Chuyên gia đề xuất doanh nghiệp phát triển vi mạch có thể hướng tới thiết kế chip theo nhu cầu hiện tại có sự bảo hộ của Nhà nước và làm chip mới cho thị trường ngách.
Các đề xuất được nêu tại hội nghị "Chính sách phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại TP HCM sáng 21/10. Theo TS Huỳnh Phú Minh Cường, Phó khoa điện - điện tử, Đại học Bách khoa TP HCM, ngành vi mạch hiện có ba loại hình kinh doanh gồm phần mềm thiết kế, sản xuất và đóng gói, thiết kế vi mạch. Trong đó, thiết kế vi mạch là công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao nhất (khoảng 50%) và có doanh thu lớn nhất. Công đoạn lắp ráp, đóng gói chiếm giá trị thấp nhất, khoảng 6%. "Việt Nam cần phát triển ngành vi mạch ở công đoạn thiết kế với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, năng động sáng tạo", ông nói.
Các đại biểu tìm hiểu một số sản phẩm vi mạch giới thiệu tại hội thảo sáng 21/10. Ảnh: Hà An
Ông Cường đưa ra đề xuất hai hướng phát triển, một là thiết kế các loại chip phổ biến mà các doanh nghiệp trong nước đang sử dụng, vì đây là nhu cầu có sẵn. "Doanh nghiệp chỉ chọn chip có chất lượng cao, giá thành rẻ", ông Cường nói nhà nước cần tham gia bảo hộ cho các chip được thiết kế trong nước, đảm bảo đầu ra khi thương mại hóa.
Ở thị trường ngách cũng có thể phát triển các dòng chip mới phục vụ một lĩnh vực để tạo lợi thế cạnh tranh. Để làm được, ông Cường cho rằng cần có đội ngũ nhân lực không chỉ biết sử dụng phần mềm thiết kế, kiểm tra chip... mà cần cả kiến thức trong nhiều ngành khoa học và kinh nghiệm thực tế để hiểu được tính năng của chip khi vận hành.
Đồng tình, ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban nghiên cứu phát triển Viettel cho rằng, với kinh nghiệm thực hiện các dự án vi mạch, nhân lực rất quan trọng. Ông chia sẻ, lúc đầu đơn vị ông chỉ có 5 nhân sự làm lĩnh vực này. Tuy nhiên sau nhiều năm thu hút chuyên gia người Việt trong và ngoài nước số lượng đã lên đến hơn 60 người.
Theo ông Hải, doanh nghiệp cần xác định thị trường ngách để thiết kế chip, phục vụ cho nhu cầu một ngành, lĩnh vực cụ thể. "Hiện chúng tôi phát triển chip cho các thiết bị 5G, radar, vệ tinh... đang thử nghiệm và sẽ trở thành sản phẩm thương mại trong một đến hai năm tới", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Cục phó phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các đề xuất của chuyên gia sẽ được tiếp thu làm cơ sở tham mưu Chính phủ xây dựng chính sách và lộ trình phát triển ngành vi mạch trong thời gian tới.
Tại Việt Nam có một số doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT... tham gia phát triển vi mạch với hơn 200 nhân viên. Khoảng 30 doanh nghiệp nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc... đầu tư lĩnh vực này với đội ngũ hơn 5.000 kỹ sư. Số lượng nhân lực thiết kế vi mạch được chuyên gia đánh giá còn khiêm tốn.
Hồi tháng 9, Khu công nghệ cao TP HCM cùng công ty Synopsys phối hợp tổ chức đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch do sinh viên, giảng viên ba đại học thuộc Đại học Quốc gia thành phố. Theo đó, công ty Synopsys sẽ cung cấp phần mềm thiết kế phục vụ hoạt động đào tạo với mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo nhu cầu doanh nghiệp về thiết kế vi mạch.
Hà An
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc