Bác sĩ trẻ nghiên cứu máy đo lực cắn

Thứ năm - 26/05/2022 21:41 0

Nhóm bác sĩ trẻ tại TP HCM nghiên cứu thành công máy đo lực cắn ở người, hỗ trợ điều trị các bệnh lý răng miệng.

Sản phẩm do Nguyễn Thế Phương (25 tuổi), bác sĩ răng hàm mặt bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cùng Cao Thị Ánh Ngọc và Trần Thị Minh Thư (bác sĩ nội trú Đại học Y dược TP HCM) nghiên cứu. Máy đo lực cắn được nhóm phát triển trong hơn một năm khi còn là sinh viên Khoa răng hàm mặt, Đại học Y dược TP HCM.

Trong nha khoa, lực cắn là hệ số đo quan trọng dùng để đánh giá chức năng của hệ thống nhai cũng như hiệu quả điều trị các bệnh liên quan răng miệng. Trong chỉnh hình răng, nghiên cứu lực cắn giúp bác sĩ tiên đoán những thay đổi sau điều trị. Trong phục hình, sử dụng lực cắn để đánh giá chức năng nhai. Hay trong phẫu thuật hàm mặt, lực cắn giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả lành thương, xác định thời gian tháo nẹp...

Phương cho biết, máy đo lực vạn năng trên thế giới hiện nay rất đắt, có máy lên tới 1 tỷ đồng. Từ thực tế này, nhóm muốn nghiên cứu sản phẩm trong nước, phục vụ đo lực cắn và thử nghiệm lâm sàng cho bệnh nhân trong điều trị bệnh về răng miệng.

 
Bốn phiên bản máy do lực cắn của nhóm với thế hệ F4 được thử nghiệm cho kết quả tốt. Ảnh: NVCC

Bốn phiên bản máy do lực cắn của nhóm với thế hệ F4 được thử nghiệm cho kết quả tốt. Ảnh: NVCC

Máy đo lực cắn thế hệ F4 của nhóm cấu tạo gồm hai phần chính, đã nâng cấp qua 4 phiên bản. Đầu cắn làm từ thép không gỉ và được cố định bởi hai thanh thép, ở giữa có cảm biến dùng để xác định lực cắn. Bộ phận còn lại là bộ xử lý hiển thị CTI gồm màn hình thể hiện các thông số về lực cắn, giúp bác sĩ làm căn cứ đánh giá tình trạng bệnh nhân. Máy đo có lực tải tối đa 700 N, tối thiểu 1 N với khoảng đo lực rộng.

Máy đo lực cắn của nhóm được được hiệu chuẩn tại Trung tâm đo lường và hiệu chuẩn Sài Gòn, đạt các tiêu chí về thiết kế, độ chính xác, an toàn với người sử dụng...

Khi đo thử nghiệm trên các tình nguyện viên, đa số người dùng đánh giá sản phẩm không gây khó chịu, không gây chấn thương răng và kết quả kiểm định độ sai số lực cắn chỉ dưới 0,5%.

Theo tính toán của nhóm chi phí cho một sản phẩm khoảng 15 - 20 triệu đồng, phù hợp với điều kiện trong nước.

 
Bác sỹ Nguyễn Thế Phương thử nghiệm máy đo lực cắn. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Nguyễn Thế Phương thử nghiệm máy đo lực cắn. Ảnh: NVCC

Phương cho biết, máy đo lực cắn sẽ được ứng dụng trong lĩnh vực phục hình răng. Với những người sử dụng răng giả implant, nhóm sẽ đánh giá độ chịu lực của răng giả so với răng thật, từ đó điều chỉnh răng giả trước khi thực hiện phục hình cho bệnh nhân.

"Nhóm đang làm hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này và hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm", Phương cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh, Giảng viên Khoa Răng hàm mặt, Đại học Y dược TP HCM, cho biết, máy đo lực cắn hiện nay chủ yếu là các sản phẩm của nước ngoài, giá thành cao. Việc nhóm phát triển một sản phẩm trong nước là điều rất tốt, phục vụ việc nghiên cứu, ứng dụng trong ngành răng hàm mặt.

"Sản phẩm là công cụ rất cần cho việc nghiên cứu liên quan đến lực cắn như đánh giá hệ thống nhai, đánh giá chức năng của phục hình răng...", PGS Anh nói.

Hà An

Nguồn tin: vnexpress.net

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây