Nghệ An hỗ trợ phát triển, nuôi trồng thủy đặc sản nội địa
Thứ hai - 30/05/2022 22:096810
Thời gian gần đây, hiện tượng nguồn lợi thuỷ sản ...
Thời gian gần đây, hiện tượng nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, bị chết hàng loạt do dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi đã gây thiệt hại lớn cho ngành thuỷ sản. Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam đã phải chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng cùng với nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, tiêu thoát nước đô thị yếu kém, sự mở rộng của ngành du lịch và sử dụng sông hồ, ao ngòi làm nơi đổ chất thải rắn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước. Một lượng lớn nước thải không được xử lý đã xả thải bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng khai thác giảm nhanh. Ngành thuỷ sản ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện theo hình thức nuôi trồng và đánh bắt. Hoạt động đánh bắt thuỷ sản ở Việt Nam có thể phân thành khai thác biển và khai thác nội địa. Tuy nhiên, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước thường được đề cập tới liên quan trực tiếp đến nghề cá nội địa. Nhằm từng bước tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị thay vì sản lượng, cùng với triển khai đề án phát triển cây con chủ lực, từ năm 2020, Nghệ An đang có các chính sách khuyến khích tập trung vào sản xuất con giống và nuôi trồng các con đặc sản nội địa. Đây là hướng đi mang lại hiệu quả và đưa vị thế nông nghiệp, nông sản Nghệ An lên tầm cao mới.
Để bảo tồn và phát triển các nguồn gen giống đặc sản quý trên, từ năm 2010, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó dành nguồn lực để Trung tâm khuyến nông tỉnh và các đơn vị sản xuất con giống của tỉnh nghiên cứu, bảo tồn sản xuất giống để hỗ trợ cho các vùng nuôi, Bên cạnh đó, từ nguồn chương trình giảm nghèo dành cho các huyện đồng bào dân tộc thiểu số 30a, hàng năm tỉnh cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ giống cho các địa phương triển khai mô hình nuôi trồng khai thác thế mạnh địa phương. Từ đây, bà con vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong), Bản Vẽ, Khe Bố (Tương Dương) có hàng loạt mô hình nuôi cá lồng bè, trong đó có những con đặc sản như cá trắm đen, cá lăng cho đến vịt trời… Trong bối cảnh hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nghệ An cũng như các tỉnh “đến hẹn lại lên” thường lo đầu ra và “được mùa rớt giá” phải giải cứu thì các sản phẩm thủy đặc sản nội địa dù quy mô nhỏ nhưng luôn đắt hàng, không bao giờ lo đầu ra. Thực tế trên đặt ra cho ngành nông nghiệp một gợi ý lớn là có nhất thiết phải chú trọng về sản lượng thay vì giá trị. Có một thực tế là đối tượng nuôi thủy hải sản, đặc sản nội địa do là thế mạnh của từng vùng, thuận theo điều kiện tự nhiên nên phát triển khá thuận lợi, chi phí thức ăn thấp và ít dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế cao; khi nuôi ở quy mô vừa phải sẽ hạn chế các tác động xấu đến môi trường. Chính từ nhận thức đó, cùng với ban hành Đề án phát triển các nhóm cây con chủ lực để tạo giá trị hàng hóa lớn, từ năm 2020, trên cơ sở Đề án nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa, tỉnh đã hỗ trợ 7 nhóm đối tượng nuôi thủy đặc sản nội địa. Trên thực tế, với 18 cơ sở sản xuất tôm giống Nghệ An sản xuất khoảng 4 tỷ con giống, nếu giá là 1,5 triệu đồng/1 vạn con thì riêng nên doanh thu tôm giống mỗi năm là 600 tỷ đồng, Nghệ An còn có hàng chục cơ sở ương nuôi giống thủy sản nội địa, sản xuất hàng triệu con giống mỗi năm. Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa Nghệ An còn trên 1.000 ha mặt nước các hồ thủy điện, thủy lợi và khoảng 160 ha ao đầm khác, Nghệ An phấn đấu sản lượng 5.000 tấn nuôi ao hồ và 2.300 tấn nuôi lồng lồng bè trên hồ đập với 1.200/1.200 lồng công nghệ cao. Bên cạnh đó, với khoảng 30.000m2 nuôi bể, sản lượng 500-550 tấn. Vì vậy, nếu làm tốt, cùng với mang lại nguồn doanh thu lớn, sẽ tạo thêm việc làm thường xuyên và thời vụ cho 10.000 lao động nông thôn mà không cần ly hương. Đề án nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và Kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2020-2025 nên có thể kêu gọi sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế, trong đó hộ gia đình và doanh nghiệp là chủ yếu. Các đối tượng thủy sản đặc sản nội địa như cá lăng, cá leo, chình, trắm đen, cá vược, lươn đồng... là các con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước, tiểu vùng khí hậu nên có thể triển khai nhiều loại hình vầ hình thức nuôi. Với Đề án này, Nghệ An phấn đấu tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2020-2025 từ 21,4- 22,2% để đến năm 2025 giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa đạt khoảng 550 tỷ đồng, chiếm 12,3- 12,5% tỷ trọng giá trị sản xuất ngành NTTS, đóng góp từ 8-10% trong cơ cấu sản lượng nuôi trồng thủy sản. Nghệ An cũng phấn đấu đến năm 2025 làm chủ công nghệ và đảm bảo đủ nhu cầu nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cụ thể khoảng từ 10,5-11,0 triệu con giống, trong đó từ 4,4- 4,6 triệu con cá giống gồm lăng 1,9-2,0 triệu, leo 1,4-1,5 triệu, trắm đen 0,5- 0,6 triệu, vược 0,18- 0,2 triệu; lươn đồng là 6,0 - 7,0 triệu. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh phải tăng tốc, không ngừng đổi mới công nghệ nuôi tiến tiến bên cạnh nâng cao năng suất và sản lượng. tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm tạo giống sạch bệnh, tiến tới chủ động sản xuất các giống để phục vụ nuôi trồng thủy sản đặc sản trong tỉnh và hướng ra các tỉnh lân cận. Phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa kết hợp với du lịch canh nông, sinh thái để góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn nguồn gen thủy đặc sản quý hiếm. Có thể thấy rằng: Đề án ra đời nhằm khai thác tiềm năng, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, diện tích mặt nước ao hồ, sông, suối, hồ đập thủy lợi, thủy điện; phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của mỗi vùng miền, địa phương nên có nhiều lợi thế. Nếu áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ nuôi tiên tiến vào sản xuất thì mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước đáp ứng nhu cầu về thực phẩm ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm. Về lâu dài phải xây dựng thương hiệu gắn với nhận diện sản phẩm thủy sản đặc sản để giải quyết việc làm, tăng thu nhập tại chỗ cho người dân, từng bước hiện đại hóa tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo Đề án này, trong vòng 5 năm từ 2021-2025, Nghệ An dành 64 tỷ đồng đầu tư hỗ trợ từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; chương trình giảm nghèo 135, khuyến nông cho người nghèo miền Tây và các chương trình hỗ trợ lồng ghép khác theo các quy định của Trung ương và địa phương. Đáng chú ý, kinh phí chủ yếu sẽ dành để hỗ trợ sản xuất là 60,45 tỷ đồng, còn lại là kinh phí cho hội thảo, tập huấn, hội chợ, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm là 3,8 tỷ đồng./.