Vết cắn 13 triệu năm của cá sấu cổ đại

Thứ bảy - 23/01/2021 20:00 0

Khi một con cá sấu Purussaurus còn nhỏ cắn vào chân sau con lười đất cách đây 13 triệu năm gần sông Napo ở Peru, nó để lại 46 vết răng.

Purussaurus là một loài của giống cá sấu khổng lồ đã tuyệt chủng từng sống ở Nam Mỹ. Theo tác giả nghiên cứu Rodolfo Salas-Gismondi, khi trưởng thành, loài cá sấu cổ đại này có lực cắn lên tới 7 tấn, gấp 4 lần lực cắn mạnh nhất từng được ghi nhận trong thế giới động vật.

Các nhà nghiên cứu đã có thể dựng lại hình ảnh minh họa vụ tấn công sau khi phân tích xương chân sau của con lười đất xấu số.

Sau cá sấu Purussaurus trưởng thành, vết cắn mạnh thứ hai thuộc về Crocodylus porosus - cá sấu nước mặn hiện đại. Con vật này có lực cắn khoảng 1,6 tấn.

Ông Salas-Gismondi, nhà cổ sinh vật học tại phòng thí nghiệm BioGeoCiencias thuộc Đại học Peruana Cayetano Heredia (Lima, Peru), nói: “Vết cắn mạnh tới mức nhiều răng đã đục thủng xương ống chân và làm vỡ một phần lớn vỏ xương. Con lười đất đã không thể sống sót”.

Xương chân sau của con lười đất với 46 vết răng
Bằng chứng hóa thạch về vết cắn này cho thấy cái nhìn hiếm hoi về mối quan hệ giữa động vật ăn thịt và con mồi từng sống cách đây hàng triệu năm ở Amazonia, khu vực xung quanh sông Amazon ở Nam Mỹ.

Ông Salas-Gismondi cho biết xương ống được phát hiện ở vùng Amazonia thuộc Peru là xương ống đầu tiên của một động vật có vú mang theo vết răng cá sấu. Do đó, nó mang ý nghĩa quan trọng trong tìm hiểu về cuộc sống hệ sinh thái cổ đại.

Hóa thạch xương ống bị cắn của con lười đất được đồng tác giả nghiên cứu Francois Pujos tìm thấy năm 2004. Ông đã ngạc nhiên khi thấy vết răng trên khúc xương nhưng ông và đồng nghiệp không chắc chắn về thứ đã gây ra các lỗ thủng trên xương ống con lười đất. Khi đó, không ai biết nhiều về các động vật từng sống ở khu vực này vào thời kỳ con lười đất tồn tại. Vì thế, hóa thạch được cất tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Lima.

Hồ và đầm lầy là môi trường sống hoàn hảo cho cá sấu cổ đại cách đây từ 11 đến 20 triệu năm. Một nhóm nhà khoa học đã tìm hiểu khu vực này trong 15 năm và khám phá ra các loài động vật từng sống ở đó khi nghiên cứu xương còn sót lại.

Năm 2019, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy "hung thủ" đoạt mạng con lười đất. Ông Salas-Gismondi nói: “Chúng tôi thấy vết răng trên xương ống của con lười đất khớp với bộ xương và bộ răng của loài cá sấu khổng lồ Purussaurus”.

Cá sấu Purussaurus có thể dài 10 mét khi trưởng thành, nhưng con đã cắn con lười đất chỉ là con non, dài khoảng 4 mét. Con lười đất bị cắn nặng gần 80kg. Nó không thể chịu nổi lực cắn của con Purussaurus, bởi nếu con lười đất còn sống, sẽ có bằng chứng tái tạo xương trên hóa thạch. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng không loại trừ khả năng con lười đất bị cá sấu Purussaurus cắn ngay sau khi nó chết.

Nguồn:https://edition.cnn.com/2020/08/25/world/sloth-fossil-bite-marks-scn-trnd/

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây