Ngày 29/5/2022, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, phân phối và giá trị nông sản một cách hiệu quả tuần hoàn”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, đồng thời được phát trực tiếp trên các mạng xã hội của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam-Australia. Đây là cơ hội để các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực và giới thiệu các đề án nghiên cứu khoa học tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp.
Công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, big data, điện toán đám mây giúp tạo ra nhiều tri thức dựa trên dữ liệu và nâng cao hiệu suất lao động. Điều đó đã giúp hình thành nhiều mô hình như sản xuất thông minh, năng lượng thông minh, thành phố thông minh... Trong khi đó, công nghiệp 5.0 hướng đến phát triển, nâng cao tương tác giữa con người và máy móc. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa tính sáng tạo không có giới hạn của con người với mức độ chính xác tuyệt đối của máy móc. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần đề ra cơ chế, chính sách mới để tạo điều kiện cho các dự án, ý tưởng đổi mới sáng tạo ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất và đời sống...
Từ thực tế đó, các bài tham luận tại hội thảo tập trung giới thiệu: giải pháp công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề, bài toán từ phía nhà nước, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn nhằm cải thiện và phát triển nông nghiệp Việt Nam - Lộ trình hướng tới việc áp dụng công nghệ trí tuệ thông minh (AI) và kết nối vạn vật (IoT) cho các nhà trồng nông nghiệp kính tự quản với hai cột mốc công nghệ quan trọng: kỹ thuật số làm vườn và cảm biến tích hợp thông minh; Cách mạng Công nghệ 5.0 và tương lai của ngành Nông nghiệp bằng công nghệ Blockchain, IoT, Drone, AI, DAO, Web3 và Metaverse; thí điểm ứng dụng cảm biến tự động để nâng cao hiệu quả sử dụng nước trồng lúa ở ĐBSCL; Logistics - Dịch vụ hậu cần nâng cao giá trị chuỗi nông sản…
Việt Nam hiện là một trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp chưa bền vững, năng suất hiệu quả sản xuất chưa cao, thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, môi trường nông thôn còn ô nhiễm. Cuộc cách mạng công nghiệp 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất và cụ thể là hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận, nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị về kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập. Trước thực trạng này, ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn xác định vai trò vô cùng quan trọng của khoa học và công nghệ, coi đây là động lực then chốt cho sự tăng trưởng và phát triển nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Hội thảo là dịp để các bên tham gia đã cùng trao đổi, thảo luận các ý tướng, đề xuất mới, đặc biệt là đưa ra các giải pháp, khuyến nghị và cách thức để biến những ý tưởng thành những kế hoạch cụ thể nhằm góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả hơn nữa.
Kết quả Hội thảo sẽ được Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam-Australia tổng hợp và cập nhật trong phiên hội thảo tiếp theo dự kiến trong tháng 9/2022.
P.A.T (Tổng hợp)
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc