Nhu cầu chăm sóc sức khỏe con người với xu hướng sử dụng thuốc nguồn gốc thảo dược không chỉ ở chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới đang được ưa chuộng. Tại rất nhiều quốc gia trên thế giới việc sử dụng các thuốc từ dược liệu tự nhiên ngày càng gia tăng bởi vì nó ít có những tác động có hại và phù hợp với qui luật sinh lý của cơ thể.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số hiện nay trên thế giới vẫn dựa vào thuốc có nguồn gốc tự nhiên trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. WHO luôn khuyến nghị mọi người dùng các loại thuốc cổ truyền để chăm sóc sức khỏe bởi vì mức độ an toàn, hiệu quả cũng như nguồn cung cấp được đảm bảo. Các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên ngày càng được sử dụng nhiều trên thế giới do ít có những tác động có hại đối với sức khỏe và phù hợp với sinh lý cơ thể người sử dụng. Các sản phẩm sản xuất từ các loại dược liệu như táo mèo, hà thủ ô, giảo cổ lam… rất được ưa chuộng và phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước phương Tây. Theo ước tính, Việt Nam có khoảng trên 4.000 loại dược liệu trong đó có rất nhiều loại dược liệu đặc hữu của vùng Tây Bắc được dùng trong ngành đông dược để làm thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng. Với nguồn dược liệu phong phú và các cơ sở sản xuất thuốc và chế biến dược liệu thế nhưng thực tế là có rất nhiều các loại thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng phải nhập ngoại. Giá trị gia tăng từ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tại Tây Bắc Việt Nam còn thấp do chưa có công nghệ và thiết bị chế biến sau thu hoạch vì vậy, việc nghiên cứu và đầu tư để biến các dược liệu này thành các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe mở ra một tiềm năng mới về các loại dược phẩm có nguồn gốc từ thảo dược và tiềm năng xuất khẩu rất lớn đem lại giá trị gia tăng cao và thu nhập nhằm xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh vùng Tây Bắc.
Qua khảo sát dây chuyền công nghệ chế biến dược liệu và sản xuất thuốc của các công ty sản xuất thuốc uy tín trong nước, nhóm thực hiện đề tài nhận thấy hầu hết thiết bị chiết xuất dược liệu trong dây chuyền chế biến dược liệu và sản xuất thuốc đều được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc một số nước châu Âu và mức độ tự động hóa chưa cao do đó gây nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa. Một số công ty cũng đã bắt đầu nghiên cứu về hệ thống thiết bị chiết xuất cao dược liệu nhưng đầu tư nghiên cứu về nhân lực, kinh nghiệm, công nghệ chế tạo chưa nhiều nên sản phẩm mới chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, chất lượng sản phẩm từ các dây chuyền sản xuất thuốc và chế biến dược liệu trong nước còn thấp nên khó cạnh với các sản phẩm nước khác trên thị trường khu vực, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Mỹ,...
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần viện máy và dụng cụ công nghiệp - một trong những doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực cơ điện tử - do ThS. Nguyễn Hoài Anh đứng đầu đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống điều khiển tự động cho thiết bị chiết xuất cao dược liệu” nhằm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công 01 hệ thống điều khiển tự động cho thiết bị chiết xuất cao dược đáp ứng công nghiệp 4.0 nhằm tự động hoàn toàn khâu chiết xuất dược liệu để ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm cao dược cho các nhà máy sản xuất thuốc trong nước; xây dựng sản phẩm mới cho công ty đặc biệt là các sản phẩm cơ điện tử trong ngành dược đáp ứng công nghiệp 4.0; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ KHKT có trình độ chuyên môn cao về thiết bị dược công nghệ cao nhằm nâng cấp hệ thống thiết bị sẵn có của các công ty sản xuất thuốc trong nước hiện nay đáp ứng công nghiệp 4.0.
Trong quá trình thực hiện, Đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu và kết quả của đề tài đạt được theo đúng mục tiêu đề ra cụ thể như sau:
- Đã làm chủ công nghệ chiết xuất cao dược liệu từ đó nghiên cứu thiết kế kỹ thuật, thiết kế chế tạo hệ thống điều khiển tự động cho thiết bị chiết xuất cao dược liệu trên cơ sở kỹ thuật điều khiển lập trình với giao diện thuận tiện cho người vận hành;
- Chế tạo thành công 01 hệ thống điều khiển tự động cho thiết bị chiết xuất cao dược liệu phù hợp với điều kiện công nghệ tại Việt Nam với thông số kỹ thuật theo đúng nội dung đề ra ban đầu;
- Hệ thống điều khiển tự động cho thiết bị chiết xuất cao dược liệu đã được thử nghiệm thực tế tại cơ sở sản xuất và được các chuyên gia đánh giá là hoạt động tốt, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu và phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành;
- Hệ thống điều khiển tự động cho thiết bị chiết xuất cao dược liệu được lắp đặt cùng với các thiết bị cơ khí tạo ra hệ thống chiết xuất cao dược tự động đồng bộ với chất lượng cao dược tạo ra ổn định góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất thuốc và chế biến dược liệu trong nước chủ động sản xuất, nâng cấp, mở rộng và xây dựng các dây chuyền sản xuất mới.
Đây là những nghiên cứu đầy đủ đầu tiên về việc xây dựng thiết bị đóng gói công nghệ cao trong lĩnh vực dược tại nước ta do vậy thành công đề tài mở ra rất nhiều các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai, tạo điều kiện rất lớn cho các cơ sở chế biến dược liệu, sản xuất thuốc,.... xuất khẩu các sản phẩm của mình vào các thị trường các nước phát triển như: Mỹ, CHLB Đức,... mang lại hiệu quả kinh tế và tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
Xuất phát từ những nội dung đã nghiên cứu và những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện nhóm đề tài xin được kiến nghị như sau: Kết quả của đề tài là những nghiên cứu bước đầu trong việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị công nghệ cao trong lĩnh vực dược ở nước ta, một lĩnh vực khá mới mẻ và còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được nhóm thực hiện đề tài rất mong muốn được sự ủng hộ của cơ quan cấp trên cho những nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực này như: Hệ thống chiết xuất siêu âm, hệ thống chiết xuất siêu tới hạn... Nhóm thực hiện đề tài mong muốn được sự ủng hộ của cơ quan cấp trên để mở rộng các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực thiết bị dược và các dự án sản xuất thử nghiệm trong thời gian tới.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17200/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc