Chiều 12/10, Lễ ký trực tuyến thỏa thuận tài trợ của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và Chính phủ Nhật Bản dành cho Phú Yên đã diễn ra tại điểm cầu Hà Nội – Phú Yên và Tokyo (Nhật Bản).
Chính phủ Nhật Bản thông qua APO sẽ tài trợ 4 thiết bị bảo quản lạnh gồm 2 container bảo quản lạnh Kuraban 20ft, 1 container bảo quản lạnh 40ft và 1 thiết bị làm đá bào từ nước mặn Sea Snow. Phía tài trợ cũng sẽ cung cấp tư vấn, đào tạo liên quan tại các mô hình điểm được chọn.
Container bảo quản lạnh là thiết bị bảo quản lạnh bằng điện từ trường, cho phép duy trì độ tươi và chất lượng sản phẩm được bảo quản lâu hơn ít nhất 5 lần so với các container làm lạnh thông thường. Sản phẩm bảo quản không bị đóng băng trong suốt quá trình lưu trữ.
Thiết bị làm nước đá bào từ nước mặn (nước biển) See Snow tạo vảy đá xốp như tuyết, có khả năng giữ nhiệt độ ở mức -10C với nồng độ muối 1%, cho phép duy trì độ tươi sống của thủy sản mà không làm tổn hại đến sản phẩm. Chuỗi giữ lạnh tối ưu sử dụng công nghệ của Nhật Bản mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều lần cho nông thuỷ sản tươi sống. Tổng vốn của dự án tài trợ là 57 triệu Yên Nhật, tương đương 11 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông AKP Mochtan, Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) cho biết đây là hai thiết bị bảo quản lạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, độc đáo, hiện đại do các doanh nghiệp của Nhật Bản sản xuất. Mô hình bảo quản này cung cấp thực phẩm tươi sống, thời gian bảo quản tăng từ 3-10 lần so với phương pháp bảo quản lạnh thông thường. Ông AKP Mochtan hy vọng thiết bị sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người dân Phú Yên.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Nhật Bản, Tổ chức APO, bên cạnh đó đánh giá cao vai trò của APO với tư cách là tổ chức quốc tế uy tín về năng suất khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong các hoạt động thúc đẩy đổi mới năng suất và hỗ trợ các nền kinh tế thành viên khắc phục, giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.
“Đây là món quà công nghệ thực sự ý nghĩa cho ngành thủy sản và kinh tế biển vốn là tiềm năng và thế mạnh của Phú Yên. Phú Yên là một trong số ít tỉnh, thành của Việt Nam sớm nhận thức vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội và mới đây, đã có riêng một Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sự ủng hộ, quan tâm sâu sắc và cam kết chính trị của Lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh dành cho khoa học và công nghệ đã dần tạo nên sự khác biệt tích cực trong diện mạo phát triển của địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng hy vọng Tổ chức Năng suất Châu Á và Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục lựa chọn Phú Yên là mảnh đất tiềm năng để ươm những hạt mầm năng suất xanh thông qua các dự án hỗ trợ phát triển về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà chuỗi thiết bị đông lạnh tiên tiến này là một khởi đầu tốt đẹp. Nhờ đó, Phú Yên không chỉ được người dân Việt Nam biết đến với cảnh sắc thiên nhiên ưu đãi, nơi có hoa vàng trên cỏ xanh, Gành đá đĩa, mũi Điện hay vịnh Xuân Đài. Dự án của APO sẽ giúp các đặc sản nổi tiếng của Phú Yên như cá ngừ đại dương, sò huyết đầm Ô Loan, tôm hùm Bông, ghẹ sông Cầu, cá Mương sông Ngân Sơn đến với người dân cả nước và vươn ra thế giới.
Lễ ký kết được diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Phú Yên thực sự cần được hỗ trợ ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ công nghệ và kỹ thuật trong khai thác, chế biến thủy hải sản, bảo quản sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ luôn đồng hành cùng APO và các nhà tài trợ nước ngoài hỗ trợ Tỉnh trong các dự án công nghệ này, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, giúp phát triển sản phẩm thế mạnh chủ lực của địa phương có khả năng cạnh tranh quốc gia và quốc tế.
Thay mặt tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế – Chủ tịch UBND Tỉnh cho hay, đây là khoản hỗ trợ quý giá, kịp thời và đúng lúc đối với Phú Yên. Trong hơn 1 năm qua, các sản phẩm nông, thuỷ sản địa phương gặp nhiều thách thức. Chuỗi cung ứng thuỷ sản bị đình trệ vì các biện pháp giãn cách và nhu cầu thị trường thế giới giảm sút. Việc nghiên cứu khoa học công nghệ khó khăn do dịch Covid-19. Gói kỹ thuật hỗ trợ của APO là sự giúp đỡ để hiện đại hoá khai thác thuỷ sản, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng thuỷ sản của Phú Yên.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Trước đó, tại phiên họp thứ 62 của Ban chấp hành APO ngày 8/6/2020, Giám đốc APO quốc gia Nhật Bản đã thông báo Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản tài trợ đặc biệt theo chương trình hợp tác kỹ thuật thông qua APO và các tổ chức năng suất quốc gia.
Ngày 23/9/2020, APO đã ra thông báo về chương trình hỗ trợ khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra đối với chuỗi cung ứng thực phẩm dành cho Việt Nam, Campuchia và Indonexia. Đây là chương trình hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên của APO về thiết bị và tư vấn đào tạo trong lĩnh vực bảo quản thực phẩm, nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên được lựa chọn khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra.
Hà My
Ý kiến bạn đọc