Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể giúp các loài rùa biển bị khối u khỏi bệnh

Chủ nhật - 24/04/2022 22:27 0

Hiện nay nhiều rùa biển mắc chứng bệnh fibropapillomatosis, là chứng bệnh có các khối u suy nhược phát triển trên nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Một nghiên cứu mới cho thấy rằng việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể giúp những con rùa bị bệnh phục hồi.

Mặc dù fibropapillomatosis có liên quan đến nhiễm herpesvirus, nhiều nhà khoa học tin rằng mức độ gia tăng của các bệnh nhiễm trùng như vậy có thể do ô nhiễm môi trường biển. Trong bất kỳ trường hợp nào, khi các khối u được phẫu thuật lấy ra khỏi rùa hoang dã, những con vật này thường không sống sót sau quá trình phẫu thuật; và ngay cả khi sống, các khối u vẫn thường xuyên phát triển trở lại.

Khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Đại Tây Dương Florida-Hoa Kỳ phân tích hóa học máu rõ ràng của rùa biển xanh có và không mắc bệnh fibropapillomatosis, họ lưu ý rằng những con mắc bệnh có mức vitamin D thấp hơn. Với thực tế là cơ thể sản xuất vitamin D để đáp ứng với việc tiếp xúc với quang phổ tia cực tím của ánh sáng mặt trời, các nhà khoa học tự hỏi liệu việc tăng lượng tiếp xúc đó có thể giúp ích cho những con rùa bị bệnh hay không.

Trong nghiên cứu, những con rùa đang hồi phục sau phẫu thuật cắt bỏ khối u được nuôi trong các bể có mức độ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khác nhau, thời gian lên đến sáu tháng. Sau đó, khi phân tích hóa học máu, phát hiện ra rằng những con rùa tiếp xúc với mức độ tia cực tím cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn thực sự có hàm lượng vitamin D cao hơn. Và quan trọng là chúng cũng phát triển ít khối u hơn đáng kể so với những con rùa không nhận được nhiều ánh sáng mặt trời.

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím đi kèm với các vấn đề của riêng nó, chẳng hạn như tăng mức độ của các bệnh như ung thư da. Tuy nhiên, hiện nay phát hiện mới này có thể mang lại kết quả tốt hơn cho những con rùa bị đánh bắt hoang dã được điều trị bệnh fibropapillomatosis trước khi được thả trở lại tự nhiên.

Giáo sư Sarah L. Milton cho biết: "Mặc dù vẫn chưa tìm ra cách chữa trị căn bệnh này, nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng việc tiếp xúc với ánh sáng tia cực tím cao hơn sẽ làm tăng vitamin D ở rùa, cũng như ở các động vật khác bao gồm cả con người. Nồng độ vitamin D trong huyết tương tăng lên tương quan với tỷ lệ bệnh tật thấp hơn. Do đó, tiềm năng tăng cường sức khỏe này có thể góp phần cải thiện khả năng phục hồi. Đối với các nghiên cứu trong tương lai, chúng tôi sẽ quan tâm xem liệu có mối liên hệ trực tiếp giữa mức vitamin D và chức năng miễn dịch hay không”.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Animals.

Đ.T.V (NASATI), theo https://newatlas.com/science/sunlight-fibropapillomatosis-recovery-sea-turtles/, 12/4/2022

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây