Cây trồng vụ đông luôn là vấn đề được các địa phương quan tâm bởi sản xuất cây trồng vụ Đông hiện nay tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa mang lại hiệu quả kinh tế nên còn nhiều diện tích đất nông nghiệp đang còn hiện tượng bỏ hoang hóa, gây ra sự lãng phí rất lớn. Qua nghiên cứu với điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai khá thích hợp, ngoài các loại ngô, lạc, rau đậu các loại thì khoai tây là cây trồng được UBND tỉnh chỉ đạo để gieo trồng trong vụ đồng tại 1 số địa phương. Trung tâm Khuyến nông tỉnh - đơn vị triển khai đã thực hiện trồng khoai tây tại các huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu.
Tuy nhiên, từ việc lựa chọn khoai tây là đối tượng gieo trồng vụ đồng để trở thành là một loại cây trồng chủ lực trong vụ Đông đem lại hiệu quả thực sự cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì cần phải giải quyết được ba vấn đề sau: Thứ nhất là về giống, Thứ 2 là về thị trường tiêu thụ sản phẩm và Thứ ba là tạo liên kết được giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm.
Nắm bắt được thực trạng này, từ năm 2018 đến năm 2020. Sở KH&CN đã giao cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An tổ chức tìm kiếm công nghệ, đối tượng cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế và đặc biệt là có đầu ra ổn định giúp bà con nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tận dụng khai thác quỹ đất có hiệu quả. Thực hiện tinh thần chỉ đạo trên, Trung tâm ứng dụng KH&CN Nghệ An đã liên kết và mời đơn vị Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam - là đơn vị tổ chức cung ứng giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để cung cấp cho nhà máy chế biến thực phẩm đồ ăn nhanh của Công ty Orion Việt Nam.
Để nắm bắt được quy trình công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh, đồng thời xây dựng được mô hình liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An chủ trì thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh tại Nghệ An”. Với mục tiêu xây dựng thành công mô hình liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Đông, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Từ những đánh giá hiệu quả đến kết quả đã đạt được của các mô hình dự án triển khai năm 2020. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An đã tiến hành hội thảo khoa học ngay đúng vào thời điểm thu hoạch khoai tây vụ Đông năm 2020. Đồng thời, ngoài sự có mặt của các ban ngành đại diện, các nhà khoa học, chúng tôi cũng mời một số địa phương là các huyện thành thị có diện tích đất sản xuất cây vụ Đông phù hợp với cây khoai tây tham dự.
Đến nay, dự án đã thực sự thành công ngoài mong đợi. Đối với mô hình thương phẩm liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ: Kết quả ban đầu triển khai mô hình tại xã Diễn Phong huyện Diễn Châu vụ Đông năm 2020 là 9 ha mô hình khoai thương phẩm. Đến vụ Đông năm 2021, chương trình liên liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh tại Nghệ An với Viện sinh học nông nghiệp - Công ty Orion Vina đã được người dân đón nhận một cách tích cực.
Hiện nay mô hình đã được mở rộng diện tích tại một số địa phương tại nhiều địa phương và cho kết quả khả quan. Tại xã Diễn Phong huyện Diễn Châu: từ vụ Đông năm 2020 ban đầu 9ha thì đến vụ Đông năm 2021 diện tích triển khai cây khoai tây là 35 ha. Và sau khi ký kết hợp đồng thì về phía Viện sinh học nông nghiệp - Công ty Orion Vina cũng đã hỗ trợ cho Hợp tác xã một máy làm đất thu hoạch liên hoàn trị giá gần 450 triệu đồng.
Đến nay, diện tích cây khoai tây triển khai theo chương trình liên liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh trên địa bàn một số xã như Diễn Trung, Diễn Thành, Diễn Mỹ, Diễn Lộc,... huyện Diễn Châu là xấp xỉ 130 ha. Ngoài ra, người dân còn mở rộng thêm diện tích khoai tây vàng giống Marabel gần 70 ha. Tổng diện tích cây khoai tây toàn huyện là gần 200 ha.
Năm 2021 khoai tây trồng ở các địa phương triển khai cũng đạt hiệu quả tốt. Năng suất tại xã Diễn Phong đạt 18 tấn/ha, xã Tây Hiếu, Thị xã Thái Hòa có diện tích 16,5 ha, suất đạt 20 tấn/ha; Xã Thuận Sơn huyện Đô Lương có diện tích 9,8 ha cây khoai tây vụ Đông năm 2021, xã Trung Phúc Cường huyện Nam Đàn: đã triển khai diện tích 10 ha cây khoai tây, xã Xuân Lam huyện Hưng Nguyên đã triển khai diện tích 10 ha cây khoai tây, xã Thanh Yên huyện Thanh Chương có diện tích 8,9 ha cây khoai tây, xã Kỳ Sơn huyện Tân Kỳ đã triển khai diện tích 5 ha cây khoai tây, xã Nghi Phương huyện Nghi Lộc: đã triển khai diện tích 7 ha cây khoai tây. Như vậy, tính tổng diện tích cây khoai tây vụ Đông năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã triển khai sản xuất là: 267,2 ha.
Đối với mô hình sản xuất giống các cấp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An đã tiếp nhận và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất khoai tây giống bằng công nghệ khí canh. Năm 2020, mô hình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh trong nhà màn nilon với diện tích 300 m2 thu được 5.500 củ giống gốc. Hiện nay đang triển khai sản xuất vụ thứ 2. Mô hình sản giống siêu nguyên chủng trong nhà màn với quy mô 1.200 m2, kết quả đã thu được sản lượng 20.000 củ giống siêu nguyên chủng. Mô hình sản xuất giống nguyên chủng trên đồng ruộng quy mô 1 ha, kết quả thu được 15 tấn giống nguyên chủng. Mô hình sản xuất giống xác nhận trên đồng ruộng quy mô 1 ha và hiện đang triển khai sản xuất. Hiện nay cây đã phát triển tốt, chiều cao đạt 30 – 40 Cm. Đã bón thúc và vun gốc đợt 1, hiện nay đang trong quá trình theo dõi sâu bệnh hại./.
Thái Duy
Trung tâm Ứng dụng TBKHCN