Một số kết quả hoạt động KH&CN năm 2021 và nhiệm vụ KH&CN năm 2022 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu
1. Kết quả hoạt động tham mưu tư vấn của Hội đồng KHCN huyện
Hội thảo khoa học sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về phát triển KHCN giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2025 theo lịch sẽ triển khai thực hiện vào ngày 11/6/2021; Hội thảo Khoa học: Đánh giá kết quả hoạt động KH&CN năm 2021 và xây dựng nhiệm vụ hoạt động KH&CN năm 2022; Hội đồng: Xác định danh mục nhiệm vụ KH&CN (mô hình, hội thảo, đề tài, dự án KH&CN) bằng các nguồn kinh phí khác nhau đưa vào thực hiện năm 2022. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về KH&CN: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND về Quy định một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND về Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 14/01/2021 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thực hiện Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An.
2. Công tác Quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa:
Văn bản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về KHCN gồm, Quyết định số 2015/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 về việc kiện toàn Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện; Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân năm 2021 trên địa bàn; Quyết định số 591/QĐ-UBND ngày 14/4/2021 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 trên địa bàn và các văn bản chỉ đạo liên quan,...
Hoạt động thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Năm 2021, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với 21 cơ sở sản xuất trên địa bàn, xử phạt 5 cơ sở nộp ngân sách nhà nước là 10 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng quá hạn sử dụng, hàng không niêm yết giá hàng hóa, không có giấy đăng ký kinh doanh. Tổ chức triển khai ký cam kết không sản xuất kinh doanh hàng kém chất lượng, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 317 vụ, xử lý 294 vụ với tổng số tiền thu phạt là 2.754 triệu đồng, trong đó phạt hành chính 540 triệu đồng, thu giữ và tiêu hủy hàng hóa trị giá 2.214 triệu đồng.
3. Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến độ KHCN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện:
Triển khai mô hình ứng dụng KHCN năm 2021: Mô hình trồng cây chanh không hạt tại huyện Quỳnh Lưu, quy mô 2 ha. Hiện nay, mô hình đã được trồng 1.400 cây, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt từ tháng 1/2021÷ tháng 12/2021; Tổng kinh phí thực hiện mô hình là: 239.119.000 đồng, trong đó ngân sách KHCN hỗ trợ là 120.619.000 đồng và đối ứng là 118.500.000 đồng. Thực hiện mô hình trình diễn giống lúa lai 3 dòng WN305 vụ Xuân năm 2021 tại HTX Tiến Sơn, xã Tân Sơn. Năng suất trung bình 365kg/sào; Giống thích nghi tốt điều kiện đồng đất địa phương, chất lượng gạo ngon, sạch sâu bệnh, chống đổ tốt. Phối hợp với UBND các xã Tân Sơn, Quỳnh Châu, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn vụ Xuân ứng dụng Quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) với diện tích 69,31 ha từ nguồn kinh phí theo Nghị định 35 của Chính Phủ. Kết quả mà các mô hình (SRI) mang lại là giảm 50-80% lượng giống/ha, 20-40kg đạm/ha, 1-2 lần phun thuốc BVTV, 1-2 lần nước tưới, năng suất tăng thêm từ 0,27-0,44 tấn/ha/vụ. Hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 5,6-6,5 triệu đồng/ha/vụ so với đối chứng. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Nghệ An triển khai mô hình nuôi cá Chim vây vàng tại xã Quỳnh Đôi với quy mô 0,3ha. Tiến hành thả cá giống ngày 12/5, đã khắc phục được tình trang cá chết, hiện nay trong lượng cá trung bình 180-200g/con.
Tiếp tục theo dõi, duy trì, nhân rộng các mô hình đã triển khai có hiệu quả các năm trước gồm: Mô hình nuôi Vịt biển 15 Đại Xuyên của Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên tại xã Quỳnh Yên, Quỳnh Hưng, Quỳnh Thọ; Mô hình chăn nuôi gà thịt giống gà H’mông lai (Gà xương đen thịt đen) tại xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Thắng, Tân Thắng; Mô hình nuôi gà đồi Bến Nghè gắn với xây dựng thương hiệu gà đồi Bến Nghè Quỳnh Lưu tại xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng. Mô hình nuôi ếch, chạch ở xóm 12, xã Quỳnh Hoa. Tiếp tục triển khai ứng dụng khoa học trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến như: Tiếp tục Xây dựng và hoàn chỉnh quy trình sản xuất nông nghiệp theo mô hình (Viet GAP), 2 mô hình trồng cây có múi tại xã Quỳnh Thắng và Tân Thắng với quy mô 01ha/mô hình; Tiếp tục đưa các mô hình sản xuất rau trong nhà lưới ở xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa và Tân Sơn vào sản xuất và trình diễn; Áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất, đảm bảo duy trì ổn định và phát triển các vùng thâm canh cây trồng chính như (rau 1.350ha; lúa 7.600ha; dứa 1.050ha; Mía 820ha..) đạt năng suất, chất lượng cao; Tăng cường mức độ ứng dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) đối với cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả; Ứng dụng rộng rãi công nghệ tưới phun bán tự động đối với các vùng chuyên canh sản xuất rau màu; Ứng dụng khoa học tiên tiên như công nghệ chuồng trại khép kín, nước uống tự động, đệm lót sinh học, hầm bio-gaz... được hầu hết các trang trại áp dụng nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có sức cạnh tranh cao (trên 70% trang trại ứng dụng); Duy trì ổn định hoạt sản xuất giống thủy sản ứng dụng CNC, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 1 tỷ con tôm giống, 1,2 tỷ con ngao giống và trên 16 triệu con cua giống; Ổn định diện tích nuôi tôm thâm canh tổng diện tích trên 650 ha. Ứng dụng rộng rãi quy trình nuôi tôm theo VietGAP, hiện nay đã có 107 ha được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP tại 4 xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Ngọc; Tiếp tục phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến như: nuôi tôm trong bể xi-măng tại Quỳnh Bảng, nuôi tôm theo quy trình Biofloc, nuôi tôm trong nhà màng (Quỳnh Thanh, Quỳnh Minh, An Hòa…), nuôi cá “sông trong ao” tại Quỳnh Văn...; Ổn định đội tàu khai thác với tổng số 1.193 tàu với tổng công suất 305.000CV (chiếm trên 50% số lượng tàu của tỉnh). 100% tàu khai tác xa bờ được trang bị máy dò cá ngang và thiết bị thông tin liên lạc tầm xa; Ứng dụng thành công một số biện pháp kỹ thuật, công nghệ trong chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm, thủy sản như bao gói chân không, ứng dụng vật liệu PU làm hầm bảo quản lạnh trên tàu khai thác hải sản; Đưa các máy chụp công nghệ cao vào phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn,... Phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ Xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị trồng rau hữu cơ tại xã Quỳnh Bảng; Trồng bưởi đỏ Hòa Bình tại xã Ngọc Sơn và xã Tân Thắng;
4. Công tác đưa thông tin KH&CN về cơ sở:
Chỉ đạo Trung tâm DVNN huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa vụ Xuân, vụ Hè thu 2022 cho nông dân theo Hợp đồng ký với Trung tâm Khuyến nông Nghệ An; Thường xuyên trao đổi thông tin với các sở ban ngành, các trung tâm thông qua hệ thống trực tuyến. Tổ chức các lớp học nâng cao trình độ về công nghệ thông tin ứng dụng phần mềm chính quyền điện tử Vnptioffice, sử dụng hộp thư công vụ cho cán bộ, công chức viên chức các phòng, ngành, cơ quan chuyên môn huyện và UBND các phường, xã; cập nhật hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Trung tâm DVNN phối hợp với Trung tâm VH-TT và Truyền thông huyện thường xuyên xây dựng các bản tin, chuyên đề về hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm; Viết tin, bài phản ánh về hoạt động KHCN trên địa bàn huyện gửi website KHCN.
5. Các hoạt động khác
Trong năm 2021, phong trào lao động sáng tạo được các đơn vị, các ngành quan tâm, Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm huyện đã tổ chức chấm xét duyệt cho 60 đề tài, trong đó có 54 đề tài được công nhận đạt sáng kiến kinh nghiệm huyện năm 2021. Triển khai chuyển đổi từ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008 sang ISO 9001-2015 tại cơ quan HĐND-UBND huyện. Tiếp tục duy trì ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành vnpt ở chính quyền huyện và các xã, phường, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn và trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả sử dụng internet, cổng thông tin điện tử trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh và phục vụ nâng cao đời sống nhân dân.
Như vậy, hoạt động KHCN đã dành được sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động nhiều các thành phần kinh tế và tầng lớp nhân dân tham gia ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống.- Hoạt động đưa thông tin hoạt động KHCN tương đối kịp thời, có chất lượng phục vụ lãnh đạo các cấp, các ngành, mang lại hiệu quả thiết thực. Bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động KHCN từ huyện đến xã, phường từng bước đi vào ổn định: Hội đồng KHCN huyện, phòng chuyên môn và cán bộ chuyên trách.
Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về phát triển KHCN; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức hoạt động KHCN và phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng nông nghiệp đô thị của huyện, một số nội dung cần triển khai thực hiện: Tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình mới để người dân nắm bắt và chủ động đưa vào sản xuất, đặc biệt là đánh giá, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đầu ra sản phẩm trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Hợp tác liên kết chuỗi giá trị trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao; Tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các tổ chức cá nhân thực hiện hợp tác, liên kết và chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người dân, nhất là trên lĩnh vực giống cây giống, vật nuôi, bảo quản, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống: Thường xuyên chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ tay nghề của người lao động trong các doanh nghiệp; chủ động tiếp cận và áp dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc để hưởng chính sách khuyến công; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác lựa chọn các loại giống, kỹ thuật, công nghệ mới, có chất lượng, hiệu quả để đưa vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và công nghiệp chế biến.Trên cơ sở nhưng kết quả đạt được, những tồn tại còn hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động năm 2021, Hội đồng Khoa học công nghệ bám sát thực tiễn để xây dựng nhiệm vụ hoạt động năm 2022 phù hợp, có tính ứng dụng cao trình Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Dinh