Tập huấn chuyển giao kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMIC trong canh tác nông nghiệp hữu cơ
Ngày 01/9/2021, Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Đoàn Thanh niên Bộ Nông...
Ngày 01/9/2021, Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tỉnh đoàn các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Hải Dương, Nghệ An, Yên Bái đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMIC trong canh tác nông nghiệp hữu cơ bằng hình thức trực tuyến.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động tập huấn của Trung ương Đoàn thông qua Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN để cùng triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên các địa phương phát triển kinh tế trên chính quê hương mình.
Tham dự buổi tập huấn, về phía lãnh đạo đoàn thanh niên các tỉnh có đồng chí Lê Văn Lương - UVBCH TW Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An; đồng chí Khèn Văn Quân - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang; đồng chí Triệu Thanh Dung - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Cao Bằng; đồng chí Nguyễn Hồng Sáng - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hải Dương; đồng chí Hà Đức Hải - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái.
Về phía Bộ, ngành có đồng chí Nguyễn Duy Pháp, Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ KH&CN; đồng chí Lê Vũ Tiến- UVBCH TW Đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN; đồng chí Tạ Hồng Sơn- Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ NN&PTNT.
Buổi tập huấn đã thu hút trên 400 học viên tham gia gồm các đối tượng là lãnh đạo đoàn thanh niên và đoàn viên thanh niên của các tỉnh, huyện, xã, trong đó có rất nhiều thanh niên đang tham gia làm kinh tế tại các địa phương; cán bộ Sở NN&PTNT, cán bộ Sở KH&CN các địa phương. Tại mỗi địa phương, đoàn thanh niên đều tổ chức nhiều điểm cầu ở các xã, phường, thôn, xóm để bà con nông dân cùng tham gia tập huấn.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường hiện đang là vấn đề lớn, đặc biệt nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng tăng từ phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, chất thải chăn nuôi,... Mỗi năm có khoảng 50 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp, 20 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 80 triệu tấn phân gia súc, gia cầm. Do đó, giải pháp tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp cây trồng, chất thải gia súc, gia cầm để tạo ra phân vi sinh hữu cơ phong phú cung cấp cho các mô hình làm nông nghiệp sạch, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng đang được áp dụng và trở thành xu thế cho các mô hình nông nghiệp ngày nay.
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã giới thiệu quy trình kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân ủ hữu cơ bằng chế phẩm EMIC; quy trình khử mùi trong chuồng trại trong chăn nuôi; quy trình kỹ thuật làm đệm lót sinh học; đồng thời giải đáp thắc mắc của các đoàn viên thanh niên và bà con nông dân.
Phân ủ hữu cơ vi sinh là hỗn hợp của bã thực vật, bã động vật đã được vi sinh vật phân huỷ thành mùn bã chứa dinh dưỡng và vi sinh vật có lợi cho đất và cây trồng. Phân ủ hữu cơ vi sinh có tác dụng cải tạo đất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các chuyên gia cũng lưu ý, khi làm phân ủ hữu cơ vi sinh cần quan tâm đến độ ẩm, độ thoáng khí, nhiệt độ, nguyên liệu.
Quy trình kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân ủ hữu cơ bằng chế phẩm EMIC do Công ty cổ phần Công nghệ Vi sinh và Môi trường (MITECOM) nghiên cứu, phát triển và đã hỗ trợ tập huấn cho bà con tại nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hải Dương, Hà Giang… giúp bà con tận dụng được phế thải nông nghiệp làm phân ủ hữu cơ vi sinh để sử dụng, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và cho sản phẩm nông nghiệp sạch.
Buổi tập huấn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành cung cấp nền tảng hội họp, tập huấn trực tuyến TPMs - SmartROOM từ Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cộng đồng (TOTA R&D) và DUCAPITAL HOLDING. Việc tổ chức tập huấn thông qua hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện nay là giải pháp sáng tạo và thực sự hữu ích, nhằm kết nối và đem lại những thông tin giá trị đến với thanh niên, bà con nông dân các địa phương.
Khôi Trần