Vai trò của Hợp tác xã trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp tại Nghệ An

Thứ tư - 14/09/2022 21:22 0
Vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm bởi sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng. Đồng thời, việc thực hiện hợp đồng một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh nông sản nói riêng.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bao gồm cả chủ quan và khách quan. Về bản chất, nông nghiệp là rủi ro, do thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó định lượng, tuy nhiên vấn đề tổ chức trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn có nhiều hạn chế. Nhưng vấn đề “được giá mất mùa” và "được mùa mất giá" và những cuộc "giải cứu", ùn ứ nông sản đã diễn ra là 1 thực tế.
Với tình trạng nông dân vẫn còn sản xuất theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ manh mún, tư duy sản xuất theo khả năng hiện có của mình và đặc biệt thiếu sự liên kết trong từng khâu sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm là một trong những nguyên nhân khiến các loại nông sản rơi vào tình trạng bấp bênh trên. Nhằm giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg. Và đặc biệt ngày 05 tháng 7 năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây thực sự là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, trong đó vai trò của sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ là vô cùng quan trọng.  
Thực hiện chủ trương trên, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đến nay đã có nhiều mô hình sản xuất ​mới đem lại giá trị cao không chỉ giúp nông dân thoát khỏi cảnh được mùa mất giá mà còn có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình, góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh nhà.  Những mô hình đó đã chú trọng tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bao gồm tổ chức liên kết ngang và liên kết dọc, tức là các hộ nông dân cùng nhau liên kết để tham gia hợp tác xã (HTX) và HTX liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị nông sản.
Có thể thấy, hiện nay, có ba hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong đó, hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ khá phổ biến. Đây là kiểu liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông hộ. Với hình thức liên kết này, hợp đồng được ký ở đầu vụ và ấn định thời điểm sản xuất, giao hàng, số lượng, yêu cầu chất lượng và giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp có thể cung cấp tín dụng, cung ứng vật tư, máy móc, tư vấn kỹ thuật cho nông hộ, nhưng doanh nghiệp cũng có quyền từ chối mua sản phẩm không đạt chất lượng. Về bản chất, mô hình liên kết này tích hợp nông hộ vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn vùng, toàn quốc và thậm chí toàn cầu khi có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia.
Trong thực tế có nhiều hình thức liên kết như vậy, nhưng liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp là mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi có hiệu quả cao nhất hiện nay. Việc liên kết trước hết là mang lợi ích cho người nông dân sản xuất, HTX cũng như các doanh nghiệp tham gia liên kết. Đối với người nông dân sản xuất thì để đảm bảo nông sản sản xuất ra tiêu thụ được và ổn định đòi hỏi mỗi loại nông sản đó phải có khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, giá thành sản xuất hợp lý và đặc biệt là phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường. Nhưng với từng hộ nông dân không thể làm được điều này, và quan trọng hơn nữa là việc bảo quản hay sơ chế nông sản hoàn toàn vượt ra khỏi khả năng của từng nông hộ.
Vì vậy, chỉ có khi liên kết giữa nông dân với nông dân theo hình thức liên kết ngang tạo thành tổ chức hợp tác, giữa tổ chức nông dân sản xuất với các đơn vị doanh nghiệp theo hình thức liên kết dọc để thực hiện các khâu từ mua nguyên vật liệu, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, hoặc một số khâu trong chuỗi nông sản cũng sẽ giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và đặc biệt là có đầu ra sản phẩm ổn định. Khi liên kết người nông dân nhận được các hỗ trợ về vốn, về khoa học kỹ thuật từ đó nâng cao trình độ sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị hơn và dần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản do chính mình làm ra.
Đối với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản thì việc hình thành mối liên kết giữa nông dân với nông dân để tạo nên các tổ chức tổ hợp tác hay HTX có lợi rất nhiều vì đã hình thành vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và đồng nhất về chất lượng, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao khả lợi thế canh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí quản lý do chỉ cần ký hợp đồng với HTX thay vì phải ký hợp đồng nhiều hộ nông dân riêng lẻ. Đối với HTX đóng vai trò trung gian, là đầu mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX đại diện hợp đồng cung cấp vật tư sẽ giảm được giá thành đầu vào, HTX hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và tập hợp sơ chế nông sản, quản lý bảo đảm chất lượng nông sản và đại diện hợp đồng với doanh nghiệp thu mua ổn định, hạn chế nhiều rủi ro.



Hiện có nhiều  chuỗi liên kết có sự tham gia của HTX với vai trò là trung gian trong chuỗi sản xuất tiêu thụ rau củ quả và một số nông sản  đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mang lại hiệu quả cao như:  HTX Rau củ quả an toàn Nam Anh – Nam Đàn với Công ty TNHH VITAMIN D2 OGANIC và một số hàng bán thực phẩm sạch, các trường học trên địa bàn Thành phố Vinh; HTX nông nghiệp Xanh Hồng - Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng – Quỳnh Lưu với Công ty CP Đầu tư SX TM & DV Cuộc sống xanh;  HTX nông nghiệp THQ Diễn Phong với Công ty TNHH SX và TM LIM
Hiện nay trên địa bàn thỉnh có nhiều HTX đóng vai trò luôn như doanh nghiệp, trực tiếp thu mua, quảng bá sản phẩm, bán hàng tới người tiêu dùng như HTX Sen quê Bác - Nam Đàn,  hỗ trợ nông dân trồng sen về giống, kỹ thuật … và thu mua các nguyên liệu sen từ các hộ, đầu tư trang thiết bị chế biến ra nhiều sản phẩm và thực hiện luôn công đoạn quảng bá và bán sản phẩm. Tương tự như vậy có HTX Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến chanh Nam Kim – Nam Đàn, và hiện nay để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, xây dựng thương hiệu chanh Thiên Nhẫn trong và ngoài nước, HTX liên kết với Công ty CP Đầu tư sao Thái Dương đã và đang xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm chanh Thiên Nhẫn.


Hiệu quả của việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là rất rõ, việc liên kết hoàn chỉnh theo chuỗi giá trị hay tùy từng điều kiện cụ thể có thể liên kết ở một vài các khâu trong chuỗi đều mang lại những kết quả có lợi cho các bên tham gia.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả, chưa pháp huy được tiềm năng lợi thế và những chính sách phát triển nông nghiệp của nhà nước. Có nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản nhất trong mỗi liên kết là các điều khoản trong hợp đồng vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau, đặc biệt là hợp đồng bao tiêu nông sản chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua. Do đó trong thời gian qua còn xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ gây thiệt hại lớn cho chính những bên tham gia, đặc biệt là người nông dân sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, các cấp các ngành, doanh nghiệp và người nông dân cần chủ động tổ chức mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách bài bản./.
Xuân Hồng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây