Ngày 30/9, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu ảnh hưởng của olefin trong xăng thương phẩm đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ phương tiện giao thông đường bộ”.
Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Phạm Minh Thành – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), ông Mai Tuấn Đạt – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn, ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, Viện nghiên cứu và trường Đại học.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết: "Cùng với sự phát triển chung của thế giới, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Người dân, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn có xăng dầu chất lượng theo chuẩn mực chung của quốc tế, sử dụng xăng dầu tốt hơn cho động cơ, cho môi trường và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thời gian qua, vấn đề tiêu chuẩn chất lượng với xăng dầu đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội rất quan tâm. Thực tế một số khu vực đã có tiêu chuẩn chất lượng chung, tuy nhiên, khi xem xét quy định về mặt kĩ thuật đối với chất lượng xăng dầu ở mỗi quốc gia đều có quy định khác nhau, không hoàn toàn sử dụng chung tiêu chuẩn trên toàn thế giới. Vậy với điều kiện khí hậu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta nên quy định các mức chỉ tiêu kĩ thuật, giới hạn của chỉ tiêu kĩ thuật trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn xăng dầu để phù hợp với môi trường, điều kiện kinh tế, quá trình phát triển chung của phương tiện giao thông đường bộ, đường thuỷ”.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, thời gian qua, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Viêt Nam cũng là đơn vị tham mưu giúp Tổng cục tổ chức nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn này, với sự tham gia của Ban kĩ thuật về xăng dầu, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Người tiêu dùng… Trong 4 năm qua có rất nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến chủ đề hội thảo ngày hôm nay đó là hàm lượng Olefin trong tiêu chuẩn nên quy định như thế nào cho phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Bản chất Olefin có tác động đến động cơ hay không, có ảnh hưởng đến môi trường hay không?
Trong bối cảnh hiện nay, các nước cũng có những quy định khác nhau, có nước quy định thấp, có nước quy định vừa phải. Chính vì vậy, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu liên quan nhưng trong phạm vi, với giới hạn năng lực tiêu chuẩn thì cũng yêu cầu rà soát. Trên thế giới cũng chưa nghiên cứu nào công bố về ảnh hưởng của Olefin đối với chất lượng động cơ, môi trường mà chỉ nghĩ rằng có ảnh hưởng.
“Hội thảo mong muốn nhận được chia sẻ về vấn đề này. Chủ đề này sẽ giải quyết bài toán rất lớn đặt ra đối với Việt Nam trong việc xem xét định hướng sản xuất kinh doanh, chế biến xăng dầu cũng như hoạch định về tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu thời gian tới. Kết quả của nghiên cứu góp phần rất lớn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định tiêu chuẩn, quy chuẩn xăng dầu”, Phó tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, chia sẻ về đề tài nghiên cứu, ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho hay, ngành xăng - dầu - khí có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam bởi những đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Xăng, dầu là một trong những hàng hóa đặc biệt (thuộc nhóm II) được nhà nước quản lý, là mặt hàng thiết yếu cho hầu hết hoạt động của đời sống với số lượng tiêu thụ lớn và doanh số cao trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội cũng như an toàn, sức khoẻ, môi trường.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố tích cực, ảnh hưởng của chúng đến môi trường thông qua hoạt động của phương tiện giao thông vận tải là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Một số khí thải độc hại sinh ra trong quá trình hoạt động của phương tiện giao thông đường bộ có thể kể như NOx, CO, Hydrocarbon (THC) và bụi mịn PM.
Hiện nay ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường không khí đô thị do khí phát thải của phương tiện giao thông đường bộ trở thành vấn đề đáng quan ngại. Phát thải của phương tiện tham gia giao thông đóng góp đáng kể đến tổng thể mức ô nhiễm không khí. Vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân Việt Nam, đặc biệt tại các vùng, khu vực có mật độ giao thông cao. Phát thải của phương tiện giao thông có xu hướng tập trung tại các đô thị lớn, những nơi có tốc độ gia tăng nhanh chóng các loại phương tiện.
Chính vì vậy, nhằm cải thiện môi trường xung quanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu, Chính phủ đã từng bước ban hành các quyết định nâng cấp dần chất lượng khí thải Euro 2, 3, 4 và 5. Theo ông Phương, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí thải của phương tiện giao thông một cách toàn diện và hiệu quả phải tiến hành đồng bộ hàng loạt công việc phức tạp từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đến vận hành phương tiện cũng như nghiên cứu, xây dựng thiết kế chất lượng nhiên liệu xăng dầu tương ứng với tiêu chuẩn khí thải động cơ.
Olefin là một trong những thành phần chính có trong xăng nhiên liệu. Olefin hỗ trợ quá trình cháy, giúp tăng trị số octan (RON) của xăng nhưng có thể dẫn đến gia tăng lượng khí ozon và một số hydrocarbon (THC). Olefin không bền nhiệt và có thể dẫn đến sự hình thành nhựa và cặn lắng trong hệ thống nạp động cơ nếu thời gian lưu dài. Với những lý do trên, cần thiết có các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của Olefin đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ đưa ra quy định về chỉ tiêu hàm lượng Olefin trong xăng nhiên liệu phù hợp. Viện TCCLVN đã phối hợp với Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn nghiên cứu các nội dung trên.
Cũng tại Hội thảo, chia sẻ về sự cần thiết nghiên cứu ảnh hưởng của Olefin trong xăng thương phẩm, ông Mai Tuấn Đạt – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam vận hành thương mại từ năm 2010. Sản phẩm nhiên liệu xăng dầu của nhà máy đáp ứng trên 30% thị trường trong nước, với thiết kế xăng không chì RON 92, RON 95 đáp ứng theo tiêu chuẩn Euro 2.
Thực tế vận hành hiện nay nhà máy đã ứng dụng các nghiên cứu, đánh giá của chuyên gia sản xuất và xuất bán các sản phẩm xăng RON 95 đạt mức 3 và xăng RON 92 chiếm 35% diện tích đạt mức 2. Riêng chỉ tiêu lưu huỳnh, các sản phẩm của nhà máy tiệm cận ở mức 4.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu hàm lượng Olefin trong nhiên liệu xăng đang được quan tâm bởi cơ quan quản lý, các nhà sản xuất, đầu mối phân phối xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy. Vì vậy, để đánh giá toàn diện ảnh hưởng của Olefin trong xăng thương phẩm, chuỗi sản xuất cung ứng tiêu thụ và làm cơ sở khoa học đưa ra quy định hàm lượng Olefin trong xăng không chì phù hợp với thực tế, Công ty đã đề nghị Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chủ trì thực hiện nghiên cứu khoa học.
Đây là nghiên cứu rất quan trọng trong việc hoạch định phát triển và cải tiến hệ thống dây chuyền sản xuất. Trong 6 tháng thực hiện, đề tài đã có những kết quả ban đầu", ông Đạt cho hay.
Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đã có những tham luận luận giải sự cần thiết và phương pháp nghiên cứu đề tài; báo cáo tổng quan tình hình sử dụng nhiên liệu; báo cáo chế tạo mẫu và ảnh hưởng của Olefin đến chất lượng xăng nhiên liệu; báo cáo phương pháp thử khí thải và hoạt động của động cơ; báo cáo ảnh hưởng của Olefin đến khí thải và hoạt động cơ.
Hà My
Nguồn tin: vietq.vn
Ý kiến bạn đọc