Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vừa tạm giữ lô hàng gồm 180 kg yến nguyên liệu là thực phẩm và 150 kg bột thạch (bột dụ yến) là chất phụ gia thực phẩm để xác minh, làm rõ.
Theo đó, tiếp nhận tin báo về việc có phương tiện vận tải đang giao nhận hàng tại Thôn Trung Nam, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Quá trình kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ lô hàng gồm 180 kg yến nguyên liệu và 150 kg bột thạch (bột dụ yến) là chất phụ gia thực phẩm. Lô hàng trên được xác minh thuộc sở hữu của Công ty TNHH Xuất – Nhập khẩu và Sản xuất NT.
Tại thời điểm kiểm tra, lô hàng không có nhãn hàng hóa theo quy định. Đối với lô phụ gia thực phẩm là bột thạch, chủ lô hàng chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Đội quản lý thị trường số 5 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Xuất – Nhập khẩu và Sản xuất NT về 02 hành vi: Kinh doanh hàng hóa nguyên liệu yến là thực phẩm nhưng không có nhãn hàng hóa và kinh doanh hàng hóa bột thạch là chất phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời trình Cục quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa xem xét, trình Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 126 triệu đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng buộc Công ty này phải tiêu hủy 150 kg bột thạch là chất phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi.Căn cứ theo Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa:
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.”
Tác giả bài viết: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc