Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Thứ tư - 02/06/2021 23:503980
Xác định đẩy mạnh phát triển Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là nhiệm vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huy??...
Xác định đẩy mạnh phát triển Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ là nhiệm vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị sản xuất CN-TTCN và dịch vụ.
Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN là 583,0 tỷ đồng (giá so sánh 2010) chiếm 15,34% giá trị sản xuất toàn huyện; số doanh nghiệp đăng ký hoạt động là 175 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngày 15/7/2016, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đến năm 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 846,5 tỷ đồng (Giá so sánh 2010), chiếm tỷ trọng 16,57 % tổng giá trị sản xuất trong toàn huyện; 10.000 lao động mới có việc làm thường xuyên và 15.000 lao động thời vụ, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các CCN: Mai Sơn, Yên Lâm, Yên Thổ, Khánh Thượng và cơ sở gốm sứ Bồ Bát Yên Thành.
Các cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở đã thực hiện có hiệu quả 06 giải pháp, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển CN-TTCN trong phát triển kinh tế -xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và thu nhập của nhân dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để thu hút đầu tư vào các CCN đã được quy hoạch, đẩy mạnh, phát triển ngành nghề truyền thống, duy trì và phát triển các làng nghề cấp tỉnh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng và phát triển sản xuất. Hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các xã, thị trấn, quy hoạch chi tiết CCN Khánh Thượng, CCN Mai Sơn, giao đất cho cơ sở sản xuất gốm sứ Bồ Bát (xã Yên Thành). Thu hút doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Khánh Thượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư trên địa bàn huyện. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các làng nghề mở rộng quy mô sản xuất, nhất là với các làng nghề chế biến cói xuất khẩu. Thực hiện tốt chương trình khuyến công từ nguồn hỗ trợ Trung ương của tỉnh và nguồn ngân sách huyện.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong 5 năm qua, giá trị Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Ước đến hết năm 2020, giá trị Công nghiệp- Tiểu thủ Công nghiệp đạt 1.150,0 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) đạt 136% so với mục tiêu nhiệm kỳ, cơ cấu Công nghiệp –TTCN chiếm 20,7% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện (Tăng 4,13% so với mục tiêu nhiệm kỳ), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 10,04%.
Cụm công nghiệp Khánh Thượng
Đã hoàn thành Quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp Khánh Thượng và Cụm Công nghiệp Mai Sơn, thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp Khánh Thượng với quy mô 49,936ha, thu hút 04 nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Cụm Công nghiệp Khánh Thượng và Cụm Công nghiệp Yên Lâm với tổng nguồn vốn được chấp thuận đầu tư là 76 triệu USD (Tương đương 1.763,2 tỷ VNĐ), khi hoàn thành dự án thu hút khoảng 10.000 lao động địa phương. Hiện tại, các doanh nghiệp đang hoạt động trên đia bàn huyện đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lao động mới, với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/ tháng. Các làng nghề cấp tỉnh duy trì việc làm cho hơn 2.400 lao động thường xuyên và hơn 12.000 lao động thời vụ, tập trung tại các xã Yên Lâm, Yên Nhân, Yên Mạc, Yên Từ, Khánh Thịnh, Khánh Dương… Làng có nghề truyền thống gốm cổ Bồ Bát xã Yên Thành đã được các cấp, các ngành hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục và phát triển. Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát đã được thuê 5.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 5 -7 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm gốm sứ của làng gốm cổ Bồ Bát đã được thị trường ưu chuộng, đặt hàng sản xuất với số lượng khá lớn. Nhiều sản phẩm tham gia dự thi đều đạt giải cao, trong đó có sản phẩm Bình hút tài lộc đã được UBND tỉnh Ninh Bình chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Sản phẩm Nem chua Yên Mạc đã được Chứng nhận sử hữu công nghiệp quốc gia tháng 12 năm 2019. Trên địa bàn huyện, tại thời điểm tháng 3/2020 có 288 doanh nghiệp đang hoạt động (Tăng 113 doanh nghiệp so với năm 2015, tương đương tăng 64,6%), trong đó có trên 150 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
Việc đẩy mạnh phát triển Công nghiệp – TTCN đã góp phần thúc đẩy dịch vụ phát triển; dự kiến đến hết năm 2020, giá trị dịch vụ toàn huyện ước đạt 1.350 tỷ đồng, đạt 100% mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020.
Để nâng cao giá trị sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp và dịch vụ, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch Cụm Công nghiệp Mai Sơn; thu hút nhà đầu tư hạ tầng vào Cụm Công nghiệp Yên Thổ và Cụm Công nghiệp Yên Lâm; thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lấp đầy và mở rộng Cụm Công nghiệp Khánh Thượng; triển khai hiệu quả chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong các làng nghề cấp tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và gốm sứ tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn khuyến công cấp tỉnh, khuyến công quốc gia về đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng nâng cao năng lực quản lý và sản xuất – kinh doanh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ cánh mạng công nghiệp 4.0./.