Mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp ở Quỳnh Lưu
Trong bối cảnh ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn do thực trạng giá phân bón tăng cao kéo dài, người nông dân nhận thấy rõ hơn giá trị của các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được tận dụng quay trở lại làm phân bón hoặc nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác. Không chỉ giúp hình thành môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững, mô hình này còn là lời giải cho bài toán giá vật tư nông nghiệp tăng phi mã, giúp giảm áp lực chi phí vật tư đầu vào cho sản xuất.
Việc sử dụng phân bón hữu cơ sinh học sẽ không chỉ cung cấp cho cây trồng các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn trả lại độ màu mỡ, phì nhiêu cho đất, nhất là khi phần lớn diện tích đất canh tác của huyện hiện nay đang ngày càng giảm độ phì dẫn đến năng suất các loại cây trồng thấp. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý chất thải chăn nuôi, tận dụng phế phụ phẩm từ cây trồng để vừa bảo vệ môi trường, vừa có phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đang được nhiều hộ chăn nuôi từ vùng thấp đến vùng cao, từ trang trại đến gia trại quan tâm thực hiện.
Để đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng, giảm áp lực chi phí vật tư đầu vào cho sản xuất, nhằm từng bước hình thành nền nông nghiệp nói "không" với hóa chất, đặc biệt là trong thời điểm giá phân bón hóa học tăng mạnh như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị chính quyền các địa phương trong tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường việc tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ trong bối cảnh giá phân bón tăng cao.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, mỗi năm, Nghệ An có khoảng 1,1 triệu tấn phân gia súc, gia cầm tại các trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, còn có các loại phế phụ phẩm khác trong nông nghiệp (rơm, rạ, cỏ dại, lá rau, mùn cưa, tro, trấu …) sẵn có tại địa phương. Hiện nay, trong tổng số trên 115.400 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Nghệ An, có trên 82% số hộ đã có chuồng trại xây kiên cố; khoảng 7.000 hộ đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, còn lại đa số thực hiện xử lý chất thải bằng hố ủ phân hoặc mô hình ủ phân bằng chế phẩm sinh học tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng. Đây là những nguồn nguyên liệu phân hữu cơ lớn cung cấp cho sản xuất trồng trọt, nếu tận dụng hiệu quả sẽ giúp cung ứng một lượng dinh dưỡng lớn cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Nhằm chuyển đổi phương thức canh tác sang sản xuất hữu cơ thân thiện môi trường, hạn chế tối đa việc lạm dụng phân bón vô cơ; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế dần phân vô cơ, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với sâu, bệnh hại và bảo vệ môi trường. Vừa qua Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu ra mắt và tham quan mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp tại hộ gia đình ông Mai Văn Thương, xóm 10 xã Quỳnh Yên. Tham dự có Thường trực Hội Nông dân huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã và bà con nông dân xã Quỳnh Yên. Trước tình trạng phân bón vô cơ ngày càng tăng giá kéo theo chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, năm 2022 Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu lựa chọn mô hình chăn nuôi kết hợp trồng vườn cây ăn quả của gia đình hội viên Mai Văn Thương ở xóm 10 xã Quỳnh Yên để tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ phế phụ phẩm nông nghiệp, quy mô hộ gia đình. Nguyên liệu dùng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh bao gồm 600kg bèo tây, một ít phân chuồng, bả mắm với tỷ lệ vừa phải, nước chế phẩm vi sinh, trộn đều ủ trong bể khoảng 3m3, dùng bạt phủ kín, sau 30 ngày phân hoai sẽ đưa vào bón cho cây ăn quả.Đây là loại phân bón rất thân thiện với môi trường. Ngoài nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng phát triển, phân hữu cơ vi sinh còn có tác dụng cải tạo đất, tăng độ PH giảm độ phèn chua trong đất. Từ loại phân này ông Thương dùng để bón cho lúa, ngô và vườn cây ăn quả gồm ổi, táo, hồng xiêm. Kết quả cho thấy cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt cao, đặc biệt đối với các loại cây ăn quả giảm hẳn sâu bệnh hại, lá phát triển xanh đậm, cho quả sai và có độ ngọt cao hơn.
Hộ gia đình ông Mai Văn Thương là mô hình nông dân giỏi cấp huyện, năng động trong phát triển kinh tế, kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả cho thu nhập cao, trong vườn có 150 cây ăn quả như ổi, táo, bưởi và nuôi 10 con hươu lấy lộc, việc kết hợp dùng phụ phẩm nông nghiệp, phân chuồng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh là hướng đi phù hợp, thân thiện với môi trường, đảm bảo nguồn phân chăm bón cho cây trồng.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, sau buổi lễ ra mắt mô hình điểm, Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu sẽ chỉ đạo Hội Nông dân 33 xã, thị trấn hướng dẫn hội viên thực hiện quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Dùng phân bón hữu cơ vi sinh chăm bón cây trồng, ngoài việc cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây trồng phát triển, giảm chi phí đầu vào còn có tác dụng cải tạo đất, tăng độ PH giảm độ phèn chua trong đất, đặc biệt đối với các loại cây ăn quả còn giảm hẳn sâu bệnh hại, lá phát triển xanh đậm, cho quả sai và có độ ngọt cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn