Dân số Việt Nam năm 2018 là 96,96 triệu người, dự tính sẽ là 97,5 triệu người vào đầu 2020. Năm 2018, chúng ta đã nhập khẩu hơn 9,5 triệu tấn ngô (USDA, 2019). Năng suất ngô ở Việt Nam đạt 4,6 tấn/ha (2018), thấp hơn trung bình thế giới (5,75 tấn/ha), vì hơn 80% diện tích ngô ở Việt Nam canh tác trong điều kiện nhờ nước trời, trong đó hơn 60% trên đất dốc, đất chua, đất nhiễm phèn.
Do thị trường lúa nước của Việt Nam đang diễn ra cạnh tranh gay gắt với lúa nước Ấn Độ, thậm chí với Myanmar và Campuchia, hơn nữa Philippine và Indonesia cùng tìm cách giảm nhập khẩu lúa nước của Việt Nam. Mặt khác thị trường nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đang chuyển sang chính ngạch, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo trong những năm tới Việt Nam phấn đấu giảm 500 ngàn ha lúa nước trên toàn quốc. Thực tế ở ĐBSCL đang giảm mạnh.
Sản xuất lúa nước đang phải đối mặt với những bất thuận. Ảnh hưởng biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới, hạn hán, lũ lụt qua các năm. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, vùng chuyên canh lúa đồng thời là vựa lúa chính của cả nước, tình hình trên đang tiếp diễn qua nhiều năm. Do trồng đến 3 vụ lúa trên cùng loại đất nên thời gian nghỉ giữa các vụ là quá ngắn, không đủ để cắt đứt vòng đời sâu bệnh. Mặc dầu hiện nay các địa phương đang thực hiện rất có hiệu quả việc xuống giống đồng loạt để né rầy nhưng nguy cơ dịch rầy nâu bùng phát vẫn lơ lửng và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc canh tác lúa liên tục nhiều năm nếu không bổ sung đủ thành phần dinh dưỡng bị cây lấy đi từ đất, sẽ dẫn đến đất bị bạc màu, suy kiệt nguồn tài nguyên đất. Giải pháp an toàn nhất theo các nhà khoa học cho vấn đề này là luân canh lúa và cây trồng khác.
Giá lúa bấp bênh, lợi nhuận thấp. Chi phí trồng lúa ngày một tăng thì mức giá như hiện nay chắc chắn không bảo đảm được 30% lợi nhuận cho nông dân. Mặc dù sản lượng lúa tăng qua từng năm nhưng giá trị lợi nhuận lại không tăng tương ứng, nông dân trồng lúa không giàu lên được. Chính vì thế, vài năm trở lại đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ồ ạt nổi lên hiện tượng bỏ lúa trồng khoai lang, rồi bỏ lúa trồng cam, trồng mít (tự phát) cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Trong khi đó hàng năm Việt Nam đã và đang nhập 3 - 4 triệu tấn ngô (giai đoạn 2010 - 2015), dùng làm thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
Xuất phát từ thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Quý Kha thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống và biện pháp kỹ thuật trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” với mục tiêu chọn tạo được giống ngô lai mới có năng suất cao và xác định được biện pháp kỹ thuật trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi, cho hiệu quả kinh tế cao tại vùng ĐBSCL.
Bằng các phương pháp chọn tạo giống theo truyền thống như tạo dòng thuần theo phương pháp Sib và tự phối, lai đỉnh, lai diallel, đánh giá dòng chịu phèn, chịu úng tại thực địa, lai tạo tổ hợp lai theo Ngô Hữu Tình và Nguyễn Đình Hiền (1996, 2015, 2019); Hướng dẫn khảo sát và so sánh tổ hợp lai theo hướng dẫn của QCVN 01- 55/2-11 của Bộ NN và PTNT và áp dụng hướng dẫn của Lê Quý Kha (2013). Áp dụng thí nghiệm 2 yếu tố, ô khuyết thiếu đạm, lân hay kali và trình diễn các mô hình theo kỹ thuật mới so với mô hình theo kỹ thuật đã công nhận. Qua 5 năm thực hiện đề tài, một số kết luận được rút ra như sau:
Ngô trên đất lúa chuyển đổi tại vùng ĐBSCL có thể phát triển tại các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, với năng suất lúa vụ Xuân Hè thấp hơn 5 tấn/ha, vụ Đông Xuân thấp hơn 8 tấn/ha. Năng suất và giá thành sản xuất cũng rất biến động theo tỉnh. Diện tích ngô mở rộng được với điều kiện có thể tiêu thụ được, nông dân có lời, giá thành sản xuất thấp hơn 4.300 đ/kg ở năng suất 8,5 tấn/ha. Giá thành sản xuất ngô ở ĐBSCL cao là do chi phí lao động chân tay chiếm 38 - 45% tổng giá thành sản xuất, chi phí cơ giới hóa rất thấp (7 - 8%). Tuy nhiên diện tích có thể trồng ngô ở ĐBSCL rất rải rác, không tập trung thành các cánh đồng lớn, vì vậy cơ giới hóa trong làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch rất cần các loại máy cơ giới phù hợp quy mô nông hộ nhỏ hoặc hình thành các dịch vụ cơ giới hóa. Hiện thời xu hướng giá ngô nhập khẩu về đến nhà máy thức ăn gia súc ở ĐBSCL rẻ hơn giá thành sản xuất ngô ở một số tỉnh là một trong các trở ngại đối với chủ trương mở rộng diện tích ngô ở ĐBSCL phục vụ thức ăn chăn nuôi. Tóm lại những yếu tố chính ảnh hưởng đến mở rộng diện tích ngô lai ở ĐBSCL là: tổ chức cơ giới hóa sản xuất và chế biến sau thu hoạch, giống nội địa với giá bán hạ hơn giá giống nhập khẩu và quy trình canh tác phù hợp tiết kiệm chi phí lao động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạ giá thành sản xuất.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Ngô trên đất lúa chuyển đổi tại vùng ĐBSCL có thể phát triển tại các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, với năng suất lúa vụ Xuân Hè thấp hơn 5 tấn/ha, vụ Đông Xuân Thấp hơn 8 tấn/ha. Diện tích ngô mở rộng được với điều kiện có thể tiêu thụ được, nông dân có lời, giá thành sản xuất thấp hơn 4.300 đ/kg ở năng suất 8,5 tấn/ha. Giá thành sản xuất ngô ở ĐBSCL cao là do chi phí lao động chân tay chiếm 38 - 45% tổng giá thành sản xuất, chi phí cơ giới hóa rất thấp (7 - 8%). Ngô ở ĐBSCL trồng rất rải rác, không tập trung thành các cánh đồng lớn, khó cơ giới hóa, rất cần các loại máy cơ giới phù hợp quy mô nông hộ nhỏ hoặc hình thành các dịch vụ cơ giới hóa. Những yếu tố chính ảnh hưởng đến mở rộng diện tích ngô lai ở ĐBSCL là: tổ chức cơ giới hóa sản xuất và chế biến sau thu hoạch, giống nội địa với giá bán hạ hơn giá giống nhập khẩu và quy trình canh tác phù hợp tiết kiệm chi phí lao động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạ giá thành sản xuất.
Tuyển chọn được 4 giống ngô lai. Hai giống của Viện Nghiên cứu Ngô là LCH9A và DTC6869; đạt năng suất từ 7 - 12 tấn/ha ở ĐBSCL. Giống DTC6869 được công nhận chính thức năm 2017; Hai triển vọng của Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam: MN585 (được công nhận chính thức năm 2019) và Max7379 (công nhận sản xuất thử năm 2018), năng suất đạt 6 -12 tấn/ha ĐBSCL: tùy vụ, tùy vùng đất. Năm (05) giống khác được kết luận nhưng các công ty không tiến hành công nhận giống.
Theo phương pháp truyền thống đã chọn được 4 dòng đời S8 có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, sạch bệnh, năng suất vượt 3,5 tấn/ha trong đó dòng CNC1-2-2-1-6-8 (THA328-5) là dòng bố và CNC3-2-2-2-6-3 (HC5) là dòng mẹ của giống lai ST889 (được công nhận sản xuất thử cho vùng ĐBSCL, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, theo quyết định 371/QĐ-TT-CLT ngày 20/11/2018, với tên công nhận LVN123.
Đã duy trì được 249 dòng thuần đời tự phối cao (S9 - S10), nhiều dòng có đặc điểm nông học, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, trong đó sáu dòng đã trực tiếp tham gia chọn tạo các giống lai công nhận cụ thể giống MN585 (Chính thức 2019) lai từ 2 dòng BC42 - B451, TQCU - IAS1 (Số 5097/QĐ-BNN-TT, ngày 31/12/2019), giống Max7379 được lai từ 2 dòng D1 và 30T60 (QĐ số 30/QĐ-TT-CLT, ngày 12/2/2018) và 18 giống MN2 (lai từ 2 dòng D67 và K09), công nhận sản xuất thử giống ngô sinh khối năm 2019.
Kết quả khảo sát tổ hơp lai mới, qua 5 năm từ 2014- 2018, đề tài đã tiến hành lai tạo và khảo sát tổng số 3.864 tổ hợp lai (THL), trong số các giống khảo sát đạt kết quả tốt, MN585 và NK67 x N3 và đã được công nhận giống với tên là MN585 và Max7379. Như vậy MN585 và Max7379 được phát hiện từ các thí nghiệm khảo sát, rồi so sánh và khảo nghiệm rộng để được công nhận giống.
Kết quả so sánh giống lặp THL MN585 (8,73 - 9,8 tấn/ha) và THL Max7379 (8,10 - 9,07 tấn/ha, đạt năng suất ổn định và trạng thái bắp đẹp.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17263/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)
Nguồn tin: www.vista.gov.vn
Ý kiến bạn đọc