Thành viên Ban giám khảo là các nhà khoa học uy tín từ nhiều lĩnh vực, trong đó có nhân vật thuộc top nhà bình duyệt toàn cầu, có tiến sĩ sở hữu giải thưởng L’Oreal.
Một trong những nhân vật có tiếng trong Hội đồng giám khảo Sáng kiến Khoa học 2022 là PGS. TS Hà Phương Thư - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chị được gọi với tên "Tiến sĩ nano" khi có hơn 100 công bố khoa học trong lĩnh vực nano y sinh. Năm 2012, chị là một trong 3 nhà khoa học nữ nhận giải thưởng L’Oreal – UNESCO "Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học". PGS Thư cũng là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn năm 2016. Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam cho chị vì những đóng góp trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS Hà Phương Thư. Ảnh: NVCC
PGS. TS Hà Phương Thư sở hữu 4 bằng độc quyền sáng chế, một giải pháp hữu ích và 5 đơn đăng ký đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận, đồng thời làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp Viện Hàn lâm và Quỹ Nafosted. Nghiên cứu của PGS Thư hướng tới ứng dụng công nghệ nano cho các sản phẩm chức năng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung bướu, đồng thời nghiên cứu chế phẩm từ cây cỏ để phục vụ nhà nông.
TS Đào Văn Dương. Ảnh: NVCC
Chuyên gia ở lĩnh vực vật liệu mới là TS Đào Văn Dương - một trong 5 nhà khoa học Việt nằm trong top các nhà bình duyệt toàn cầu năm 2019. Anh cũng nằm trong top 100.000 nhà nghiên cứu thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ cơ sở dữ liệu Scopus năm 2019.
TS Dương được đánh giá cao khi theo đuổi các nghiên cứu tổng hợp vật liệu lai và ứng dụng trong thiết bị chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng (solar cell), hơi nước (solar to steam), hay các thiết bị tích trữ năng lượng như ăc-quy liti ion, siêu tụ. Anh có hơn 100 công trình khoa học trên tạp chí ISI, 13 công trình trên tạp chí quốc tế khác, sở hữu hai sáng chế cùng một chương sách trên nhà xuất bản Willey (Đức).
Anh nhận bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật hóa học vào tháng 3/2013 tại Đại học Quốc Gia Chungnam, Hàn Quốc. Sau đó, anh trở thành Giáo sư nghiên cứu và làm việc theo chương trình Brain Pool từ Quỹ nghiên cứu quốc gia của Hàn Quốc (NRF) đến năm 2018. Trở về Việt Nam, hiện anh đảm nhiệm vai trò trưởng khoa Công nghệ Sinh học, hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Phenikaa.
Cuộc thi Sáng tạo Khoa học còn có sự góp mặt của ông David Nguyen, Chủ tịch Ban Cố vấn Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Australia, đồng thời là trưởng ban công nghệ mới thuộc Hội đồng Doanh nghiệp Australia- Việt Nam.
Từ những am hiểu về nhu cầu của thị trường đối với các công nghệ tiên phong như Big Data, AI, IoT và Robotics cùng mối liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học cấp cao tại các trường đại học hàng đầu của Australia, ông sáng lập N2N AI Australia. Công ty công nghệ có trụ sở chính tại Sydney chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ cao phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu.
Ông David Nguyen, Chủ tịch Ban Cố vấn Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Australia. Ảnh: NVCC
Hiện ông David Nguyen và công ty N2N AI Australia đang là đối tác công nghiệp chính của nhiều dự án nghiên cứu khoa học tại các trường đại học được chính phủ Australia tài trợ kinh phí, trong đó có những dự án lên tới 25 - 35 triệu AUD. Ông còn là CEO của DroneX Corporation, công ty cung cấp những giải pháp công nghệ có tính đột phá sử dụng UAV, Drones và AI.
Nhiều năm đảm nhiệm vai trò tư vấn cấp cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ mới, ông tham gia hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu trong các dự án được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu Australia (ARC), như cung cấp hiểu biết, ứng dụng công nghệ; đồng thời giúp thương mại hóa và triển khai các dự án trên thực tế.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 của VnExpress bắt đầu nhận hồ sơ tham dự từ 16/2 đến ngày 13/3. Dự án tham dự sẽ qua các bước sàng lọc và xét chọn bởi thành viên thuộc hội đồng Ban giám khảo, với 4 giai đoạn: Vòng nhận sản phẩm, ý tưởng dự thi; vòng sơ loại, vòng chung kết và lễ trao giải. Lễ trao giải sẽ diễn ra cùng Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit 2022) vào tháng 5.
Năm đầu tiên phát động, cuộc thi hướng tới 5 lĩnh vực có tính ứng dụng rộng nhất (y sinh - hóa sinh, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới), với mong muốn tìm kiếm những sản phẩm nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo phục vụ cuộc sống.
Tham gia chương trình, các tác giả, nhóm tác giả có dự án nghiên cứu xuất sắc có thể nhận giải thưởng bằng tiền mặt cùng hiện vật. Trong đó, giải nhất được nhận 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích do khán giả bình chọn. Cuộc thi cũng vinh danh 5 ý tưởng xuất sắc, trị giá mỗi giải 10 triệu đồng cùng giải thưởng nhà tài trợ bình chọn.
Tham khảo thể lệ và gửi hồ sơ tại đây.
Như Quỳnh
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc