Trong những năm qua chăn nuôi đang dần trở thành ngành đem lại nguồn thu nhập chính cho nhân dân trong ngành sản xuất nông nghiệp; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 45% trong ngành nông nghiệp. Hiện nay chăn nuôi ở huyện Anh Sơn chủ yếu là Trâu, bò, lợn, gà. Chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, sang chăn nuôi tập trung quy mô trang trại; khuyến khích phát triển khu chăn nuôi tập trung, công nghệ cao liên kết đầu ra sản phẩm. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng hiệu quả như: công tác giống, thức ăn, chuồng trại và phòng chống dịch bệnh. Tổng đàn và sản lượng xuất chuồng gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ: Về số lượng tổng đàn, tổng đàn trâu hiện có 15.594 con; tổng đàn bò 17.510 con; tổng đàn lợn 55.100 con; tổng đàn gia cầm 1.253.000 con; Về sản lượng thịt hơi xuất chuồng: sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng: 1.485/1.730 tấn; sản lượng lợn hơi xuất chuồng 8.520 tấn. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 2.397 tấn. Ngoài các trang trại lớn như: trại lợn (Hùng Sơn), trại gà (Đỉnh Sơn) tham gia chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm ổn định; phần còn lại, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi phụ thuộc vào các thương lái, không ổn định, giá cả bấp bênh.
Bò được chăn nuôi hầu hết ở các xã, tập trung nhiều tại các xã: Cẩm Sơn, Vĩnh Sơn, Đức Sơn, Lĩnh Sơn… Hiện nay chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo làm hàng hóa phát triển mạnh, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô từ 3 - 10 con/hộ khả phố biến. Công tác giống, TTNT giống bò lai ZEBu đã tăng đáng kể, tỷ lệ bò lai máu ZEBU tăng từ 10% năm 2009 lên 95% năm 2020. Một số xã làm tốt công tác giống cho hiệu quả rõ nét như: Vĩnh Sơn, Lĩnh Sơn, Long Sơn. Các xã Tam Sơn - Đỉnh Sơn - Cẩm Sơn đã hình thành chăn nuôi trâu bò hàng hóa vỗ béo, dần tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ làm hàng hóa. Chuồng trại chăn nuôi đã được nhân dân quan tâm đầu tư đảm bảo về diện tích, quy cách, vệ sinh môi trường. Trong những năm gần đây có một số trang trại chăn nuôi hoặc một số hộ nuôi bò vỗ béo (bò thịt) đầu tư chuồng trại đảm bảo, có hệ thống máng ăn, máng uống, xử lý môi trường, vị trí xa khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Bò Blanc Blue Belge (BBB) là giống bò thịt đặc biệt của thế giới được tạo ra từ nhiều giống bò địa phương của Bỉ với bò Shorthorn từ năm 1919. Đây là một trong nhiều thành công lớn của công tác di truyền và tạo giống mới của Bỉ. Sau hơn 50 năm nghiên cứu tạo giống bò BBB là giống bò thịt đặc biệt có cơ bắp phát triển siêu trội (hệ thống cơ đôi), ngoại hình đẹp, khả năng sử dụng thức ăn tốt, thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao, bò BBB rất hiền lành. Bò BBB có 3 màu lông cơ bản: Trắng, loang xanh và đen do sự phân ly của gien bò Shorthorn. Năm 1980 Bộ Nông nghiệp đã có chủ trương "Sind hóa" đàn bò của Việt Nam. Cũng từ 1980 các nhà khoa học đã tiến hành lai kinh tế bò thịt giữa các giống bò chuyên dụng thịt như: Charolais, Simental, Limousin, Hereford và gần đây là Drought Master với đàn bò cái nền là lai Sind. Từ 1999 đến 2001; dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Khoa học & Công nghệ, Công ty Giống gia súc Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu có kết quả đề tài "Khảo sát công thức lai tạo giống bò thịt cao sản từ bò lai Sind với bò lai xanh trắng Bỉ (BBB) và ứng dụng trong chăn nuôi bò thịt ở Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dùng tinh bò BBB (nhập nội) phối giống cho đàn bò cái nền lai Sind đã được chọn lọc và được nuôi trong điều kiện ở nông hộ ngoại thành Hà Nội đạt tỷ lệ thụ thai 100%. Trong tổng số 20 bê lai F1 (BBB x lai Sind) sinh ra, tất cả bò mẹ đều sinh đẻ bình thường, không phải can thiệp. Trọng lượng bình quân sơ sinh của bê lai F1 (BBB x lai Sind) đạt 27kg/con, cao hơn tất cả các công thức lai khác đã được tiến hàng trước đây. Bê lai F1 (BBB x lai Sind) có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt hơn hẳn các con lai khác đã nghiên cứu tại Việt Nam. Năm 2019, UBND huyện Anh Sơn đã phê duyệt kinh phí từ nguồn KHCN xây dựng mô hình: "Phối giống truyền tinh nhân tạo bò Blanc-Blue-Belgium (BBB)" trên địa bàn xã Vĩnh Sơn với quy mô 50 con bò cái có chửa. Mô hình được UBND huyện giao Phòng NN&PTNT tổ chức thực hiện, Trạm giống chăn nuôi Tây Nam Nghệ An phối hợp triển khai.
Trạm giống chăn nuôi đã phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ khuyến nông viên cơ sở để khảo sát, chọn hộ tham gia mô hình đáp ứng theo các tiêu chí đã xây dựng như: Có bò cái lai Zebu sinh sản đủ tiêu chuẩn làm giống (khối lượng cơ thể ≥ 220 kg), quy mô từ 1 - 5 con/hộ; có đủ điều kiện về chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh; đã có kinh nghiệm trong nuôi bò; có khả năng tiếp thu và thực hiện quy trình khoa học công nghệ của Mô hình; Có khả năng đối ứng và cam kết tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Chọn bò cái nền sinh sản là bò lai Zebu (F1, F2...) có ngoại hình đẹp, có khối lượng ≥ 220 kg, đủ tiêu chuẩn làm giống để làm nền lai tạo. Thức ăn dùng cho bò cái chửa gồm thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, bổ sung khoáng và vitamin...ưu tiên các loại thức ăn sẵn có tại địa phương. Hàm lượng protein tối thiểu 14 %, với khẩu phần 2,0 kg thức ăn tinh/con/ngày. Mô hình sử dụng tinh bò đực (thuộc nhóm bò chuyên thịt chất lượng cao giống BBB) của các cơ sở cung cấp tinh bò đông lạnh đảm bảo theo đúng quy định về quản lý giống tại Pháp lệnh Giống vật nuôi và Quyết định 66/2005/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Các hộ chăn nuôi có nhu cầu, tiêu chí và năng lực đăng ký chăn nuôi được công khai các định mức hỗ trợ, các yêu cầu tham gia mô hình, các nội dung triển khai, có 50 hộ được chọn. Trạm giống chăn nuôi đã lựa chọn và ký hợp đồng với 02 cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp chuyên môn về chăn nuôi thú y để theo dõi và hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật, phối tinh bò cho các hộ tham gia Mô hình. Tham gia chọn hộ, tập huấn kỹ thuật cho các hộ, có trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật, theo dõi, ghi chép số liệu, theo dõi kết quả sinh sản, tổng hợp số liệu, làm báo cáo, tổng kết mô hình...
Để so sánh hiệu quả giữa phối giống bò khác với giống bò Blanc-Blue-Belgium (BBB) trong cùng điều kiện môi trường thì mỗi bê sinh ra (nuôi trong thời gian 5 - 6 tháng tuổi) được phối giống bằng tinh bò Blanc-Blue-Belgium (BBB) cân nặng khoảng 85 - 100 kg; bò lai Zebu cân nặng khoảng 75 - 80 kg giá trị tăng thêm từ 6 - 7 triệu đồng/con theo giá thị trường; và cao hơn từ 15 - 18 triệu đồng/con sau 1 năm nuôi.
Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi tại hộ, nâng cao kỹ năng về chăn nuôi bò sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người chăn nuôi. Thông qua Mô hình góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi, từ chăn nuôi dàn trải manh mún sang chăn nuôi có ứng dụng quy trình kỹ thuật, chăn nuôi có đầu tư thâm canh, có hiệu quả cao. Hình thành nên một nghề có tính bền vững, khai thác tốt thế mạnh của địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua Mô hình các hộ được gần gũi, được chia sẻ kinh nghiệm, tính cộng đồng được nâng cao. Mô hình thành công có sức lan tỏa, ngoài những hộ tham gia Mô hình, nhiều hộ ngoài mô hình và các hộ mới đã học tập làm theo giúp giải quyết lao động cho địa bàn nông thôn, giúp nhiều người học tập kinh nghiệm trong chăn nuôi bò, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Như vậy, mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao bằng thụ tinh nhân tạo bò Blanc-Blue-Belgium (BBB) được chính quyền địa phương và các hộ tham gia Mô hình quan tâm triển khai thực hiện, các hoạt động của Mô hình được triển khai đúng tiến độ và đạt yêu cầu; Mô hình chăn nuôi phối giống bò thịt Blanc-Blue-Belgium (BBB) chất lượng cao phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh, với điều kiện và nguyện vọng của người chăn nuôi.
Từ hiệu quả kinh tế bước đầu đạt được cho thấy, Mô hình hoàn toàn có khả năng nhân ra diện rộng, giải quyết nhu cầu xã hội về chăn nuôi, bên cạnh đó thông qua các hoạt động của Mô hình như tập huấn, tham quan hội thảo sẽ có tác động tích cực đến người dân trong vùng. Đặc biệt là được trang bị kiến thức cơ bản về "Kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản và quy trình thụ tinh nhân tạo bò", nâng cao đời sống của các hộ dân chăn nuôi. Mỗi hộ tham gia Mô hình, hưởng lợi từ Mô hình sẽ là những nhân tố góp phần lan tỏa tính hiệu quả của mô hình Mô hình ra cộng đồng, nhằm phát triển mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong nông hộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng giá trị gia tăng, hiệu quả và thu nhập cho nông dân, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nguyễn Hữu Thìn
Ý kiến bạn đọc