Các nghiên cứu mới tìm thấy các mảnh SARS-CoV-2 trong phân, đường ruột, tim, mắt, não - và đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng hậu COVID.
Năm 2020, trong những tháng đầu tiên của đại dịch, nhà ung thư học và di truyền học Ami Bhatt là một trong những người nhận thấy các triệu chứng đường tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy thường xuất hiện những người bị nhiễm SARS-CoV-2. Khi đó, không ai giải thích được nguyên nhân, vì SARS-CoV-2 vốn là virus đường hô hấp. Các nhà nghiên cứu tại trường y Stanford Medicine, nơi Bhatt làm việc, nghi ngờ rằng virus có thể liên quan đến đường tiêu hóa và bắt đầu thu thập mẫu phân của bệnh nhân COVID-19.
Tại Đại học Y Innsbruck, Áo, bác sĩ nội khoa tiêu hóa Timon Adolph cũng phát hiện và bối rối trước các triệu chứng đường ruột ở bệnh nhân COVID-19, do đó Adolph và các đồng nghiệp bắt đầu thu thập các mẫu sinh thiết.
Đến nay, hai năm sau đại dịch, tầm nhìn xa của các nhà khoa học đã được đền đáp: cả hai nhóm gần đây đều công bố kết quả cho thấy các mảnh SARS-CoV-2 tồn tại dai dẳng trong ruột người nhiều tháng sau khi nhiễm. Đây có thể là tác nhân gây ra tình trạng hậu COVID hay các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2.
Hậu COVID bao gồm hơn 200 triệu chứng, từ các triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, đau đầu đến triệu chứng nặng như mất vị giác hoặc suy nhược nghiêm trọng. Đến nay còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc của hậu COVID: các phản ứng miễn dịch có hại, máu đông hoặc các ổ chứa virus vẫn tồn tại trong cơ thể sau khi khỏi bệnh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố này kết hợp với nhau gây ra hậu COVID.
Các hạt của SARS-CoV-2 (màu xanh lam, tô màu minh họa) nảy chồi từ một tế bào ruột đang chết.
Nhiều ổ chứa virus trong cơ thể
Năm 2021, nhà tiêu hóa học Saurabh Mehandru tại Trường Y khoa Icahn, New York, công bố bài báo đầu tiên cho rằng SARS-CoV-2 có thể tồn tại dai dẳng trong cơ thể người. Nhóm của Mehandru tìm thấy các axit nucleic và protein của virus trong mô đường tiêu hóa thu thập từ những người mắc COVID-19 từ 16 tuần trước đó. Các tế bào lót trong ruột mang protein mà virus sử dụng để xâm nhập vào các tế bào, cho phép SARS-CoV-2 lây nhiễm vào đường ruột.
Lấy cảm hứng từ nghiên cứu này, nhóm Bhatt phân tích mẫu phân và phát hiện một số người tiếp tục thải RNA virus vào phân của họ 28 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2, rất lâu sau khi các triệu chứng hô hấp đã chấm dứt.
Adolph cho biết bài báo năm 2021 cũng đã truyền cảm hứng cho nhóm của ông xem xét các mẫu sinh thiết để tìm virus. Nhóm Adolph phát hiện 32 trong số 46 người tham gia nghiên cứu (đều đã từng mắc COVID-19 nhẹ) có phân tử virus trong ruột của họ 28 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Khoảng 2/3 trong số 32 người đó mắc các triệu chứng hậu COVID. Tuy nhiên Adolph cảnh báo dữ liệu này không chứng minh có virus đang hoạt động ở những người này, và không chứng minh vật chất tàn dư virus gây ra hậu COVID.
Một số nghiên cứu khác chỉ ra còn các ổ chứa SARS-CoV-2 bên ngoài đường ruột. Một nhóm thu thập mô từ 44 tử thi từng mắc COVID-19 và phát hiện RNA virus ở nhiều vị trí, bao gồm tim, mắt và não. Gần như tất cả 44 người này từng bị COVID-19 nặng. Một nghiên cứu khác lấy mẫu từ hai người bị COVID-19 nhẹ và bị hậu COVID, và tìm thấy RNA virus trong ruột thừa và vú. Cả hai nghiên cứu đều chưa được bình duyệt, nhưng các nhà khoa học suy đoán rằng virus có thể ẩn náu trong các tế bào miễn dịch gọi là đại thực bào, có trong nhiều loại mô của cơ thể.
Tất cả các nghiên cứu trên đều ủng hộ giả thuyết, các ổ chứa virus tồn tại dai dẳng trong cơ thể góp phần gây ra tình trạng hậu COVID, nhưng vẫn cần các nghiên cứu tiếp theo để chứng minh mối liên hệ này, theo Mehandru. Ví dụ, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đang thực hiện một nghiên cứu lớn có tên là RECOVER, nhằm tìm nguyên nhân hậu COVID và sẽ thu thập sinh thiết từ ruột dưới của một số người tham gia.
Nguồn:
https://www.nature.com/articles/d41586-022-01280-3
https://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S2666634022001672
Hoàng Phương tổng hợp