong; Công ty CP Tập đoàn Bometa; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Mom Beauty; Công ty TNHH sản xuất  thương mại Hồng Sơn; Hộ kinh doanh Lê Đình Chung; Công ty CP thủy sản Nghệ An; Công ty TNHH XNK Nông lâm Thủy sản Sỹ Thắng; Công ty CP Dược liệu Pù Mát. Các sản phẩm đạt hạng sao OCOP được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, được sử dụng tem, nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in trên bao bì sản phẩm và được thưởng theo quy định.
Để biểu dương những kết quả mà Chương trình OCOP đã đạt được trong thời gian qua và triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị  công bố sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh năm 2021 và triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 với sự tham gia của các sở, ngành liên quan và các chủ thể tham gia chương trình OCOP.

Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị, thu nhập ngày càng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cho đến thời điểm hiện tại, tổng số sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh được xếp hạng 3 sao trở lên từ đầu chương trình đến nay là 249 sản phẩm (vượt 24,5% so với mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2030); Chương trình cũng đã huy động được gần 117.958 triệu đồng để hoàn thiện, nâng cao các sản phẩm. Mục tiêu mà Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh Nghệ An đặt trong năm 2022 là phấn đấu có thêm ít nhất 100 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Trong đó, tập trung nâng cấp ít nhất 01 sản phẩm 4 sao lên 5 sao và 05 sản phẩm từ 03 sao lên 4 sao.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kết quả và chất lượng triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương với mục tiêu cụ thể: Có ít nhất 300 sản phẩm OCOP; Phát triển mới ít nhất 86 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; Phát triển từ 8-10 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Phát triển ít nhất 5-8 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu)...
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao cúp biểu tượng OCOP, giấy chứng nhận OCOP đạt 4 sao, 3 sao cấp tỉnh năm 2021 cho các chủ thể. Các chủ thể đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng sản phẩm, đầu tư bao bì, nhãn mác; việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, các chủ thể cũng đã trình bày các kiến nghị về các chính sách hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.  các chủ thể đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng sản phẩm, đầu tư bao bì, nhãn mác; việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, các chủ thể cũng đã trình bày các kiến nghị về các chính sách hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.  
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 100 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên (bình quân 4,76 sản phẩm/huyện, thành phố, thị xã); Phấn đấu có ít nhất 15-20 tổ chức kinh tế mới tham gia Chương trình OCOP năm 2022 dưới dạng tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; xây dựng ít nhất 02 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị; tổ chức kết nối thị trường, tổ chức hội chợ cấp tỉnh và tham gia các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh trên địa bàn toàn quốc; Tổ chức cho các chủ thể OCOP tham gia ít nhất 3 hội chợ trong năm 2022...
Để đạt được kết quả trên, các ngành, các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Chương trình OCOP, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là khâu đột phá trong xây dựng NTM, nhất là nông thôn mới nâng cao. Rà soát, đánh giá lại công tác triển khai Chương trình OCOP của địa phương thời gian qua, khắc phục các tồn tại để chương trình đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức gây tốn kém về thời gian và kinh phí thực hiện. Đồng thời, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp huyện và các chủ thể về Chương trình OCOP; Quan tâm đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị làm cơ sở để phát triển các sản phẩm./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Lý

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây