Thanh Mỹ triển khai thử nghiệm, ứng dụng và phát triển nhiều mô hình có áp dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ hai - 29/11/2021 20:24 0
Thanh Mỹ là xã miền núi vùng cao có nhiều lợi thế trong phát triển nông lâm nghiệp, xã đã được các cấp triển khai thử nghiệm, ứng dụng và phát triển nhiều mô hình có áp dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Trong những năm gần đây, các hoạt động triển khai các mô hình ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống đã có chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra một số sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và có thể thương mại hóa trên thị trường góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, nhận thức được vấn đề đó, thời gian qua, đảng bộ,chính quyền và nhân dân Thanh Mỹ đã chú trọng và tập trung định hướng phát triển các mô hình có ứng dụng KHCN cho các sản phẩm trọng điểm có lợi thế so sánh của địa phương.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao: Những năm trước đây, một số diện tích cây trồng ngắn ngày được chuyển đổi trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, chuyển đổi một số diện tích trồng màu (cây sắn, cây ngô) sang trồng chè. Tổng diện tích chè công nghiệp đến thời điểm năm 2020 trên địa bàn xã là 64,33 ha (trong đó khoảng 25 ha được chuyển đổi từ cây hàng năm). Đối với cây chè từ 4 năm tuổi trở đi, cây chè bước vào thời kỳ kinh doanh, việc đầu tư, chăm sóc khá dễ dàng, chỉ làm cỏ, bón phân sau chu kỳ 1-1,5 tháng thu hái/lần tùy vào điều kiện thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt. Chăm sóc tốt 1 sào có thể thu được 0,25 tấn, mỗi năm có 8-10 đợt hái với tổng sản lượng chè mỗi năm là 2-3 tấn chè búp tươi/sào. Ở thời điểm giá thấp nhất 3,5 triệu đồng/tấn thì 1 sào chè ước tính thu được trung bình khoảng 10,5 triệu đồng/sào/năm.
Phát triển mô hình sản xuất cung ứng cây giống tại chỗ đáp ứng nhu cầu sản xuất: Kết quả thực tế cho thấy, đa số người dân quyết định áp dụng giống cây trồng mới vào sản xuất trong những năm gần đây đặc biệt là cây công nghiệp (chè) cây ăn quả (cây bưởi) và cây lâm nghiệp (cây keo). Phát triển các vườn ươm các giống chè địa phương. Chọn lọc và nhân giống bưởi Thanh Mỹ, xây dựng vườn ươm quy mô 3000 gốc ghép. Đối với cây lâm nghiệp được chú trọng phát triển đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn, phụ cận và các tỉnh bạn, tổng số vườn ươm cây lâm nghiệp trên địa bàn là 84 vườn; số cành ươm trong năm khoảng 4.032 vạn cành/năm.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, xã đang tập trung thực hiện việc phát triển bưởi Thanh Mỹ thành thương hiệu sản phẩm của địa phương như: Trái bưởi Thanh Mỹ có dạng hình cầu tròn, bề ngang tương đương chiều cao của quả, cuống quả và đế quả hơi lõm nhẹ; vỏ quả khá trơn, có lớp lông trắn mịn bao phủ, màu vỏ quả xanh vàng, vỏ quả dễ lột và khá mỏng với độ dày từ 1,2-1,6 cm; thịt quả và tép có màu vàng nhạt, bó chặt, ít nước và dễ tách khỏi vách múi; vị ngọt thanh đậm đà đi vào lòng người, không chua (độ Brix từ 11-12,5%); khối lượng quả đạt từ 0,8-1,2 kg, mỗi quả có từ 14-16 múi/quả, tỷ lệ ăn được từ 48-56%, số hạt trên quả từ 100-150 hạt. Trong điều kiện bình thường, bưởi Thanh Mỹ có thể giữ được 3 đến 5 tháng Vỏ quả có thể hơi khô héo và chuyển màu nhưng chất lượng múi bên trong vẫn được giữ nguyên. Tính đến năm 2020, có 152 hộ dân tại xã Thanh Mỹ đã trồng giống bưởi này và tổng diện tích trên 30 ha, trong đó có 15 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân 6-9 tấn/ha. Cá biệt, có những cây trên 40 năm tuổi cho năng suất quả từ 300-400 quả/cây. Có thể nói, thị trường bưởi hiện nay rất đa dạng về chủng loại, chất lượng và màu sắc. Tuy nhiên, bưởi Thanh Mỹ vẫn tạo nên sự khác biệt nhờ điểm đặc trưng về mẫu mã và chất lượng quả. Hiện nay, người dân trong tỉnh đã biết đến đặc tính quý của giống bưởi này nên quả bưởi Thanh Mỹ trở nên khá đắt hàng, các thương lái đã vào tận vườn để đặt mua khi quả bưởi còn nhỏ.
Hiện nay, Hợp tác xã Bưởi Thanh Mỹ được thành lập ngày ngày 26 tháng 3 năm 2020, trên cơ sở phối hợp sản xuất của 152 hộ dân trên địa bàn xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trước khi thành lập, xã Thanh Mỹ đã chủ động xây dựng kế hoạch đánh giá tổng quát các đặc điểm sinh học, tình hình sản xuất của Bưởi Thanh Mỹ theo quy mô diện tích, số cây theo từng độ tuổi và thực hiện quá trình nhân giống đảm bảo tiêu chuẩn để thúc đẩy quá trình sản xuất. Sau khi được thành lập, Hợp tác xã tiến hành các thủ tục để đăng ký mã QRCODE để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và Giấy chứng nhận vùng trồng đạt chuẩn VietGap.
Về hiệu quả vượt trội, tổng diện tích bưởi Thanh Mỹ ở giai đoạn kinh doanh khoảng 15 ha, bình quân mỗi hộ có từ 300-400 bưởi đạt tiêu chuẩn để bán cho thị trường. Thu nhập tính theo giá bán sỉ 25.000 đ/quả đạt khoảng 6.900.000-35.200.000 đồng/hộ. Sự phát triển mô hình trồng bưởi, đặc biệt là hợp tác xã Bưởi trên địa bàn xã hứa hẹn tiềm năng, nâng cao thu nhập, tạo ra việc làm cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Thanh Mỹ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay của Bưởi Thanh Mỹ là sản xuất chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, diện tích vùng trồng tập trung thấp. Tư tưởng một số bộ phận nông dân còn mang tính tiểu nông, chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa, xây dựng và phát triển thương hiệu. Diện tích trồng mới chủ yếu vẫn còn ở quy mô nông hộ, thiếu những mô hình sản xuất lớn có tính liên kết giữa các hộ trồng bưởi trong sản xuất và kinh doanh. Mức độ đầu tư cho cây bưởi chưa đúng mức so với cả chu trình phát triển của cây, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chưa đồng bộ, đa số vẫn còn canh tác theo tập quán cũ như: Vườn không được cải tạo, cây giống chưa đảm bảo về tiêu chuẩn, chủ yếu nhân giống bằng phương pháp chiết cành la, cành trong tán; mật độ trồng dày, cây có nhiều độ tuổi khác nhau; kỹ thuật canh tác, chăm sóc chưa đạt yêu cầu; kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản còn thô sơ. Trong thâm canh bưởi tình trạng thiếu phân hữu cơ, nước tưới vẫn còn phổ biến; nhiều hộ trồng song chưa chú trọng đầu tư thâm canh, còn trồng xen ghép với các loại cây trồng khác. Một số diện tích trồng tự phát, không theo quy hoạch nên không chủ động được nguồn nước, không có điều kiện thuận lợi để chăm sóc, chất đất không phù hợp khiến người làm vườn phải tăng chi phí sản xuất, mất nhiều công sức, đối diện với nhiều rủi ro. Nhiều diện tích chưa triệt để áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến theo hướng dẫn nên ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ sinh trưởng của diện tích bưởi mới trồng. Đây là nguyên nhân khiến mẫu mã bưởi còn nhiều điểm hạn chế, chất lượng quả không đồng đều làm giảm giá trị thương mại, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh bưởi quả. Cùng với đó, phát triển sản xuất-tiêu thụ theo hình thức liên kết chuỗi còn chậm, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái không có hợp đồng chặt chẽ, phát triển theo hướng trang trại chưa nhiều.Do vậy, để phát triển cây Bưởi Thanh Mỹ theo hướng bền vững, cần phải tác động đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, trong đó khâu nhân giống bằng phương pháp ghép để tạo ra cây giống đảm bảo tiêu chuẩn là rất cần thiết. Kết quả của mô hình nhân giống Bưởi Thanh Mỹ đã sản xuất được 3.000 cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn để cung cấp cây giống chất lượng cao cho các hộ dân trên địa bàn xã Thanh Mỹ. Lượng cây giống này đủ để trồng trên diện tích 6 ha.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các mô hình KH&CN ở Thanh Mỹ còn kém hiệu quả do giao thông nội đồng chưa phát triển kịp với yêu cầu của sản xuất do đó ảnh hưởng đến việc vận chuyển nội vùng, hệ thống điện phục vụ sản xuất chưa được đầu tư hợp lý để phục vụ sản xuất; Thời tiết khí hậu biến đổi liên tục gây nhiều thiệt hại cho người sản xuất; Dịch bệnh hại cây trồng diễn ra diện rộng và gây thiệt hại lớn cho người sản xuất;  Người dân còn bị ảnh hưởng kiểu sản xuất truyền thống, chưa có kiến thức về ứng dụng KHCN; Nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp ở các địa phương chưa đáp ứng nhu cầu về trình độ, tay nghề...có áp dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất; Sản xuất manh mún, giá trị hàng hóa thấp, chưa đi vào được thị trường một cách có hệ thống và thiếu vốn đầu tư áp dụng KHCN vào sản xuất.
Để giải quyết những khó khăn đó, thời gian tới Thanh Mỹ sẽ triển khai một số giải pháp như , thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất. Đề xuất và kêu gọi đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, điện, đường giao thông, các dịch vụ hỗ trợ, hỗ trợ hệ thống nhà lưới, các thiết bị cơ giới, ....;  Tiếp nhận các chuyển giao và ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, nhất là các khâu chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, công nghệ sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia như tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... ; Phối hợp tốt và tiếp nhận các buổi tập huấn do các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức cho người dân được tiếp cận và tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về phát triển nông nghiệp ứng KHCN để nhân ra diện rộng trên địa bàn xã.
Nguyễn Văn Dương

 

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây