Vừa qua, Hội nghị Giải pháp thúc đẩy sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 đã được tổ chức. Phát biểu tại buổi hội nghị, Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hội nghị là sự kiện quan trọng, hết sức có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là dịp để tỉnh Nghệ An bày tỏ lòng tri ân cũng như mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm và triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực Lâm nghiệp, chế biến lâm sản trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh tham quan sản phẩm chế biến từ gỗ trưng bày tại hội nghị Giải pháp thúc đẩy sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 diễn ra sáng 1/12 tại Nghệ An. Ảnh Thu Huyền
Nằm trong vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất toàn vùng và trên cả nước, với tổng diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch là 1.166.109 ha chiếm 70,7% tổng diện tích tự nhiên trong toàn tỉnh; tài nguyên rừng vô cùng phong phú, đa dạng, là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho tất cả các ngành sản xuất hàng hóa từ lâm sản và các dịch vụ môi trường. Toàn tỉnh hiện có 965.057 ha đất có rừng chiếm 82,8% tổng diện tích đất lâm nghiệp, trữ lượng rừng trồng toàn tỉnh ước đạt 9,6 triệu m3, sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1,2 - 1,5 triệu m3.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu... liên kết với toàn vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản nói riêng.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, công tác quản lý bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng; chế biến và thương mại lâm sản đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tốc độ phát triển rừng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá nhanh, diện tích rừng trồng hàng năm tăng lên đã vượt quá tốc độ suy thoái vốn rừng và mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh và kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cũng thẳng thắn chỉ rõ, lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp từ khâu sản xuất giống, trồng rừng, thâm canh rừng, khai thác rừng, đến công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ vùng Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng vẫn chưa thực sự phát triển, chưa hình thành được chuỗi giá trị. Sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu còn ở dạng thô, qua nhiều khâu trung gian, chưa có sản phẩm chế biến sâu, chưa tạo được thương hiệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Các tỉnh trong vùng đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ còn manh mún tự phát, chưa thực sự chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt thiếu tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng.
Nhấn mạnh vai trò của phát triển khoa học công nghệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng cũng như lĩnh vực nông nghiệp nói chung ngày càng thể hiện sự hiệu quả vượt trội trong quá trình quản lý, sản xuất.
Với những yêu cầu tất yếu của thực tiễn đặt ra, việc đầu tư xây dựng "Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An" càng trở nên cấp thiết hơn. Vừa qua, Đề án đã được sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, tỉnh Nghệ An và Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ ngành liên quan đã cơ bản hoàn thiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án.
Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An thuộc nhóm 1 là Khu có vị trí thuận lợi, nằm trung tâm của Vùng Bắc Trung Bộ, nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ (đường bộ, sắt, cảng biển, hàng không), các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, đồng thời đây là khu vực có nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề và kỹ thuật trong chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng và Hệ thống logistic từng bước được hình thành.
Đề án "Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An" có 03 Phân khu chức năng. Đề án được hưởng các ưu đãi đầu tư về tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất; hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng; thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực, phát triển thị trường...
Đề án này sẽ góp phần phát huy những lợi thế, thế mạnh của tỉnh Nghệ An cũng như của vùng Bắc Trung Bộ để quản lý và phát triển bền vững ngành và tái cơ cấu lại ngành lâm nghiệp hiệu quả, góp phần đưa chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ thành một ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của vùng, thực hiện tốt định hướng quốc gia - Trở thành một trong ba khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được định hướng xây dựng trong cả nước theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2020 - 2025 của vùng Bắc Trung Bộ đạt khoảng 2,0 tỷ USD, định hướng đến năm 2035 đạt khoảng 3,0 tỷ USD, tham gia vào kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của cả nước đến năm 2025 đạt từ 18,0 đến 20,0 tỷ USD./.
Trung Kiên
Ý kiến bạn đọc