Mô hình sản xuất lạc thương phẩm theo chuỗi giá trị tại Diễn Châu - Nghệ An

Thứ hai - 29/11/2021 20:16 0
Ở Nghệ An, cây lạc là nông sản chủ lực. Hàng năm, toàn tỉnh gieo trồng khoảng từ 23.000-24.000ha lạc và sản lượng 50.000-55.000 tấn lạc vỏ. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất lạc trên địa bàn đang còn gặp rất nhiều khó khăn và một trong những khó khăn chính là giống, đa số bà con nông dân chưa được tiếp cận với công nghệ sản xuất hạt giống lạc. Diễn Châu là huyện có vùng chuyên canh lạc lớn nhất tỉnh Nghệ An, với diện tích hơn 3.000ha, tập trung ở vùng đất màu 10 xã chạy dọc Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm lạc còn phụ thuộc vào thương lái và cũng nằm trong bài toán chung của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay “được mùa mất giá”. Sản xuất lạc tại huyện Diễn Châu đang thiếu những giống tốt, người nông dân đang chủ yếu tự để giống, phương thức canh tác lạc hậu, manh mún; đặc biệt sản phẩm sản xuất ra đều do tư thương thu gom nhỏ lẻ, chưa được các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.
http://portal.nghean.gov.vn:10040/wps/wcm/connect/a23e2c804125c1c49615fe7668a4e93f/1/20170513_101504.gif?MOD=AJPERES&CACHEID=a23e2c804125c1c49615fe7668a4e93f/1

Trước thực tế đó, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả và Cây công nghiệp Phủ Quỳ đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lạc thương phẩm năng suất, chất lượng cao theo chuỗi giá trị tại tỉnh Nghệ An” với quy mô 15ha tại xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An nhằm hình thành chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu giống, biện pháp kỹ thuật sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập, ổn định đầu ra, cải thiện đời sống cho người dân.
Tham gia triển khai mô hình, các hộ dân được hỗ trợ là giống lạc mới do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ chọn tạo, là giống có thời gian sinh trưởng 105-115 ngày, có năng suất và chất lượng cao, chịu thâm canh, có khả năng chống hạn phù hợp với vùng sinh thái tại vùng Bắc Trung Bộ và hỗ trợ (50% giống, vật tư thiết yếu). Đồng thời, được hướng dẫn theo quy trình sản xuất lạc xuân đạt năng suất cao được đơn vị chủ trì xây dựng và hoàn thiện đã áp dụng thành công tại Nghệ An với năng suất trên 5 tấn/ha. Song song, ban chủ nhiệm  Dự án tạo mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác; liên kết nông dân với nhau Giống lạc L20 thành tổ sản xuất hàng hóa tập trung; Công ty TNHH XNK nông - lâm - thủy sản Sỹ Thắng - Diễn Châu, Nghệ An liên kết với bà con nông dân để thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Kết quả, trong năm 2020-2021, dự án đã tổ chức tập huấn cho các hộ dân tham gia mô hình về “Quy trình sản xuất lạc thương phẩm năng suất và chất lượng cao, đạt chất lượng xuất khẩu và sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị” quy mô 3 lớp cho 150 lượt người . Năm 2020-2021, tại huyện Diễn Châu, dự án đã tổ chức tập huấn đào tạo nhân rộng mô bình cho các hộ dân ngoài mô hình với quy mô 02 lớp cho 80 lượt người; đối tượng là nông dân ngoài mô hình tại các xã triển khai dự án và xã lân cận có điều kiện mở rộng mô hình. Nội dung tập huấn, đào tạo gồm quy trình thâm canh lạc đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn chế biến, ăn tươi và sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; Đặc điểm sinh học, vai trò và yêu cầu dinh dưỡng của cây lạc; Kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản lạc sau thu hoạch và một số vấn đề về chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, lớp tập huấn còn được tập huấn tham quan mô hình để giới thiệu quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh lạc đạt năng suất cao, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ.
http://portal.nghean.gov.vn:10040/wps/wcm/connect/a23e2c804125c1c49615fe7668a4e93f/2/C360_2017-05-13-08-11-21-07.gif?MOD=AJPERES&CACHEID=a23e2c804125c1c49615fe7668a4e93f/2
Mô hình được áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất lạc đạt được vượt trội so với ngoài mô hình. Sau 2 năm triển khai dự án, giống lạc L20 cho năng suất bình quân đạt 40,74 tạ/ha, trong khi đó năng suất bình quân ngoài mô hình chỉ đạt 34,18 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình 6,56 tạ/ha đạt tỷ lệ 19,19% so với ngoài mô hình. Hiệu quả kinh tế thu bình quân tăng so với sản xuất đại trà khoảng 8,28 triệu đồng/ha, tương đương 36,33%. Kết quả kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua nông sản và dịch vụ môi trường Hoài An cam kết thu mua mua các sản phẩm cho các hộ sản xuất mô hình. Dự án đã xây dựng được chuối liên kết từ khâu giống, vật tư, tiến bộ kỹ thuật đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
So sánh hiệu quả liên kết chuỗi giá trị của mô hình so với sản xuất đại trà cho thấy, sản xuất đại trà giống không đảm bảo chất lượng, giống không rõ nguồn gốc, không chủ động nguồn giống; Tiến bộ kỹ thuật cũ, quy trình canh tác lạc hậu, chất lượng nông sản kém; Không chủ động vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không đúng chủng loại; Tự phát, thiếu đồng bộ trong sản xuất, rủi ro cao trong quá trình sản xuất và tiêu thụ; Sản phẩm sản xuất ra thường bị tư thương ép giá, giá cả không ổn định, thiếu chủ động trong sản xuất và tiêu thụ. Với mô hình chuỗi giá trị, giống mới, chất lượng giống đạt tiêu chuẩn theo quy định; chủ động nguồn giống; Tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình canh tác tiến bộ, chất lượng nông sản cao; Chủ động vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đúng chủng loại; Tổ chức sản xuất chặt chẽ, đồng bộ, hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ; Sản phẩm sản xuất ra được hợp tác xã thu gom, cung cấp cho Công ty, không bị ép giá, giá cả ổn định, chủ động trong khâu sản xuất và tiêu thụ.
Trong quá trình thực hiện mô hình, bước đầu, dự án đã liên kết các hợp tác xã, tổ hợp tác cùng với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn là Hợp tác xã Thu mua nông sản và Dịch vụ môi trường Hoài An đã cam kết, thu mua sản phẩm cho nông dân. Hiệu quả mô hình đã thay đổi nhận thức canh tác truyền thống của nông dân, chủ động, hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá cả ổn định.
Như vậy, qua thời gian triển khai, kết quả nghiên cứu và chọn tạo giống lạc L20 của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ cho thấy, giống lạc L20 có thời gian sinh trưởng tương đương các giống đang trồng phổ biến ở vùng Bắc Trung Bộ; có năng suất, chất lượng cao, chịu thâm canh, chịu hạn tốt, phù hợp với vùng sinh thái Bắc Trung Bộ. Qua kết quả khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, và thực tế sản xuất, trong những năm tới, giống lạc L20 sẽ là giống lạc chủ lực của vùng Bắc Trung bộ, đặc biệt là đối với tỉnh Nghệ An dự kiến chiếm 50-60% diện tích của tỉnh. Năm 2020-2021, dự án đã triển khai xây dựng được 15ha mô hình sản xuất lạc thương phẩm năng suất, chất lượng cao theo chuỗi giá trị tại xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu. Năng suất bình quân 2 năm của giống lạc L20 trong mô hình đạt 40,74 tạ/ha cao hơn ngoài mô hình 6,56 tạ/ha; hiệu quả tăng bình quân 36,33% so với ngoài mô hình. Dự án đã kết nối Hợp tác xã Thu mua nông sản và Dịch vụ môi trường Hoài An cam kết thu mua mua các sản phẩm cho các hộ sản xuất mô hình. Dự án đã xây dựng được chuối liên kết từ khâu giống, vật tư, tiến bộ kỹ thuật đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai mô hình, hỗ trợ về chính sách, khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu và khuyến khích các hộ sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị, mở rộng diện tích sản xuất. Hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm./.
Nguyễn Anh Tuấn
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây