Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất đổi mới phương pháp luận và ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, bền vững

Thứ năm - 07/07/2022 21:54 0

Đất đai vừa là tài nguyên, vừa là tài sản đặc biệt của quốc gia; đất đai không chỉ là nguồn lực để phát triển kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, chính trị, ổn định xã hội. Quy hoạch sử dụng đất vừa mang tính tích hợp, vừa mang tính điều phối đất đai, có vai trò phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực; quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các ngành, lĩnh vực lập quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước và các địa phương.

Hiện nay, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn đang gặp một số bất cập như sau: chất lượng và hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn; quy hoạch sử dụng đất chưa phát huy được vai trò vừa mang tính tích hợp, vừa mang tính điều phối đất đai cho các ngành, lĩnh vực; chưa đủ mạnh để là quy hoạch nền cho các ngành, lĩnh vực lập quy hoạch, kế hoạch phát triển. Nguyên nhân của những tồn tại này là do sự chưa đầy đủ, phù hợp về phương pháp luận trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, như: cách tiếp cận, căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đầy đủ; tính liên kết vùng, thế mạnh, lợi thế so sánh của từng địa phương chưa được nghiên cứu, thể hiện rõ nét trong quy hoạch sử dụng đất.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Đắc Nhẫn tại Viện nghiên cứu quản lý đất đai đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất đổi mới phương pháp luận và ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm góp phần quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2019.

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: đổi mới phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nâng cao chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát huy được vai trò, vị trí của quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền, vừa mang tính tích hợp, vừa mang tính điều phối đất đai cho các ngành, lĩnh vực nhằm sử dụng tài nguyên đất đai đầy đủ, hiệu quả và bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu

1. Nghiên cứu cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu lựa chọn, đề xuất những bài học kinh nghiệm có thể ứng dụng cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Việt Nam.

2. Đề tài đã nghiên cứu thực trạng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và việc tổ chức thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Đồng thời với việc phân tích, đánh giá những ưu điểm, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế để đề xuất cải tiến, đổi mới cho phù hợp.

3. Đề tài đã nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp có tính đến yếu tố liên vùng và các tác động của biến đổi khí hậu, gồm: a) Bộ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia

b) Bộ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh

c) Bộ chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện

4. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường để đánh giá hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất đối với từng cấp, gồm:

a) Bộ tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường để đánh giá hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia bao gồm 08 tiêu chí: Phát triển sản xuất lúa ổn định; phát triển kinh tế thủy sản; phát triển kinh tế công nghiệp; an ninh lương thực; lao động, việc làm; đô thị hóa; môi trường sinh thái; tăng trưởng kinh tế.

b) Bộ tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường để đánh giá hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm 11 tiêu chí: Phát triển kinh tế nông nghiệp; phát triển kinh tế công nghiệp; phát triển kinh tế dịch vụ - thương mại; nguồn thu từ đất; đất ở, nhà ở dân cư; an ninh lương thực; lao động, việc làm; đô thị hóa; môi trường sinh thái; ô nhiễm môi trường; tăng trưởng kinh tế.

c) Bộ tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường để đánh giá hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất cấp huyện bao gồm 12 tiêu chí: Phát triển kinh tế nông nghiệp; phát triển kinh tế công nghiệp; phát triển kinh tế dịch vụ - thương mại; nguồn thu từ đất; cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đất ở, nhà ở dân cư; cơ sở vật chất văn hóa - xã hội; an ninh lương thực; lao động, việc làm; môi trường sinh thái; ô nhiễm môi trường; tăng trưởng kinh tế.

5. Đề tài đã nghiên cứu đề xuất đổi mới phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm:

a) Cách tiếp cận gồm trong quy hoạch sử dụng đất gồm: tiếp cận hệ thống; tiếp cận TopDown và BotomUp (trên xuống và dưới lên) và tiếp cận đa ngành; tính liên kết vùng trong quy hoạch sử dụng đất;

b) Căn cứ, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

c) Tham gia của cộng đồng trong việc lập quy hoạch sử dụng đất;

d) Công tác công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

6. Đề tài đã nghiên cứu xây dựng quy trình, công nghệ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

7. Nghiên cứu hoàn thiện phần mềm hỗ trợ xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất và ứng dụng GIS, phương pháp phân tích đa chỉ tiêu hỗ trợ lựa chọn phương án quy hoạch sử dụng đất tối ưu đảm bảo quản lý, sử dụng đất hiệu quả, bền vững; phần mềm đã được ứng dụng thử nghiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cho tỉnh Nam Định và huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Việc ứng dụng công nghệ GIS và MCE trong dự báo, lựa chọn vị trí phù hợp, đánh giá hiệu quả phương án quy hoạch sử dụng đất sẽ mở ra một hướng mới đó là sử dụng phần mềm hỗ trợ trong công tác QHSDĐ.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được ứng dụng tại Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng quy trình công nghệ, hoàn thiện phương pháp luận về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng đổi mới, phù hợp tình hình thực tế ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17309/2018) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây