Nghiên cứu công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Chủ nhật - 25/09/2022 22:32 0

Với đặc tính minh bạch, không thể thay đổi, Blockchain là giải pháp công nghệ được ứng dụng thành công vào truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, cũng như sự tin cậy vào chuỗi cung ứng.

Tại Mỹ, tập đoàn bán lẻ Walmart cùng với chín công ty hàng đầu về thực phẩm và bán lẻ khác (Nestlé SA, Dole Food Co., Driscoll’s Inc., Golden State Foods, Kroger Co., McCormick and Co., McLane Co., Tyson Foods Inc, Unilever NV) đã hợp tác với IBM phát triển công nghệ Blockchain để theo dõi thực phẩm trên toàn cầu thông qua chuỗi cung ứng. Với mục tiêu thu thập thông tin về nguồn gốc, an toàn và tính xác thực của thực phẩm, Walmart đã giảm đáng kể thời gian theo dõi thực phẩm, tăng cường an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Trên thực tế, tập đoàn này đã thử nghiệm thành công hai dự án sử dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc của thịt heo ở Trung Quốc và xoài ở Trung Mỹ. Theo đó, sử dụng công nghệ mới này, Walmart chỉ mất 2,2 7 giây để cung cấp thông tin về chuỗi cung ứng cho khách hàng thông qua mã QR code, trong khi trước đó, việc này phải mất hơn 6 ngày. Tại Pháp, tập đoàn bán lẻ Carrefour, đã sử dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc thực phẩm châu Âu. Công ty hiện đã mở rộng các dịch vụ ban đầu chỉ bao gồm thịt gà và cà chua, sau đó đã đưa ứng dụng công nghệ chuỗi khối vào sản phẩm mới nhất của công ty chính là dòng sản phẩm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng. Khách hàng sẽ có thể sử dụng điện thoại di động của mình để theo dõi các sản phẩm trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Tại Hàn Quốc, dự án thử nghiệm truy xuất dữ liệu thịt bò trong chuỗi cung ứng bằng công nghệ chuỗi khối được thực hiện với sự hợp tác của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc. Giải pháp mới từ công nghệ Blockchain sẽ giải quyết các bài toàn về nạn giả mạo, tăng cường nền nông nghiệp nước này thông qua khả năng mã hóa phức tạp, lưu trữ thông tin dựa trên cơ chế đồng thuận chống lại việc thay đổi và làm giả dữ liệu. Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc xuất xứ trong chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo xanh, sạch và chất lượng cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp nhằm đưa hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu đến với người tiêu dùng. Nông dân được khuyến khích tham gia những cộng đồng, những hiệp hội lớn, hướng đến việc công nghiệp hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Vì vậy, các nghiên cứu liên quan đến chuỗi cung ứng nông sản đã xuất hiện, nhưng đa phần đều tập trung hướng đến sự tích hợp chuỗi cung ứng nông sản với một nền kinh tế quốc tế hướng tới các mục tiêu xuất khẩu ở quy mô lớn. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu vẫn được sản xuất, phân phối tự phát nhỏ lẻ thông qua hệ thống chợ truyền thống, không có sự kiểm soát chặt chẽ trước khi đến với người tiêu dùng. Mặc dù siêu thị đã xuất hiện, nhưng do phần đông người tiêu dùng đều thuộc tầng lớp trung lưu trở xuống nên hoạt động mua bán thực phẩm vẫn chủ yếu diễn ra ở chợ. Chính vì vậy, quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng sẽ không được đảm bảo do không biết nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm đã mua.

Nhằm nghiên cứu về công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và khả năng ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa trong nền kinh tế số, nhóm nghiên cứu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương do ThS. Nguyễn Thúy Anh là chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: Nghiên cứu công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam” với những mục tiêu cụ thể gồm: Hệ thống hóa một số vấn đề lý thuyết về công nghệ chuỗi khối; Thực trạng ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong phát triển chuỗi cung ứng tại một số nước phát triển; Khảo sát, đánh giá cơ hội, thách thức và khả năng ứng dụng công nghệ chuỗi khối tại Việt Nam; Đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain đang xây dựng trên nền tảng Enterprise Blockchain phiên bản Ethereum 2.0 hỗ trợ mô hình kinh doanh B2C trong giai đoạn thử nghiệm đã đem lại một số những lợi ích nhất định cho các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng.

- Đối với cơ quan quản lý nhà nước:

· Minh bạch hóa thông tin của các chủ thể trong chuỗi cung ứng cùng các thực tiễn kinh doanh tốt được cơ quan quản lý công nhận;

· Chính phủ đánh giá cũng như kiểm soát được các hoạt động kinh doanh của thị trường để từ đó có những biện pháp và chính sách quản lý phù hợp.

- Đối với nhà sản xuất/doanh nghiệp:

· Xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm;

· Phân tích kết quả kinh doanh nhằm phục vụ việc đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn;

· Tích hợp các báo cáo về chứng nhận chất lượng sản phẩm

- Đối với người tiêu dùng:

· Truy xuất nguồn gốc đầy đủ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng và độ an toàn của sản phẩm;

· Giúp người tiêu dùng ủng hộ và phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ các kết quả thu được, nhóm đề tài có một số kiến nghị như sau:

- Hoàn thiện các quy định và môi trường pháp lý

Trong tương lai, khi các quy định và môi trường pháp lý được hoàn thiện sẽ giúp các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng có thể sản xuất, phân phối, ứng dụng công nghệ Blockchain và kinh doanh trong môi trường đảm bảo các quy định của pháp luật. Xây dựng thị trường cạnh tranh hiệu quả và công bằng hơn dựa trên hai trụ cột: (i) Phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trên cơ sở tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân trong nước; (ii) Đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Chủ động trao đổi, hợp tác với các đối tác công nhận chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đánh giá những vấn đề mà chúng ta cần và có thể cải thiện đồng thời theo sát động thái mới của các nước lớn để có hướng xử lý phù hợp.

- Đào tạo đội ngũ kỹ thuật doanh nghiệp về kiến thức Blockchain

Công nghệ Blockchain là một công nghệ mới, tuy rằng nó mang lại những tính chất ưu việt nhưng lại bị giới hạn khi cộng đồng kỹ thuật chưa đủ lớn. Nhiều doanh nghiệp biết tới công nghệ Blockchain và sử dụng các giải pháp Blockchain nhưng lại không có một đội ngũ kỹ thuật hiểu và bảo trì ứng dụng. Điều này khiến cho các vấn đề kỹ thuật liên quan tới Blockchain tập trung toàn bộ tới các nhà cung cấp giải pháp Blockchain. Do đó, việc tập trung như vậy dẫn tới nút thắt cổ chai, khi những nhà dịch vụ không đáp ứng kịp thì sẽ khiến cho cả hệ thống bị trì trệ và giải pháp giảm tính hiệu quả. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc xây dựng và mở rộng cộng đồng Blockchain ở nước ta. Vì vậy, một cộng đồng Blockchain lớn là cần thiết, cung cấp nguồn nhân lực mới và các nghiên cứu mới, góp phần cải thiện những giải pháp Blockchain trong và ngoài nước.

- Mở rộng đa dạng hóa sản phẩm ứng dụng công nghệ Blockchain

Hiện nay công nghệ Blockchain được ứng dụng chủ yếu đối với các mặt hàng thực phẩm như xoài, thanh long, thịt heo… Nhằm đưa chất lượng hàng hóa và dịch vụ đến với người tiêu dùng, ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ là giải pháp hữu hiệu để tạo thói quen và niềm tin của người mua hàng đối với các hàng hóa có dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Chính vì vậy, giải pháp này sẽ phải từng bước nghiên cứu các quy trình và thử nghiệm đối với từng nhóm hàng hóa để từ đó xây dựng được giải pháp và nhân rộng đối với các hàng hóa và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường. Do đó, tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới sẽ góp phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế trong kỷ nguyên số hóa.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17450/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây