Trong khuôn khổ Hội thảo Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong sản xuất thông qua Năng suất xanh của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) ngày 30/7/2021, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có bài tham luận về “Chiến lược tăng trưởng xanh thông qua Quản lý chất lượng chuỗi cung ứng tuần hoàn, tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Đây là sáng kiến đề xuất của Việt Nam với vai trò Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021.
Quản lý chất lượng chuỗi cung ứng tuần hoàn (CSCQM) cùng với tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo là nguyên lý của chiến lược tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp. Những phát triển gần đây trong công nghệ số đã tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp để duy trì khả năng cạnh tranh trong khi thực hiện CSCQM.
Quản lý chuỗi cung ứng là quản lý dòng hàng hóa và dịch vụ, bao gồm các quá trình biến nguyên liệu thô thành sản phẩm cuối cùng. Quản lý chuỗi cung ứng liên quan đến việc hợp lý hóa các hoạt động bên cung của doanh nghiệp để tối đa hóa giá trị của khách hàng và đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Quản lý chuỗi cung ứng thể hiện nỗ lực của nhà cung cấp nhằm phát triển và thực hiện các chuỗi cung ứng hiệu quả và tiết kiệm nhất có thể.
Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Hoạt động này đã được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn. Có các chiến lược khác nhau liên quan đến kinh tế tuần hoàn, bao gồm tư duy lại, giảm thiểu, thiết kế lại, tái sử dụng, điều chỉnh lại sản xuất, tái sản xuất, tái chế, phục hồi và thải bỏ. Một số chiến lược kinh tế tuần hoàn tập trung vào việc “đóng” các vòng tuần hoàn tài nguyên, một số chiến lược tập trung vào việc ngăn chặn tài nguyên xâm nhập vào các vòng tuần hoàn.
Mô hình Quản lý chất lượng chuỗi cung ứng tuần hoàn (CSCQM) thảo luận tại Hội thảo.
Kinh tế tuần hoàn ngày càng được công nhận là một giải pháp thay thế tốt hơn cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống. Xét từ quan điểm bền vững, tích hợp kinh tế tuần hoàn vào quản lý chuỗi cung ứng có thể mang lại nhiều lợi thế. Trong nhiều tài liệu về tính bền vững của quản lý chuỗi cung ứng, một số khái niệm, chẳng hạn như chuỗi cung ứng bền vững, chuỗi cung ứng xanh, chuỗi cung ứng môi trường và chuỗi cung ứng vòng tuần hoàn khép kín, đã được đưa ra để thể hiện sự tích hợp của các khái niệm bền vững trong quản lý chuỗi cung ứng.
Quản lý chuỗi cung ứng tuần hoàn được hiểu là các chuỗi cung ứng được điều phối thuận và nghịch thông qua tích hợp hệ sinh thái kinh doanh để tạo ra giá trị từ các sản phẩm, dịch vụ, sản phẩm phụ và các dòng chất thải hữu ích thông qua kéo dài vòng đời nhằm cải thiện tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của tổ chức. Quản lý chuỗi cung ứng tuần hoàn sẽ bắt đầu mở rộng ranh giới của Quản lý chuỗi cung ứng bằng cách giảm nhu cầu về nguyên liệu thô, tăng sự luân chuyển của các nguồn lực trong các hệ thống chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, các tổ chức kinh doanh đang phải đối mặt với các khoản đầu tư trả trước để thực hiện các khái niệm quản lý chuỗi cung ứng tuần hoàn và phụ thuộc vào nhà cung cấp và nhà bán lẻ trong quá trình hợp tác, vì tất cả đối tác trong chuỗi giá trị đều phải tham gia. Sự kéo dài giai đoạn của vòng đời sản phẩm dẫn đến giảm doanh thu; sự thiếu kiến thức về khái niệm, hạn chế kinh tế, cách tiếp cận quản lý… là những hạn chế đối với các tổ chức trong việc áp dụng quản lý chuỗi cung ứng tuần hoàn.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng tuần hoàn và các mối quan hệ kinh doanh được quản lý thông qua các phương tiện giao tiếp truyền thống và thiếu tự động dẫn đến mất thời gian và tăng chi phí cho quá trình đàm phán. Một số vấn đề về truy xuất nguồn gốc dẫn đến hạn chế về khả năng theo dõi dòng chất thải trong các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng tuần hoàn. Các thủ tục phức tạp, các quy tắc và sự đa dạng của hệ thống IT trong chuỗi cung ứng cũng là một thách thức cần được giải quyết khi áp dụng quản lý chuỗi cung ứng tuần hoàn.
Nhiều công trình nghiên cứu đã xác định công nghiệp 4.0 với các công nghệ như dữ liệu lớn và IoT đã ảnh hưởng tích cực đến Quản lý chuỗi cung ứng tuần hoàn. Trao đổi thông tin giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng, phương pháp dự báo đã cung cấp những kết quả đáng tin cậy, qua đó giảm thiểu chất thải trong sản xuất.
Các giải pháp từ công nghiệp 4.0 được phát triển để thiết kế lại chuỗi cung ứng theo hướng số hóa, các kết quả phân tích dựa trên dữ liệu lớn để đánh giá lòng tin, văn hóa và hành vi nhằm cải thiện tính bền vững trong chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực logictis, ứng dụng công nghệ IoT để thu gom, quản lý chất thải.
Trong công nghiệp thực phẩm, các giải pháp chuỗi cung ứng IoT cho phép giảm phát sinh chất thải, chi phí và tác động hiệu quả đến đời sống xã hội. Trong công nghiệp giày da, một nền tảng IT dựa trên web được phát triển để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát nhà cung cấp dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm…
Có thể nói, quản lý chuỗi cung ứng tuần hoàn là một giải pháp mới cho doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh chuyển đổi số, tiếp cận đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc