Tâm huyết với bảo tồn các giá trị khoa học và công nghệ

Thứ ba - 09/03/2021 21:59 0

Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã được giáo sư Nguyễn Anh Trí, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xây dựng với mong muốn tri ân các thầy, cô giáo, các nhà khoa học. Ðây là nơi lưu giữ, trưng bày những hiện vật có giá trị học thuật của nước ta từ năm 1945 đến nay. Giáo sư cùng các cộng sự đã dành rất nhiều công sức vào công viên này với tâm nguyện luôn học tập và làm theo lời Bác Hồ căn dặn: "bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công" (*).Giáo sư Nguyễn Anh Trí.
 

Cách Hà Nội hơn 70 km, tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, thuộc Trung tâm Di sản các nhà khoa học, được xây dựng, đi vào hoạt động cuối năm 2016. Với diện tích hơn 34 ha, công viên được bố trí thành bốn khu vực chính: Khu trung tâm; khu dành cho hội nghị, hội thảo; khu ẩm thực, vui chơi và khu sản xuất. Ðiểm nhấn của công viên là tòa nhà nằm giữa khu trung tâm có hình quyển sách mở. Nơi đây lưu giữ khoảng 800 nghìn tài liệu, hiện vật của gần 1.800 nhà khoa học thuộc các thế hệ nước ta với đủ mọi lĩnh vực, chuyên ngành từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ đến y học, địa chất học, sinh thái và tài nguyên sinh vật, khoa học, xã hội và nhân văn… Cuối tháng 8-2020, sau nhiều năm bền bỉ sưu tầm, xử lý và lưu giữ hiện vật, phòng trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam với chủ đề "Khoa học, sáng tạo và cống hiến" đã được khai trương tại công viên.

Tại đây, khách tham quan được nhìn tận mắt chiếc máy đánh chữ, các cuốn sổ ghi chép, máy ảnh, các dụng cụ phẫu thuật…, chứa đựng trong đó là những đóng góp của các nhà khoa học như các giáo sư: Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy (toán học), hay các giáo sư: Tôn Thất Tùng, Ðặng Văn Chung, Nguyễn Văn Nhân (y học),... Ấn tượng với tôi là chiếc kính lúp MBC-2 của giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ðình Lý, nguyên Phó Viện trưởng Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (một trong các tác giả chính của công trình Thực vật chí Việt Nam) tặng lại Trung tâm Di sản các nhà khoa học. Chiếc kính lúp mang câu chuyện rất xúc động. Nó được giáo sư Dương Hữu Thời, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học tổng hợp Hà Nội trước đây mua ở Liên Xô bằng tiền công tác phí và để trong phòng thí nghiệm Trường đại học Tổng hợp. Về sau ông tặng lại Viện Sinh vật (Viện Khoa học Việt Nam) mới được thành lập còn nhiều thiếu thốn. Cuối năm 1975, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Hum - Bon (Cộng hòa Dân chủ Ðức trước đây), giáo sư Trần Ðình Lý trở về Việt Nam và tham gia chương trình Thực vật chí do thầy Thời chủ nhiệm. Là Phó Chủ nhiệm chương trình, để triển khai thực hiện, giáo sư Trần Ðình Lý đã cùng các cộng sự tiến hành nhiều cuộc thực địa khảo sát, điều tra ở các vùng, miền trong cả nước. Trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, những năm 1977 - 1983 cũng là thời kỳ Chính phủ giao Viện Khoa học Việt Nam chủ trì chương trình điều tra, nghiên cứu vùng Tây Nguyên (còn gọi là chương trình Tây Nguyên 1). Những chuyến công tác đến các tỉnh Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum kéo dài từ một đến ba tháng. Ðược sự giúp đỡ, hỗ trợ của địa phương nên những đợt khảo sát, điều tra hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật của nhóm nghiên cứu của giáo sư Trần Ðình Lý đều thuận lợi, an toàn. Hàng trăm mẫu thực vật thuộc nhiều chi, họ được lấy từ Tây Nguyên cũng như nhiều nơi khác trên cả nước được mang về Hà Nội và soi chiếu, phân tích dưới kính hiển vi MBC-2. Chính chiếc kính hiển vi cũ kỹ này đã góp phần đắc lực giúp giáo sư Trần Ðình Lý bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại nước Ðức năm 1984 và sau đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình "Thực vật chí Việt Nam" mà giáo sư là thành viên chính.

Tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi cũng được xem vi-đê-ô về lễ tiếp nhận các tài liệu, hiện vật do gia đình giáo sư Hoàng Phê hiến tặng cuối năm 2019, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông. Hơn 2.000 tài liệu, hiện vật bao gồm hơn 200 bản thảo sách, bài viết, tham luận, khoảng 400 bức thư, sách học tiếng Anh, tiếng Nga và các kỷ vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của giáo sư Hoàng Phê. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, khối tài liệu, hiện vật này không chỉ là sử liệu giúp chúng ta nhận biết đầy đủ hơn về quá trình lao động khoa học nghiêm túc, say mê, tâm huyết, cùng những đóng góp to lớn của giáo sư Hoàng Phê với ngành ngôn ngữ học mà ông còn là tấm gương tự học để sử dụng thành thạo bốn ngoại ngữ: Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga. Với vốn kiến thức sâu rộng, giáo sư Hoàng Phê đã để lại cho đời một số công trình có giá trị như từ điển chính tả, logic -ngôn ngữ học, từ điển vần và đặc biệt là "Từ điển tiếng Việt" (xuất bản năm 1988) đến nay vẫn được coi là một công trình mẫu mực và đáng tin cậy… Một lần đến với Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã ghi vào sổ lưu niệm dòng chữ: "Công viên khoa học trên thế giới có nhiều, nhưng để lưu giữ và trưng bày, phát huy tác dụng của các nhà khoa học với thế hệ sau thì đây là độc nhất vô nhị".

Hơn 14 năm làm Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương, giáo sư Nguyễn Anh Trí là người khởi xướng phong trào "Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp" để từ năm 2010 đến nay nâng lên thành "Lễ hội xuân hồng", được phát động hằng năm và lan tỏa phạm vi toàn quốc. Thôi vai trò quản lý, ba năm nay, bên cạnh tư cách Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện MEDLATEC, giáo sư Nguyễn Anh Trí dồn tâm sức cho dự án Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Hòa Bình mà ông ấp ủ hơn 20 năm trước khi vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Tranh thủ sự đồng thuận của cán bộ và người dân địa phương, sự hợp sức của tập thể MEDLATEC, hơn 10 năm qua với nguồn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, vóc dáng Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam mang màu sắc văn hóa riêng do giáo sư Nguyễn Anh Trí làm "Tổng công trình sư" đang ngày càng thu hút khách tham quan.

Đề cập hướng phát triển của công viên đến năm 2025 và những năm tiếp theo, giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết: Vẫn còn nhiều việc phải làm như xây thêm một số công trình; số hóa khối tài liệu các nhà khoa học đã trao tặng, tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của các dân tộc để phục vụ khách tham quan… Ðó cũng là tâm nguyện của giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí nhằm góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa của Ðảng và Nhà nước ta, trong đó có bảo tồn và phát huy các giá trị của khoa học và công nghệ trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây