Nam Đàn đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản
Chủ nhật - 25/07/2021 20:452610
KH&CN đã và đang phục vụ đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất đã giúp cho chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện đạt hiệu quả. Cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện phát triển đúng hướng, cơ cấu cây trồng chuyển đổi tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, chuyển đổi vùng sâu trũng, vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng sen, cây dược liệu, cây ăn quả gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi hàng hóa cho thu nhập cao. Các mô hình nhà lưới công nghệ cao được đầu tư xây dựng và nhân rộng. Nhờ ứng dụng KHCN mà nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp của huyện đã thành công trong việc mở rộng sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương, có sức cạnh trang cao trên thị trường. Hình thành nên nhiều mô hình liên kết giửa doanh nghiệp, nhà nước và người nông dân để phát triển sản xuất theo chuổi giá trị hàng hóa cho hiệu quả cao, góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Nhiều tiến bộ KH&CN được triển khai ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục và trong lĩnh vực chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, công tác. Thực hiện tốt chủ trưởng chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời đảm bảo vững chắc an ninh lương thực,bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn huyện đã triển khai 97 đề tài, dự án và mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, các mô hình được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác nhau với tổng kinh phí thực hiện là 36,15 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 11,546 tỷ đồng; Nguồn đối ứng của các tổ chức, cá nhân 19,604 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 03 sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: Sản phẩm "Bột sắn giây Nam Đàn", Cốm thực dưỡng Phương Công và sản phẩm "Miến gạo, bánh đa Quy Chính", 02 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận đơn gồm: Giò me Sơn Cẩm, Sen quê Bác. Hiện nay huyện đang triển khai dự án: Xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý "Tương Nam Đàn". Việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn được chú trọng, ngoài việc đã tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều ngành nghề đa dạng gắn với các chương trình của Trung ương, của tỉnh; huyện cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao về công tác trên địa bàn huyện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bột sắn giây Nam Đàn được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Thời gian qua, UBND huyện cũng như các xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, liên kết sản xuất với người dân, cũng như liên kết HTX DVNN giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Cụ thể, trên cây lúa, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa,trên địa bàn huyện đã xây dựng các cánh đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp như: Công ty Giống cây trồng Trung ương, Tổng Công ty VTNN Nghệ An, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An... Đặc biệt các mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao: Bắc Thịnh, VNR20, Phú ưu 978... cho năng suất bình quân 66 - 68 tạ/ha cao hơn so với năng suất đại trà khoảng 04 tạ/ha, giá bán tăng từ 1,2 - 1,5 triệu/ ấn. Đối với rau màu, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào địa bàn có hiệu quả, đưa vào sản xuất các giống rau có năng suất, chất lượng cao như hoa lý, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, dưa lưới… Tiếp tục duy trì được vùng sản xuất Bí Xanh tại khối Trường Long (Thị trấn) của HTX rau an toàn Vân Diên với diện tích: 3,2 ha, năng suất: 20 tạ/ha, với thu nhập: 200 triệu đồng/ha, Mô hình sản xuất dưa chuột tại Xuân Lâm. Hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng VietGAP như tại HTX rau an toàn Xuân Hòa, Nam Thanh, Vân Diên, HTX rau an toàn Thanh Niên Nam Đàn, HTX rau củ quả Nam Anh; HTX rau củ quả an toàn Hùng Tiến. Toàn huyện đã xây dựng và nhân rộng được 17.000m2 nhà lưới, nhà màng sản sản xuất rau củ quả tại Nam Anh, Kim Liên, Trung Phúc Cường, Hùng Tiến, Xuân Hòa, Nam Nghĩa, Nam Giang...; mô hình trồng nấm tại Thượng Tân Lộc.
Miến gạo, bánh đa Quy Chính khẳng định thương hiệu trên thị trường Đối với cây ăn quả, trên các vùng đất đồi, đất bãi cao đã triển khai xây dựng một số mô hình chuyển đổi từ trồng màu không hiệu quả sang trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, tiết kiệm nước tại các xã: Nam Hưng, Nam Thái, Nam Nghĩa, Nam Thanh, Hồng Long, Thượng Tân Lộc.... Đối với cây Hoa, ngoài việc duy trì sản xuất hoa thời vụ (tại các xã như Hùng Tiến, Xuân Hòa, Thị trấn) đã hình thành được một số vùng trồng hoa quanh năm tại Kim Liên, Xuân Hòa, Hùng Tiến, Nam Giang cung cấp hoa cho khu di tích Kim Liên cũng như đầu tư thâm canh để nhân trồng các loại hoa có giá trị như Ly, Hồng, Lay ơn ... Ngoài ra những năm qua, trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ diện tích trồng Sen. Đặc biệt là tại các vùng sâu trũng, sình lầy và một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng sen đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế. Hiện nay, toàn huyện có gần 100 ha sen tạo cảnh quan đẹp, phục vụ nhu cầu ngày tuần, ngày lễ và cung cấp nguyên liệu làm sản phẩm OCOP cho HTX Sen Quê Bác, bước đầu cho thu nhập khá… Trong chăn nuôi, chăn nuôi theo quy trình VietGAP được các trang trại quan tâm. Hiện tại toàn huyện có 04 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và 02 cơ sở được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ tại tại các xã Nam Anh, Nam Xuân, Hùng Tiến, Nam Thanh, Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Lĩnh chỉ đạo thực hiện mô hình VietGAP nông hộvới hơn 400 hộ chăn nuôi tham gia. Một số trang trại và nông hộ VietGAP ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với các nhà hàng, siêu thị tại thành phố Vinh và các bếp ăn tập thể của các công ty, trường học… Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện xây dựng nhiều cơ sở chăn nuôi con đặc sản quy mô lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP, là những mô hình hiệu quả cao, nhiều địa phương trong tỉnh tham quan, học tập. Một số mô hình nổi bật như mô hình gà Ác (quy mô 2.000 con), mô hình gà Ri (5.000 con) tại xã Nam Nghĩa; mô hình Lai Chọi (30.000 con) tại Nam Thái; mô hình Dê lai Bách Thảo nuôi nhốt (300 con) tại xã Nam Hưng…Đây là các mô hình áp dụng khoa học trong chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh đồng thời tạo sản phẩm chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển con đặc sản có thế mạnh trên địa bàn huyện. Về ứng dụng máy móc, cơ giới vào sản xuất, đặc biệt là trong trồng trọt đã cơ giới hóa phần lớn các khâu từ làm đất đến thu hoạch bằng máy cày, máy gặt đập liên hợp, toàn huyện hiện gần 150 cái máy nông nghiệp các loại. Trong chăn nuôi có hệ thống máng ăn, máng uống tự động, có máy phối trộn, ủ và hoàn viên thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra tại các trang trại lớn đầu tư máy phun hóa chất tự động, máy sấy tia UV… để phòng chống dịch bệnh. Công tác chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn./. Trần Mạnh Hồng