Du lịch cộng đồng đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch vùng miền Tây Nghệ An nói riêng còn mới mẻ. Nhưng với lợi thế văn hóa lâu đời, kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, độc đáo của cộng đồng các dân tộc cùng với vẻ đẹp nguyên sơ hùng vĩ của núi miền Tây Nghệ An, việc phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi bền vững cho du lịch Nghệ An.
Tuy nhiên, loại hình du lịch cộng đồng tại các huyện miền Tây Nghệ An thời gian qua, mới được tổ chức chủ yếu mang tính tự phát tại một số xã ở Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn, chưa được tổ chức định hướng một cách bài bản, khoa học và nhất là yếu tố môi trường chưa được chú ý, làm giảm đi sự hấp dẫn của loại hình du lịch khám phá.
Xuất phát từ những vấn đề lý luận và thực tiễn như trên, nhóm sinh viên chúng tôi: Phan Thị Hà, Nguyễn Nhật Hưng, Lê Thu Huyền - Lớp 56B1 Kinh tế đầu tư, Đại học Vinh đã tiến hành nghiên cứu đề tài: "Phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An, tỉnh Nghệ An". Công trình vinh dự được nhận Giải Ba giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018.
Đề tài tập trung nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng trong đó chủ thể là các hộ hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An. Nhóm tác giả đã phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng; Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền Tây Nghệ An. Đề tài được thực hiện trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An. Đã tập trung nghiên cứu ba công trình: Hạng Dương Thành (2014). Phát triển du lịch cộng đồng huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; Lô Văn Ốc (2015). Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc Thái trên địa bàn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Huy Hoàng và Cs (2014). Nghiên cứu nội dung và giải pháp xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn văn hoá, giảm nghèo và bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An.
Văn hoá truyền thống của dân tộc Thái trên địa bàn huyện Con Cuông
Các nghiên cứu trên được thực hiện tại các địa điểm khác nhau, trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển du lịch của địa phương, phân tích được các yếu tố ảnh hưởng và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Dù nghiên cứu từ góc độ nào thì cả ba công trình nghiên cứu trên đều hướng đến mục đích: Tìm ra giải pháp phát triển du lịch cộng đồng nhằm: Giải quyết an sinh xã hội mà trực tiếp là cộng đồng địa phương làm du lịch; tạo kế sinh nhai, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; bảo tồn văn hoá địa phương….Tuy nhiên, với nghiên cứu: "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc Thái trên địa bàn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An" và "Nghiên cứu nội dung và giải pháp xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn văn hoá, giảm nghèo và bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An" thì nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng nhằm góp phần bảo tồn văn hóa, giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Đây là một hướng nghiên cứu mới nhằm khai thác những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc để phát triển du lịch, góp phần giảm nghèo và giúp cho người dân địa phương gìn giữ và bảo vệ môi trường nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nghiên cứu: "Phát triển du lịch cộng đồng huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang" thì dựa trên các lợi thế điều kiện tự nhiên, văn hoá bản địa để phát triển du lịch cộng đồng.
Đề tài tìm hiểu thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An ở các khía cạnh: Quy hoạch phát triển du lịch, Phát triển các loại hình - dịch vụ du lịch, Phát triển hạ tầng cơ sở du lịch, Phát triển lao động hoạt động trong ngành du lịch, Liên kết các loại hình du lịch, Phát triển tour và khách du lịch. Đề tài cũng đánh giá sự tham gia của cộng đồng chính quyền địa phương trong phát triển du lịch cũng như vấn đề khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên du lịch. Qua đó, cho thấy:
- Về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn nghiên cứu: Về chất lượng giao thông tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An, đa số khách du lịch cho rằng chất lượng giao thông ở mức trung bình. 60% hộ làm du lịch được hỏi cũng cho ý kiến chất lượng giao thông ở mức trung bình. Về chất lượng hệ thống cấp thoát nước, 48,89% khách du lịch cộng đồng cho biết nước sinh hoạt ở mức tốt, 55% hộ làm du lịch cộng đồng cho rằng chất lượng nước ở mức tốt. Về hệ thống điện, tỷ lệ khách du lịch cộng đồng đánh giá tốt và trung bình gần bằng nhau (48,89% và 42,22%), còn 55% hộ làm du lịch cho rằng chất lượng điện ở mức trung bình.
- Về các dịch vụ cung cấp trong phát triển du lịch cộng đồng: 100% hộ làm du lịch cộng đồng cung cấp dịch vụ lưu trú, 75% - 82,5% hộ cung cấp dịch vụ ăn uống, 5% cung cấp dịch vụ biểu diễn. Đối với dịch vụ lưu trú, 41,67% du khách đánh giá chất lượng trung bình, 38,33% đánh giá chất lượng thấp. Đối với dịch vụ ăn uống, 33% du khách đánh giá chất lượng trung bình, 45% đánh giá chất lượng thấp. Dịch vụ biểu diễn có tới 46,67% khách đánh giá cao mặc dù có ít hộ cung cấp.
- Về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng: lao động có trình độ được đào tạo chuyên ngành du lịch có bằng cấp chỉ chiếm 10% số lao động trong ngành. Lao động trong lĩnh vực du lịch còn rất hạn chế và chỉ chiếm 1% tổng số lao động của huyện. Trình độ lao động trong nghành du lịch còn rất hạn chế, hầu hết lao động chưa được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ chuyên môn.
Phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An thời gian qua, mới được tổ chức chủ yếu mang tính tự phát tại một số xã ở các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An, chưa được tổ chức định hướng một cách bài bản, khoa học và nhất là yếu tố môi trường chưa được chú ý, làm giảm đi sự hấp dẫn của loại hình du lịch khám phá. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đã được đầu tư tương đối đồng bộ, nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở những xã phát triển du lịch trọng điểm. Những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, nơi có đời sống kinh tế, văn hoá xã hội còn thấp, thì hệ thống đường giao thông đi lại khó khăn. Sự liên kết giữa các thành phần để phát triển du lịch đã được phát huy và mang lại những tín hiệu tích cực cho phát triển du lịch cộng đồng.
Từ kết quả nghiên cứu, đã đề xuất phương hướng và những nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới: Nhóm giải pháp cho đối tượng tham gia là Nhà nước bao gồm: giải pháp về cơ chế chính sách, quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cộng đồng, thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và quảng bá thu hút thị trường, tăng cường huy động mọi nguồn lực tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng. Nhóm giải pháp cho đối tượng tham gia là cộng đồng bao gồm: nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch cộng đồng; kết hợp tài nguyên du lịch nhân văn với tài nguyên du lịch tự nhiên phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo mang thương hiệu du lịch Nghệ An; Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An.
Cũng thông qua đề tài, nhóm nghiên cứu đã đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An: Nghiên cứu và thể chế hoá việc triển khai phát triển du lịch cộng đồng trong bối cảnh, xu thế mới phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của tỉnh; Chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng với ngành du lịch phối hợp thực hiện chủ trương, chế độ chính sách khuyến khích các hoạt động XHH trong lĩnh vực du lịch. Mặt khác cần tích cực hóa triển khai hoạt động của mô hình ở địa bàn mình phụ trách trên cơ sở vận dụng những giải pháp mà nhóm nghiên cứu đã đề xuất một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương. Có những chỉ đạo cụ thể phù hợp với từng khu vực khác nhau của tỉnh, tăng cường quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ sở có tiền năng DLCĐ ở những vùng trọng điểm. Đề xuất Ngành văn hóa: Tăng cường tổ chức chương trình tập huấn cho các bộ xã bản kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền nhận thức, lợi ích về DLCĐ, vận động nhân dân địa phương tham gia vào các hoạt động DLCĐ của bản, đặc biệt là vấn đề môi trường tại cộng đồng dân cư điểm DL. Cần cụ thể hóa cơ chế cho địa phương trong việc phát triển DLCĐ đang mang tính tư phát, cơ chế về quản lý và sự phân chia quyền lợi về kinh tế thu nhận được từ du lịch của xã, bản. Các chi hội du lịch cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vân động nhân dân địa phương tham gia hoạt động du lịch theo hình thức xã hội hóa.
Thông qua việc nghiên cứu thực trạng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An, đề tài đã đề xuất phương hướng và những nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới. Giải pháp hướng vào giải quyết những vấn đề chủ yếu: Về cơ chế chính sách; Nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch; Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp phát triển du lịch cộng đồng; Phát triển nguồn nhân lực và quảng bá thu hút thị trường; Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch cộng đồng; Tăng cường huy động mọi nguồn lực, các lực lượng xã hội tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng.
Hy vọng những đề xuất, kiến nghị của đề tài được các bên có liên quan tham khảo, vận dụng để từ đó thúc đẩy sự phát triển hình thức du lịch cộng đồng tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân và bảo tồn, tôn tạo các di sản tự nhiên và văn hóa./.
Ý kiến bạn đọc