Trẻ em chơi đồ chơi bằng nhựa, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Trong khuôn khổ một nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển đã kiểm tra khối lượng lớn đồ chơi cũ và đồ chơi trang điểm làm từ nhựa. Kết quả cho thấy 84% số đồ chơi này được phát hiện chứa chất độc, có thể gây rối loạn quá trình sinh trưởng, phát triển và khả năng sinh sản ở trẻ em. Những chất độc này là trở ngại cho nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai vì liên quan đến hoạt động tái sử dụng và tái chế.
Hành vi sử dụng và vứt bỏ chất thải nhựa hiện nay là gây lãng phí tài nguyên và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn của Trái đất. Năm 2021, Nghị viện châu Âu đã thông qua Kế hoạch Hành động vì nền Kinh tế tuần hoàn. Kế hoạch này khuyến khích tái sử dụng, sửa chữa và tái chế các sản phẩm và vật liệu. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu tất cả các sản phẩm có tốt để tái sử dụng một lần nữa hay không?
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Gothenburg gần đây đã được công bố trên Tạp chí Hazardous Materials Advances cho thấy đồ chơi cũ và đồ chơi trang điểm chứa các hóa chất độc hại, có thể gây ung thư, tổn thương ADN hoặc gây rối loạn khả năng sinh sản của trẻ em trong tương lai.
Hóa chất độc hại trong hầu hết đồ chơi cũ
Các hóa chất nguy hại được phát hiện, bao gồm phthalate và parafin clo hóa chuỗi ngắn được sử dụng làm chất dẻo và chất chống cháy trong đồ chơi. GS. Bethanie Carney Almroth, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học Gothenburg đã thực hiện nghiên cứu về tác động môi trường của nhựa và các hóa chất liên quan đến nhựa, đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm liên ngành về Chiến lược quản lý và Đánh giá rủi ro hóa chất tương lai (FRAM). Trong nghiên cứu, các tác giả đã chọn 157 đồ chơi khác nhau cả mới và cũ, và đo hàm lượng hóa chất trong các đồ chơi đó.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết đồ chơi và đồ chơi trang điểm cũ (84%) đều chứa hàm lượng hóa chất vượt quá giới hạn quy định hiện hành. Tổng cộng 30% số đồ chơi và đồ trang điểm mới cũng vượt quá giới hạn quy định. Tuy nhiên, Bethanie Carney Almroth cho biết: "Nồng độ các hóa chất độc hại trong các đồ chơi cũ còn cao hơn nhiều. Ví dụ, nhiều quả bóng cũ được phát hiện có nồng độ phthalate chiếm hơn 40% trọng lượng của đồ chơi, cao hơn 400 lần so với giới hạn cho phép".
Chất độc hại là trở ngại cho nền kinh tế tuần hoàn
Luật của Liên minh châu Âu (EU) quy định về hàm lượng hóa chất trong đồ chơi được gọi là Chỉ thị An toàn đồ chơi đề cập đến nồng độ trong giới hạn cho phép của một số hóa chất được sử dụng trong đồ chơi nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của trẻ em. Hiện nay, giá trị giới hạn cho phép đối với đồ chơi mới theo Chỉ thị An toàn đồ chơi là 0,1% trọng lượng đối với phthalate và 0,15% trọng lượng đối với parafin clo hóa chuỗi ngắn.
Daniel Slunge, chuyên gia kinh tế môi trường và là đồng tác giả nghiên cứu giải thích: "Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tái sử dụng và tái chế không phải lúc nào cũng tốt. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có các lệnh cấm và các biện pháp chính sách khác để loại bỏ các hóa chất độc hại từ nhựa và các vật liệu khác. Mặc dù Chỉ thị An toàn Đồ chơi rất quan trọng để giảm tỷ lệ hóa chất độc hại trong đồ chơi, nhưng lại chỉ được áp dụng cho đồ chơi mới, mà không phải đồ cũ”.
N.P.D (NASATI), theo https://phys.org/news/2022-09-toxins-toys-obstacle-circular-economy.html, 29/8/2012
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc