Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống và trồng lan thạch hộc tía trong điều kiện Nghệ An
Trên cơ sở triển khai dự án: “Ứng dụng công nghệ invitro xây dựng mô hình nhân giống lan Thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo) nhằm khai thác và phát triển nguồn gen cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, Trung tâm Ứng dụng TBKHCN Nghệ An đã hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống và trồng lan thạch hộc tía trong điều kiện Nghệ An dựa trên các khuyến cáo kỹ thuật của Công ty Biofarm.
- Kỹ thuật trồng
Thạch hộc có thể trồng vào các tháng 3 - 4, khi trời ấm dần, có mưa xuân, độ ẩm cao, có lợi cho việc kích thích chồi nách phát triển và mọc rễ khí sinh để hút nước và thức ăn nuôi chồi. Cũng có thể trồng vào cuối thu (tháng 9 - 10), đảm bảo yêu cầu sinh trưởng của rễ, nhưng chất lượng, số lượng, tốc độ ra rễ không bằng trồng vào vụ xuân. Cây con được thuần hoá tốt, ở nơi có điều kiện che râm tốt (như trồng trong giàn che) có thể trồng quanh năm. Thạch hộc thường trồng trên những loại giá thể xơ dừa, vỏ thông, mùn cưa cây thông, than củi…
- Cách trồng: có 2 cách. Đó là: Trồng trong giàn che lớn, làm các giá đỡ bằng sắt hoặc bằng tre trúc rộng 1 - 2m, đặt cách mặt đất 30 - 50 cm, trên giá rải giá thể 8-10 cm. Cách trồng này dễ kiểm soát nhiệt độ, dễ chăm sóc, chống sâu hại, năng suất cao, nhưng thiếu nắng và khí trời thiên nhiên, sau 4 - 5 năm nên thay 1 lần, giá thành tương đối cao; Trồng trên cây tự nhiên: Trong rừng cây lá rộng, chọn cây thân to, ẩm, tán xum xuê, vỏ cây xốp, đem hom đã luyện buộc vào chỗ lõm trên thân, trát phân trộn bùn vào gốc, rồi dùng dây thừng bằng cỏ buộc vài vòng để cố định cây con bám vào thân cây rừng.
- Kỹ thuật trồng có 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Phải luyện cây con 2 - 3 tuần trước khi trồng. Lấy cây con từ bình chứa đặt vào nơi có điều kiện gần tự nhiên, để cây mọc khoẻ, lá phát triển bình thường, rễ dài trên 3 cm, thân có 3 - 4 đốt, mọc được 4 - 5 lá, có 3 - 5 rễ, vỏ rễ trắng có đốm xanh, không có rễ đen, thì đem ra trồng. Giai đoạn 2: Nhổ cây khỏi bình: Nhổ cây con kèm theo giá thể, đem rửa sạch giá thể, rửa lại bằng nước sạch. Giai đoạn 3: Cây con được ra ngôi bằng khay hoạc cốc; bố trí giá thể: Lớp dưới cùng là than củi, sau đó rải vỏ thông lên, đặt 2/3 phần rễ vào hốc rồi phủ xơ dừa để 1/3 bộ rễ nhô ra ngoài không khí, cuối cùng rải 1 lớp mỏng vỏ thông lên trên xơ dừa đề cây không bị đổ. Mỗi bụi trồng 2 - 3 cây.
- Chăm sóc cần lưu ý các đặc điểm sau: Chiếu sáng: Đảm bảo độ chiếu sáng cho Thạch hộc 15000 lux. Do đó vào các mùa vụ khác nhau phải điều chỉnh cường độ cho phù hợp; Tưới ẩm: Giữ độ ẩm tương đối của không khí khoảng 70 - 80%, giá thể khô, ướt xen kẽ nhau, khi tưới phải để ráo nước ngay trong ngày, tránh đọng nước làm thối rễ, thối cây. Nên tưới vào lúc 8 -10 giờ sáng; Bón phân: Sử dụng phân bón lá atonic 1.8SL sau khi trồng 10 -15 ngày, liều lượng 3 – 5ml/l, 7 ngày/lần. Sau khi rễ mới mọc 2- 4 rễ, dài 2 - 3 cm tiến hành phun kết hợp B1; Điều tiết độ che râm: Khi cây sinh trưởng độ che phủ tăng dần, vì vậy hàng năm vào mùa đông ngắt bớt cành quá dày, giữ độ che 60%. Vào mùa đông cũng có thể tháo dàn che để tăng độ chiếu sáng. Tỉa cành: hàng năm vào vụ xuân trước khi nảy chồi hoặc thu hái, cần tỉa bớt cành già và cành khô héo, cành quá dày, để xúc tiến chồi non phát triển; Phòng trừ sâu bệnh: Diệt trừ kịp thời các loại bệnh: đốm đen, thán thư, thối thân, rỉ sắt, … và các loại sâu như rệp, ốc, nhện, sâu xám bằng việc phòng ngừa và sử dụng các loại thuốc phù hợp.
2. Thu hoạch và sơ chế
Có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa đông, thường sau trồng 1- 2 năm. Khi thu hoạch, dùng kéo cắt phần trên gốc, chỉ cắt thân già, để lại thân non tiếp tục phát triển. Khi cắt không cắt cả cây mà chỉ cắt từ phần trên của bộ rễ, để lại ít nhất 2 đốt để năm sau cây tiếp tục đâm chồi nảy lộc.
a. Hoàn thiện quy trình công nghệ ra ngôi lan Thạch hộc tại Trại Nghiên cứu thực nghiệm và dịch vụ KHCN
Trải qua 5 bước cấy chuyển tiếp, sau khi tạo cây hoàn chỉnh trong phòng thí nghiệm, dự án tiến hành ra ngôi. Cây con được đem ra trồng là những cây khỏe mạnh có bộ rễ tốt (từ 2 rễ trở lên) chiều cao cây trung bình từ 3 - 4 cm (tính từ cổ rễ đến chóp lá), mọc 3 - 4 lá. Cây trong bình tam giác từ phòng nuôi cấy mô sẽ được chuyển ra để nơi thoáng mát trong thời gian 7 - 10 ngày với mục đích huấn luyện cây.
Để hoàn thiện quy trình trình công nghệ NCM tế bào nhân giống lan thạch hộc tía phù hợp điều kiện tại Nghệ An dự án đã tiến hành 3 thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD) với 150 mẫu, 3 lần lặp lại.
Nhà lưới được che nilon chắn hoàn toàn nước mưa; có hệ thống lưới đen che phủ theo thời vụ; hệ thống tưới phun mù tự động. Giá thể than củi kích thước 1 x 1 cm; vỏ thông xay bằng hạt ngô kích thước 0.5 - 1 cm, ngâm trong nước sạch 48 - 72h cuối cùng ngâm nước vôi trong 24h; xơ dừa xay mịn đã qua xử lý ( luộc 1000c trong 3h hoặc ngâm nước vôi trong trong 8 - 12h) vớt ra để ráo.
Độ ẩm giá thể trong ngưỡng 60 - 65%. Nồng độ, liều lượng các loại phân bón: tonic 1.8SL; liều lượng 0,75ml/1 lít nước, định kỳ 7 - 10 ngày/lần, Superthive liều lượng 1 - 3ml/ 1 lít nước, định kỳ 2 lần/ tuần.
Dự án đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất giống tại xã Hạnh Dịch (Quế Phong) thuộc phần mảnh 48 – Vùng rừng đặc dụng, Khu BTTN Pù Hoạt và tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Sau khi triển khai, dự án đã mua 100 lọ mẫu lan Thạch hộc tía tại Công ty Biophamrm phát triển giai đoạn cụm chồi để tiếp tục nhân nhanh.
Cây giống sau khi hoàn thiện giai đoạn trong phòng thí nghiệm được chuyển ra ngoài huấn luyện từ 7 - 10 ngày, sau đó được rửa sạch aga và xử lý nấm bệnh. Mỗi cốc trồng 2 - 3 cây, cốc có đường kính 3 cm, cao 5 cm. Sau đó đạt cốc lên giàn.
Dự án đã xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm tại huyện Kỳ Sơn quy mô 500m2 với 5.000 cây giống, xã Châu Kim – Quế Phong 500m2 với 5.000 cây giống. Tuy nhiên, sau khi trồng thử nghiệm tại 2 mô hình trên đã gặp nhiều bất lợi nên dự án đã chuyển mô hình trồng đến xã Liên Hợp - Quỳ Hợp 1.000m2 với 10.000 cây giống./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoa