Đánh giá các kết quả đã thực hiện và nghiên cứu bổ sung công nghệ xử lý quặng cát kết urani để tiến tới xây dựng bộ số liệu kinh tế kỹ thuật

Thứ tư - 17/11/2021 03:59 0

Cho đến nay, các công trình nghiên cứu liên quan đến xử lý quặng urani ở nước ta đã có lịch sử trên 40 năm, bắt đầu từ những thí nghiệm đầu tiên phân tích thành phần hóa học và thăm dò khả năng tách urani từ quặng apatit Lào Cai và đất hiếm Nậm Xe được thực hiện tại Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1968 cho đến các công trình nghiên cứu xử lý quặng urani vùng trũng Nông Sơn được tiến hành tập trung tại Viện Công nghệ xạ hiếm. Các công trình này đã nghiên cứu một cách tương đối có hệ thống các loại hình quặng chứa urani tại Việt Nam.

Theo xu hướng đó, từ năm 2016 đến năm 2018, TS. Thân Văn Liên cùng các cộng sự tại Viện công nghệ xạ hiếm đã thực hiện đề tài: “Đánh giá các kết quả đã thực hiện và nghiên cứu bổ sung công nghệ xử lý quặng cát kết urani để tiến tới xây dựng bộ số liệu kinh tế kỹ thuật”.

Đề tài nhằm mục tiêu: Đánh giá một cách hệ thống tài nguyên urani của Việt Nam; phát triển công nghệ xử lý các loại quặng urani Việt Nam, đặc biệt là xử lý loại quặng nghèo để thu sản phẩm urani kỹ thuật có hiệu suất thu hồi urani cao, giá thành hợp lý.

Đề tài nghiên cứu đã tổng hợp, đánh giá, phân tích những kết quả đã đạt được của các công trình nghiên cứu về chế biến quặng urani vùng trũng Nông Sơn. Từ đó, chỉ ra những thành công, hạn chế của các công trình nghiên cứu và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo trong những năm tới nhằm phục vụ cho việc làm chủ công nghệ và tham gia đánh giá tài nguyên urani của đất nước, xây dựng các phương án sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng trình bày kết quả nghiên cứu bổ sung một số công đoạn của công nghệ chế biến quặng urani như: Nghiên cứu giai đoạn hoà tách thấm, nghiên cứu đánh giá mức độ suy thoái của nhựa trao đổi ion GS300 và chế độ công nghệ quá trình tái sinh nhựa, nghiên cứu công nghệ xử lý quặng có hàm lượng urani ≥ 0,2 %U3O8 bằng phương pháp hòa tách khuấy trộn và nghiên cứu quá trình chiết thu nhận urani từ dung dịch hoà tách quặng urani với dung môi chiết Tri-Octyl Amine (TOA).

Như vậy, kết quả nghiên cứu chính của các công trình là: Đã xây dựng được hệ thống số liệu về thành phần vật chất, đặc tính xử lý và cung cấp số liệu công nghệ xử lý quặng chứa urani với các loại hình quặng cơ bản có ở Việt Nam gồm mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, mỏ phốt phát Bình Đường, mỏ than Nông Sơn, mỏ graphít Tiên An, cát kết Nông Sơn, Monazit trong sa khoáng ven biển. Từ đó đã góp phần xác định được cát kết Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) là vùng quặng urani triển vọng nhất cần tập trung thăm dò để chuẩn bị khai thác khi cần thiết.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16745/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây