Ngày 30/7/2022, tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Sở KHCN phối hợp Trạm giống cây trồng công nghệ cao, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá hiệu quả thực hiện dự án “Ứng dụng KHKT xây dựng mô hình sản xuất Bưởi đỏ Hòa Bình tại Nghệ An”, tham gia và chủ trì Hội thảo có ông Hoàng Nghĩa Nhạc, Phó Giám đốc sở KHCN và ông Lê Hữu Bắc, Trạm trưởng trạm giống cây trồng công nghệ cao cùng đại diện phòng Quản lý khoa học, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN - Sở KHCN; Trung tâm khuyến nông tỉnh; Trung tâm giống cây trồng Nghệ An; UBND huyện Thanh Chương, xã Thanh Đức và các hộ gia đình tham gia thực hiện dự án. Trước khi bước vào Hội thảo, các đại biểu đã trực tiếp tham quan mô hình trồng bưởi đỏ Hòa Bình tại gia đình ông Trần Kim Phượng, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại hội thảo
Giống bưởi đỏ Hòa Bình có nguồn gốc từ xã Đồng Lai, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đây là giống bưởi có hiệu quả kinh tế cao, quả bưởi có hình tròn, vỏ màu vàng, khi chín chuyển sang màu hồng, phần cùi khi chín chuyển sang màu hồng đỏ, khối lượng trung bình từ 800-1200g/quả; Tỷ lệ phần múi từ 55-60%, múi đều, dễ tách rời, thịt quả màu hồng đỏ, mọng nước, ăn giòn, ngọt; Thời gian kiến thiết cơ bản từ 3-4 năm cây bắt đầu bói quả, từ năm thứ 6 sẽ cho quả ổn định, năng suất bình quân 250-300 quả/cây, giá bán giao động từ 18.000đ-20.000đ/quả, thu nhập bình quân đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Đại biểu tham dự hội thảo tham quan mô hình
Báo cáo đánh giá dự án trình bày tại hội thảo cho thấy, sau 3 năm trồng với diện tích 20 ha tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương và xã Tân Thắng, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, cây bưởi đỏ Hòa Bình sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, tỷ lệ sống đạt 90% và đã bước đầu cho quả bói. Dự kiến hiệu quả kinh tế năm thứ 3 trồng ước đạt hơn 300 triệu đồng/năm. Quá trình thực hiện dự án đã tổ chức đào tạo, chuyển giao 04 quy trình công nghệ, tập huấn cho 300 lượt người dân tại hai huyện Thanh Chương và Quỳnh Lưu, tổ chức 01 chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hòa Bình; Đầu tư xây dựng 02 nhà lưới với tổng diện tích 01 ha để sản xuất giống với hơn 6000 cây giống đảm bảo tiêu chuẩn đã được sản xuất và xuất trồng… Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đại diện các ngành, các đơn vị, địa phương đều đánh giá cao tính hiệu quả của dự án, sự phù hợp của giống bưởi đỏ Hòa Bình tại Nghệ An, đồng thời chỉ ra một số nội dung tồn tại trong quá trình thực hiện dự án như tình hình sâu bệnh vẫn xẩy ra trên một số cây bưởi, hệ thống tưới nước chưa thật sự đáp ứng yêu cầu… Kết luận Hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Nhạc, Phó Giám đốc sở KHCN đã yêu cầu đơn vị chủ trì dự án phối hợp cùng các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn để triển khai thực hiện dự án hiệu quả và thành công; Tổng kết, đúc rút từ thực tiễn, bổ cứu quy trình trồng, chăm sóc cây bưởi để hướng dẫn người dân, góp phần nhân rộng mô hình trên các địa bàn phù hợp; hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả của mô hình. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai, nghiệm thu và tổng kết, đánh giá về tính phù hợp và hiệu quả của cây Bưởi đỏ Hòa Bình trên địa bàn Nghệ An để có giải pháp nhân rộng mô hình trồng bưởi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trần Thanh
Phó Trưởng phòng KTHT huyện Thanh Chương