Ngày 10/10/2021 kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Từ Giấy (1921-2009), một nhà khoa học hàng đầu về dinh dưỡng, một nhà giáo và một nhà báo lão thành. Ông là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được nhận giải thưởng “Nhà Dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á” (năm 1993), giải thưởng “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng” (năm 2008) và được Ủy ban Dinh dưỡng thuộc Liên hợp quốc vinh danh là một trong 20 “Huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”…
Báo “Vui Sống” và dấu ấn với ngành vệ sinh quân đội
GS Từ Giấy sinh năm 1921 tại làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, phủ Hà Đông (nay là Hà Nội) trong một gia đình nghèo. Trải qua một tuổi thơ đầy gian nan, vất vả nhưng vốn thông minh ham học, ông đã đỗ đầu cuộc thi luận Quốc văn toàn tỉnh Hà Đông khi mới 15 tuổi. Năm 1943, ông tốt nghiệp tú tài xuất sắc tại Trường Bưởi (Hà Nội) và cũng ngay năm đó thi đỗ vào trường đại học danh tiếng - Trường đại học Y - Dược Hà Nội. Ngày đó, chỉ tiêu trúng tuyển Trường Y - Dược chỉ có 200 người, hết năm thứ nhất sàng lọc chỉ còn 40 người, tức là sẽ có đến 160 người không đáp ứng được yêu cầu. Đến năm cuối thường chỉ không quá 10 người. Cách mạng Tháng 8 nổ ra, các trường tạm ngừng hoạt động, ông tham gia quân đội, thực hiện nhiệm vụ y sĩ phẫu thuật ở mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa.
Tháng 6/1946, ông được Quân đội giao nhiệm vụ xuất bản tờ báo Vui Sống để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh, phòng bệnh, ăn uống hợp lý cho quân và dân. Cùng với các báo Sự thật, Cứu Quốc, Vệ Quốc Đoàn, báo Vui Sống là một trong bốn tờ báo đầu tiên của nước Việt Nam mới và là tờ báo chuyên về sức khỏe ra đời sớm nhất ở nước ta. Trong giai đoạn 1946 - 1952, báo Vui Sống thật sự trở thành món ăn tinh thần của đồng bào và chiến sĩ, đã truyền bá các kiến thức sức khỏe, vệ sinh cho bộ đội và nhân dân.
Từ năm 1952, ông là Trưởng phòng Phòng bệnh của Cục Quân Y và phụ trách công tác vệ sinh phòng dịch tại mặt trận Điện Biên Phủ. Sau đó ông đi tu nghiệp tại Liên Xô. Từ năm 1961- 1966, ông làm Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh của Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Năm 1967 làm Cục phó Cục Quân nhu; tham gia xây dựng Viện nghiên cứu ăn mặc Quân đội và là Viện trưởng cho đến lúc ông chuyển ngành (năm 1980). Ông đã dành hết tâm sức của mình nghiên cứu vấn đề ăn mặc của quân dân ta. Những nghiên cứu, đề xuất của ông đã góp phần quan trọng vào xây dựng ngành vệ sinh quân đội, ngành quân nhu và ngành dinh dưỡng Việt Nam sau này. Ý tưởng cải thiện bữa ăn của người Việt Nam đã ấp ủ từ lâu, ông mang theo suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Những sáng kiến của ông đã đi vào cuộc sống, chiến đấu của bộ đội và còn lưu danh đến giờ, đó là: “Gạo 4 túi”, “Rau rừng”, “Trạm chế biến thực phẩm ở chiến trường”, “Lương khô N70, N71” mãi gắn liền với tên tuổi của ông.
Lời giải cho vấn đề suy dinh dưỡng
Tình trạng thiếu dinh dưỡng ở Việt Nam luôn là một vấn đề trong suốt nhiều thập kỷ chiến tranh nhưng đã trở nên trầm trọng hơn từ cuối những năm 1970, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em, khả năng lao động của người lớn và xa hơn là ảnh hưởng đến tương lai giống nòi và sự phát triển của đất nước.
Một trong 10 vấn đề nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước sau năm 1975 là Chương trình cải tiến bữa ăn do GS Từ Giấy làm chủ nhiệm đã lựa chọn khu gang thép Thái Nguyên với quy mô 16.000 công nhân và 30.000 người trong các gia đình tham gia để làm thí điểm với các nội dung: tăng gia sản xuất tạo thêm nguồn thực phẩm ở gia đình, ở nhà máy và công ty; xây dựng cơ sở chế biến thực phẩm; xây dựng nhà ăn cơ khí và các bếp ăn tiết kiệm chất đốt; giáo dục kiến thức dinh dưỡng. Sau ba năm triển khai chương trình từ 1977 đến tháng 5/1980, Đảng và Nhà nước đã nhận thấy tầm quan trọng của chất lượng bữa ăn trong các gia đình Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Viện Dinh dưỡng quốc gia ngày 13/6/1980, mở ra một trang hoàn toàn mới cho sự phát triển khoa học dinh dưỡng ở Việt Nam cơ bản hơn, bền vững hơn.
Nhận nhiệm vụ Viện trưởng khi đã 59 tuổi, GS Từ Giấy cùng các nhà khoa học tâm huyết xây dựng cơ sở, nền tảng cho một Viện Dinh dưỡng như ngày hôm nay. Ông là nhà khoa học tiêu biểu cho quá trình xây dựng và phát triển ngành dinh dưỡng Việt Nam và là người Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng quốc gia. Ông làm chủ nhiệm hai chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước là 64D và 64-02 để đưa ra các căn cứ khoa học và là cơ sở thuyết phục Chương trình lương thực thế giới (PAM) đồng ý viện trợ quốc tế can thiệp khẩn cấp cho trẻ em, bà mẹ ở Việt Nam với tổng giá trị hàng chục triệu USD, một con số rất lớn trong hoàn cảnh đất nước khó khăn thời bao cấp, bị bao vây cấm vận. Ðó là các dự án PAM 2651 và nhiều dự án khác cung cấp lương thực - thực phẩm cho các bà mẹ mang thai, các bà mẹ đang cho con bú và trẻ em suy dinh dưỡng. Đó thật sự là những nguồn lực to lớn, trực tiếp tác động tích cực tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em Việt Nam trong những giai đoạn đất nước khó khăn.
GS Từ Giấy là con người của hành động. Những nghiên cứu khoa học của ông rất thiết thực với con người. Ý tưởng đeo đuổi suốt cuộc đời ông là ứng dụng khoa học dinh dưỡng vào đời sống để giải quyết những vấn đề thực tế của Việt Nam. Ðề xuất và xây dựng hệ sinh thái Vườn - Ao - Chuồng (VAC) là một trong những đóng góp xuất sắc của ông cho khoa học dinh dưỡng, y tế công cộng cho đất nước trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thực phẩm hộ gia đình, cải thiện bữa ăn và phòng, chống suy dinh dưỡng. Hệ sinh thái VAC đã mang lại hiệu quả về kinh tế, làm sạch môi trường, về dinh dưỡng, sức khỏe và ổn định đời sống xã hội ở nông thôn. Sau gần bốn thập kỷ, mô hình VAC đã góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện; thâm canh; kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt; giữa nông - lâm - ngư nghiệp đến tận hộ gia đình trên toàn quốc. Mô hình VAC với vốn đầu tư thấp, giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Nhiều hộ đã từng bước giảm nghèo, có tích lũy và tiến tới làm giàu.
Khai mở ngành khoa học dinh dưỡng Việt Nam
GS Từ Giấy là một nhà hoạch định đường lối chiến lược dinh dưỡng. Ngày 16/9/1995 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia về dinh dưỡng, đây có thể coi là bản tuyên ngôn đầu tiên về đường lối dinh dưỡng ở Việt Nam. Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam được Bộ Y tế phê duyệt ngày 19/9/1996 và 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý được Viện Dinh dưỡng soạn thảo và được hội đồng khoa học thông qua là những văn bản cụ thể hóa đường lối dinh dưỡng của Việt Nam. Cho đến nay, đường lối chiến lược dinh dưỡng vẫn được duy trì, đổi mới phù hợp theo từng giai đoạn và triển khai rất hiệu quả như: Cải tiến chất lượng bữa ăn, giảm suy dinh dưỡng nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi; kiểm soát thừa cân béo phì và các bệnh liên quan đến dinh dưỡng; phòng, chống thiếu vi chất (vitamin A, I-ốt, sắt...).
Năm 1990, ông là chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Dinh dưỡng an toàn thực phẩm của Trường đại học Y Hà Nội, tham gia đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng và thực phẩm cho các bác sĩ; đào tạo sau đại học cho các bác sĩ và cán bộ các ngành có liên quan. Ông có công lớn trong đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng một đội ngũ chuyên ngành dinh dưỡng thực phẩm ngày càng lớn mạnh, được đánh giá cao ở trong và ngoài nước.
Đã có một thế hệ những người khi nhắc đến VAC, họ nhớ đến GS Từ Giấy trong vai trò của một nhà khoa học, một nhà hoạt động chính sách năng nổ. Henry Kamm, phóng viên nổi tiếng của tờ New York Times, người từng đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá đã lựa chọn Giáo sư - Anh hùng Lao động Từ Giấy là nhân vật mở đầu chương sách: “Những anh hùng trong thời chiến, người hùng trong thời bình” trong ấn phẩm nổi tiếng về Việt Nam sau cuộc chiến năm 1975.
Ghi nhận những cống hiến xuất sắc đó, GS Từ Giấy đã được Ðảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ, Huân chương Ðộc lập hạng nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Ông cũng được các nhà khoa học, bạn bè trong nước, nước ngoài quý trọng, đánh giá cao. Hơn nửa thế kỷ làm khoa học, GS Từ Giấy đã đóng góp hàng chục công trình nghiên cứu có giá trị. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp khoa học, chăm lo sức khỏe, dinh dưỡng và bữa ăn của người Việt Nam, GS Từ Giấy thật sự là một tấm gương mẫu mực về tinh thần ham học hỏi, tinh thần cống hiến không biết mệt mỏi vì sự nghiệp chung, một tấm gương cho lớp lớp học trò và con cháu noi theo.
Ý kiến bạn đọc