Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương sụn khớp, xương dưới sụn, dây chằng và các tổ chức quanh khớp, là nguyên nhân gây tàn tật cho người có tuổi đứng thứ hai sau bệnh tim mạch. Trong thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối chiếm 56,5%. Thoái hóa khớp gối ảnh hưởng nhiều nhất đến chức năng vận động. Thoái hóa khớp gối nặng là nguyên nhân gây tàn phế của nhiều bệnh nhân, làm tăng chi phí y tế của gia đình và xã hội.
Nhằm mục đích điều trị, mang lại sức khỏe cho người dân, giảm bớt gánh nặng bệnh tật và kéo dài tuổi thọ, được phép của Bộ Y tế và của hội đồng khoa học của tỉnh Nghệ An, bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh đã triển khai đề tài: “Nghiên cứu điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với ghép tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân”
Với sự trợ giúp của viện Tế bào gốc Hà Nội và Hãng thiết bị Y tế Terumo Nhật Bản và với sự trợ giúp của chuyên gia và kỹ thuật viên của hãng, qua 3 ngày đào tạo, quá trình hướng dẫn cầm tay chỉ việc, 12 thành viên của nhóm nghiên cứu tiếp nhận được kỹ thuật, sử dụng thành thạo trang thiết bị, dụng cụ lấy mỡ, quy trình lấy mỡ, sử dụng các công cụ lấy máu để tách huyết tương giàu tiểu cầu sử dụng và máy tách chiết tế bào gốc.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện được quy trình và kỹ thuật gồm có 8 bước lấy máu ngoại vi tách ra huyết tương giàu tiểu cầu bằng bộ kít PRP, APC 30 PRP PRCEDURE PRAK của Hoa Kỳ. Sản phẩm là 5ml huyết tương giàu tiểu cầu trộn với tế bào gốc để tiêm khớp gối. Và đã thực hiện được kỹ thuật lấy mỡ bụng, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, an toàn đảm bảo đủ lượng mỡ để tách ra đủ số lượng tế bào gốc 10 ml trộn với huyết tương giàu tiểu cầu phục vụ cho việc tiêm vào khớp.
Nhóm nghiên cứu của đã xây dựng được quy trình 12 bước để lấy mỡ bụng bằng bộ kít ADI-25-01 ADIPOSE PRCEDURE PRAK của Hoa Kỳ. Hiện tại nhóm nghiên cứu đã làm chủ được kỹ thuật lấy mỡ bụng, tách chiết tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng và triển khai thực hiện được quy trình điều trị thoái hóa khớp gối bằng huyết tương giàu tiểu cầu kết hợp với tế bào gốc trung mô gồm 10 bước. Đã tiêm được 60 khớp, 30 bệnh nhân an toàn.
Sau 12 tháng theo dõi, nhóm nghiên cứu nhận thấy các bệnh nhân đều có cải thiện các triệu chứng lâm sàng như: Tình trạng đau, sưng. Đặc biệt các triệu chứng này cải thiện rõ rệt sau 12 tháng điều trị: triệu chứng đau giảm từ 100% xuống còn 16,7%, triệu chứng sưng giảm từ 66,7% xuống còn 13,3% (bảng 3.4).
Điểm đau VAS trung bình khớp gối P trước điều trị là 6 ± 1,29, giảm có ý nghĩa xuống còn 2,7 ± 0,96 sau 6 tháng và 1,91 ± 1,04 sau 12 tháng điều trị với p < 0,001 (biểu đồ 3.1). Điểm đau VAS trung bình khớp gối T trước điều trị là 6,43 ± 1,38, giảm có ý nghĩa xuống còn 3,5 ± 1,0 sau 6 tháng và 2,25 ± 1,04 sau 12 tháng với p < 0,001 (biểu đồ 3.2).
Điểm LEQUESNE trung bình khớp gối P, giảm có ý nghĩa từ 16,4±4,7 xuống còn 4,31±4,03 (biểu đồ 3.3); khớp gối T giảm có ý nghĩa từ 17,5±4,76 xuống còn 5,15±4,03 với p< 0,001 ( biểu đồ 3.4).
Điểm WOMAC chung khớp gối P giảm có ý nghĩa từ 51,83±6,3 trước điều trị xuống còn 10,01±5,1 sau 12 tháng (biểu đồ 3.5). Điểm WOMAC chung khớp gối T giảm có ý nghĩa từ 53,83±6,34 trước điều trị xuống 11,11±5,1 sau 12 tháng (biểu đồ 3.6). Nhìn chung qua 2 biểu đồ 3.5 và 3.6 thì đều có sự cải thiện rõ rệt về thang điểm WOMAC đau, WOMAC vận động, WOMAC cứng khớp sau quá trình điều trị ở cả 2 khớp.
Bề dày sụn khớp trung bình trên siêu âm sau 6 tháng tăng từ 2,08±0,36 mm lên 2,48±0,36 mm sau 12 tháng (Bảng 3.5). Như vậy, có sự cải thiện bề dày sụn khớp rõ ràng sau 12 tháng điều trị.
Tỷ lệ bệnh nhân có tràn dịch khớp gối P giảm từ 56,7% xuống 40% sau 1 năm điều trị, khớp gối T giảm từ 66,7% xuống còn 33,3% sau 1 năm điều trị. Tràn dịch khớp mức độ trung bình, nhiều trên siêu âm cả 2 khớp gối có sự cải thiện rõ rệt. ( bảng 3.6).
Chris Hyunchul Jo và cộng sự (2014) đã đánh giá hiệu quả và tính an toàn khi tiêm tế bào gốc mô mỡ cho 18 BN thoái hóa khớp gối từ giai đoạn II trở lên. Tất cả BN được nội soi chẩn đoán trước điều trị, phân loại tổn thương sụn theo hiệp hội sửa chữa sụn quốc tế (ICRS International cartilage repair society). Về mô bệnh học, bệnh phẩm sinh thiết ở vị trí lồi cầu trong xương đùi không có sụn khớp trước điều trị. Sau 6 tháng quan sát thấy sụn khớp được tái tạo với đặc điểm khuôn sụn dày, trắng bóng với bề mặt nhẵn, có biểu hiện của collagen týp II sau khi nhuộm và hợp nhất với xương dưới sụn.
Qua nghiên cứu cho thấy: Bề mặt sụn khớp trên cộng hưởng từ ở các vị trí đều có sự cải thiện. Ở vị trí lồi cầu ngoài đầu dưới xương đùi tăng từ 1,39 ± 0,10 mm trước điều trị lên 1,46 ± 0,11 mm sau 12 tháng điều trị. Ở vị trí lồi cầu trong đầu dưới xương đùi tăng từ 1,35 ± 0,14 lên 1.42 ± 0,14, vị trí lồi cầu trong đầu trên xương chày tăng từ 1,35 ± 0,14 lên 1,44 ± 0,15 sau 1 năm điều trị. Vị trí liên lồi cầu đầu dưới xương đùi tăng từ từ 1,57 ± 0,11 lên 1,65 ± 0,12 sau 1 năm điều trị. Vị trí liên lồi cầu đầu trên xương chày tăng từ 1,56 ± 0,12 lên 1,64 ± 0,12 sau 1 năm điều trị. Ở cả 3 vị trí đo của khớp đùi chè đều có sự cải thiện từ 1,56 ±0,25 lên 1,64±0,21 sau 1 năm điều trị (bảng 3.11). Bảng 3.12 cho thấy sau 1 năm điều trị có 8 khớp giai đoạn III (13,33%) không thay đổi tổng bề dày sụn ở các vị trí đo như đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày và khớp đùi chè.
Khảo sát hiệu quả điều trị qua các thông số trên cộng hưởng từ được nhiều tác giả áp dụng trong đánh giá hiệu quả của liệu pháp tế bào gốc từ mô mỡ tự thân hoặc liệu pháp huyết tương tươi giàu tiểu cầu trong điều trị thoái hóa khớp gối.
Tỷ lệ khớp gối đau sau tiêm < 3h là 45/60 khớp (chiếm 75%). 6 trường hợp đau kéo dài trên 24 giờ, chiếm 10%. Có 10% khớp gối tràn dịch sau tiêm và không gặp trường hợp nào nhiễm khuẩn khớp hay phần mềm quanh khớp sau tiêm.
Đa số bệnh nhân không đau sau lấy mỡ bụng (chiếm 73,3% ) và không bị xuất huyết dưới da vùng bụng sau lấy mỡ (chiếm 73,3% ). Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ đau sau lấy mỡ bụng chiếm 26,7%. Có 26,7% bệnh nhân bị xuất huyết ở vùng bụng sau lấy mỡ. Thời gian xuất huyết dài nhất là 1,8±3,3 ngày.
Tỷ lệ đau, biến chứng sau lấy mỡ bụng, sau tiêm của nghiên cứu này thấp, ngoài ra nghiên cứu không gặp bất kỳ tác dụng không mong muốn toàn thân nào như nhức đầu, chóng mặt, mẩn ngứa, chảy máu cũng như tình trạng sốc. Có thể nghiên cứu này sử dụng TBG mô mỡ tự thân có ưu điểm về nhiều mặt như: dễ lấy, mức độ can thiệp tối thiểu nên hạn chế được tối đa các biến chứng so với kỹ thuật lấy tế bào gốc tủy xương.
Sau 6 tháng điều trị, tỷ lệ bệnh nhân hài lòng là 70% và rất hài lòng là 20%. Sau 12 tháng điều trị, tỷ lệ này lần lượt là 33,3% và 63,3%. Điều này cho thấy liệu pháp tế bào gốc mô mỡ đã giúp cải thiện các triệu chứng cho bệnh nhân, bệnh nhân có thể đi lại bình thường và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên có 3 bệnh nhân (10%) không hài lòng sau tiêm 6 tháng do thỉnh thoảng bệnh nhân có đợt sưng, tràn dịch do bệnh nhân đi lại nhiều. 1 bệnh nhân (3,3%) không hài lòng sau 12 tháng do đi lại vẫn còn đau, vận động thì đau tăng lên.
Sau khi nghiên cứu báo cáo kết quả đề tài, xem hình ảnh tiến hành quy trình kỹ thuật đặc biệt là chứng kiến kết quả 3 bệnh nhân được điều trị có thể đi đến thống nhất: Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu kết hợp với tế bào gốc trung mô từ mô mỡ tự thân trong điều trị thoái hóa khớp là có hiệu quả, an toàn. Có thể nhân rộng mô hình điều trị./.
Thanh Huyền
Bệnh viện ĐẠi học Y khoa Vinh