Những kết quả nổi bật của hoạt động nghiên cứu KH&CN trên địa bàn huyện Tương Dương giai đoạn 2011-2021
Trong những năm qua, quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và các sở ban ngành cấp tỉnh. Ban Thường vụ Huyện ủy luôn chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nên hoạt động KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số đề án, dự án được nhân rộng và phát huy hiệu quả cao, áp dụng, đẩy mạnh triển khai ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp góp phần làm tăng năng suất, sản lượng, tăng chất lượng sản phẩm nhiều loại cây trồng, vật nuôi.
Các nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp tỉnh được triển khai có hiệu quả như: Đề tài “ Nghiên cứu và bảo tồn tiếng Thái Lai Pao” đã khẳng định sự cần thiết và kết quả của bộ giải pháp cần được ứng dụng vào thực tiễn nhằm: Khẳng định tính đúng đắn của bộ giải pháp trên các nội dung; Bảo tồn được chữ viết của dân tộc Thái, từ đó nhân rộng ra các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh; Đề tài “ Bảo tồn và phát triển giống cà chua múi bằng phương pháp nhân giống sinh dưỡng” được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyêt định số 4088/QĐ–UBND ngày 9/11/2015 và giao cho Trạm khuyến nông huyện thực hiện với mục tiêu: giúp người dân nắm được các kỹ thuật tạo giống cà chua múi bằng phương pháp nhân giống sinh dưỡng; Đề tài “ Bảo tồn và phục tráng giống xoài Tương Dương” thông qua việc nghiên cứu đã chọn ra được giống xoài Tương Dương thuần chủng, có chất lượng thơm ngon, từ đó giúp cho người dân an tâm trong việc sản xuất xoài Tương Dương và trở thành hàng hóa có vị trí trên thị trường.
Một số mô hình được xây dựng đã mang lại hiệu quả cao, làm tiền đề nhân rộng. Điển hình là mô hình xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bò giàng Tương Dương" dùng cho sản phẩm thịt bò giàng huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Thiết lập và vận hành mô hình, cơ chế quản lý nhãn hiệu tập thể "Bò giàng Tương Dương" . Đảm bảo sản phẩm "Bò giàng Tương Dương" khi tiêu thụ trên thị trường được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Nâng cao giá trị kinh tế, nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh "Bò giàng Tương Dương" hiểu rõ hơn về giá trị và vai trò của việc xây dựng, quản lý nhãn hiệu tập thể "Bò giàng Tương Dương" . Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm "Bò giàng Tương Dương", đồng thời bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã xây dựng bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể chuẩn đáp ứng yêu cầu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Hoạt đông nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được chú trọng ưu tiên, nhất là trong giai đoạn 2011-2020. Về công nghệ nuôi cá lồng trên lòng hồ các thủy điện: Đã áp dụng công nghệ lồng cá công nghiệp, với loại thức ăn công nghiệp giúp cho thịt cá khi thu hoạch thơm ngon và giòn; Ứng dụng công nghệ trong việc cấp giấy CNQSD đât: Từ việc ứng dụng công nghệ đã giúp cho việc cấp giấy chứng nhận QSD đất nhanh gọn và chính xác; Ứng dụng công nghệ trong phân loại và rửa nghệ: ứng dụng công nghệ này đã phân loại nghệ trong quá trình sản xuất tinh bột nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng tinh bột nghệ; Ứng dụng máy hút chân không trong đóng gói sản phẩm: ứng dụng công nghệ đóng gói chân không trong bao gói các sản phẩm như. Bò giang, lạp xườn, tinh bột nghệ; Ứng dụng công nghệ máy sấy bột nghệ: Đây là biện pháp thay thế sấy tinh bột nghệ bằng củi như trước đây. Sử dụng máy sấy này giữ được màu sắc của nghệ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm nhiên liệu, giảm sức lao động tăng được giá thành sản phẩm; Xây dựng nhãn hiệu: Bò giàng Tương Dương, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh bò giàng Thảo Hảo, đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Ứng dụng KHCN trồng dưa chuột, dưa hấu an toàn: Đến năm 2020 đã nhân rộng được 3ha. Mô hình đã ứng dụng KHCN vào sản xuất như áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng màng phủ gốc, lưới che côn trùng, các giống có năng suất cao chất lượng tốt vào sản mô hình này đem lại thu nhập trung bình cho bà con nông dân từ 260 - 300 triệu đồng/ha; Mô hình trồng Ngô nếp làm hàng hóa: Ứng dụng các giống mới với chất lượng cao, thơm dẻo như các giống HN 88. ADI 600... vào sản xuất để phục vụ bán bắp tươi cho người tiêu dùng. Năm 2020 diện tích trồng ngô nếp lên 30 ha. đã đem lại thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha; Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ cây lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng cây đậu xanh: Mô hình đã đem lại thu nhập gấp 2,5 - 3 lần trồng lúa rẫy. Mô hình này đến năm 2020 đã nhân rộng được 25ha; Ứng dụng Khoa học công nghệ trong chăn nuôi gà, lợn: Mô hình” Nuôi gà, lợn trên đệm lót sinh học”. đến tháng 12/ 2020 UBND huyện đã nhân rộng được thêm 15 hộ với quy mô 250 - 300 con/hộ, sau khi trừ đi các chi phí còn đem lại thu nhập mỗi hỗ 30 - 35 triệu đồng/ 4 - 5 tháng nuôi.
Trên lĩnh vực CNTT, các cơ quan trên địa bàn huyện đã đầu tư trang bị máy móc, thiết bị CNTT cho các phòng chuyên môn; ứng dụng nhiều phần mềm trong thực thi nhiệm vụ. Thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính chặt chẽ, công khai nhanh gọn, hiệu quả. Duy trì và vận hành có hiệu quả trang thông tin điện tử của huyện, công khai bộ thủ tục hành chính trên cổng thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành.
Ứng dụng Khoa học công nghệ trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng được huyện chú trọng triển khai, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai hệ thống thông tin quản lý và chỉ đạo các nhà trường sử dụng hiệu quả các phần mềm trong công tác quản lý: Phần mềm http://vnedu.vn; http://pcgd.moet.gov.vn; http://smas.edu.vn; (http://truonghocketnoi.edu.vn;.. cho các trường trên địa bàn.; Đã triển khai website giáo dục cho Phòng và các nhà trường theo mô hình mới (xây dựng website của đơn vị trực thuộc trên cùng website của Phòng). Tiếp tục triển khai việc gửi nhận văn bản điện tử qua website và email. Cơ bản gần 100% số văn bản của Phòng thực hiện qua hình thức điện tử; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc “Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong trường phổ thông nhằm đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giáo viên tự tích hợp CNTT vào từng môn học thay vì học trong môn Tin học. Giáo viên các bộ môn chủ động tự soạn và tự chọn tài liệu và phần mềm (mã nguồn mở) để giảng dạy ứng dụng CNTT”. Tăng cường các hoạt động về ứng dụng CNTT trong dạy và học gồm: Soạn giáo án, soạn và sử dụng các bài giảng có ứng dụng CNTT, bài giảng E-Learning; tích cực áp dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học và thí nghiệm ảo, các phần mềm kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ học sinh tự học ngoài giờ lên lớp, tạo điều kiện cho học sinh ứng dụng CNTT để trình bày nội dung, ý tưởng của mình theo phương pháp “Dạy học theo dự án” nhằm phát triển năng lực của học sinh.
Song song, bộ máy quản lý nhà nước về Khoa học công nghê, hoạt động của Hội đồng Khoa học và công nghệ của huyện luôn được củng cố và kiện toàn thường xuyên về cả nhân lực và nội dung. Hoạt động sở hữu trí tuệ đã được các cấp, các ngành của huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm; phân tích chất lượng sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được hỗ trợ in ấn bao bì, tem nhãn. Bên cạnh đó mô hình còn được hướng dẫn về quy cách quản lý và phát triển nhãn hiệu. Công tác quản lý Nhà nước về Đo lường - Chất lượng hàng hóa có nhiều đổi mới, sáng tạo và ngày càng có nề nếp, góp phần giảm đáng kể các hành vi vi phạm pháp luật về ĐL và CL, làm lành mạnh thị trường, văn minh thương mại và bảo vệ lợi ích người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo là vấn đề quan trọng được lãnh đạo huyện quan tâm và trong các cuộc họp, hội thảo đều đề cập đến việc khuyến khích các cá nhân và tổ chức tham gia nghiên cứu khoa học, góp sáng kiến khoa học và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và đời sống, góp phần xây dựng huyện Tương Dương ngày càng phát triển, thị trấn Thạch Giám ngày càng xanh- sạch - đẹp./.
Nguyễn Quốc Lý