Việt Nam là một trong những quốc gia có thu nhập thấp với 72% dân số sống ở nông thôn. Hầu hết các dịch vụ nha khoa được đặt tại khu vực đô thị và chỉ có vài người dân nông thôn được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe răng miệng. Trong năm 2008, dân số ở miền Nam Việt Nam là khoảng 45 triệu trong khi có khoảng 850 bác sĩ răng hàm mặt hoạt động, 400 bác sĩ, và 800 y tá nha khoa trong hệ thống chăm sóc răng miệng của chính phủ. Tỷ lệ trung bình bác sĩ răng hàm mặt so với dân số nói chung trong khu vực này là 1/43,000, dao động từ 1/178,500 ở khu vực nông thôn đến 1/13,400 trong khu vực đô thị. Đáng chú ý, có 156 huyện (trong tổng số 363 huyện) không có bác sĩ răng hàm mặt. Kể từ cuộc điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc năm 2001, đã gần 20 năm đến nay chưa có một cuộc điều tra về sức khỏe răng miệng người cao tuổi nào được tiến hành trên quy mô toàn quốc, mà chỉ có những cuộc điều tra nhỏ lẻ tại các bệnh viện và địa phương không phản ánh được thực trạng bệnh răng miệng và nhu cầu điều trị ở người cao tuổi Việt Nam, không có sơ sở khoa học cho việc lập chính sách và kế hoạch nâng cao sức khoẻ răng miệng cho người cao tuổi.
Vì những lý do trên, từ năm 2015 đến năm 2017, nhóm nghiên cứu tại Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt thuộc Trường Đại học Y Hà Nội do PGS.TS. Trương Mạnh Dũng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thực trạng bệnh răng miệng ở người cao tuổi Việt Nam” với các mục tiêu: mô tả thực trạng bệnh răng miệng của người cao tuổi ở Việt Nam, năm 2015; phân tích một số đặc điểm cá nhân, gia đình và xã hội có liên quan đến thực trạng bệnh răng miệng ở đối tượng nghiên cứu; xác định nhu cầu điều trị bệnh răng miệng ở người cao tuổi; và đề xuất một số giải pháp dự phòng bệnh răng miệng ở người cao tuổi.
Nghiên cứu đã phân tích thực trạng bệnh răng miệng ở người cao tuổi Việt Nam gặp phải như bệnh sâu răng, bệnh quanh răng, tình trạng mất răng, tình trạng khớp thái dương hàm và tình trạng bệnh niêm mạc miệng. Từ đó, nghiên cứu lý giải một số yếu tố liên quan đến thực trạng bệnh răng miệng ở người cao tuổi và đánh giá nhu cầu điều trị bệnh răng miệng ở người cao tuổi. Cuối cùng, đề tài đưa ra các giải pháp, chính sách dự phòng bệnh răng miệng cho người cao tuổi:
- Về hệ thống tổ chức chuyên ngành khám chữa răng hàm mặt tại địa phương và cơ sở: cần tăng cường vai trò của y tế cơ sở, gia đình, cộng đồng, câu lạc bộ, hội người cao tuổi trong dự phòng và nâng cao sức khoẻ răng miệng cho người cao tuổi; lồng ghép các hoạt động giáo dục và chăm sóc răng miệng người cao tuổi với các hoạt động chăm sóc sức khoẻ toàn thân.
- Về chế độ chính sách khám chữa, phòng bệnh răng miệng cho người cao tuổi: cần có chế độ chính sách khám chữa, phòng bệnh răng miệng cho người cao tuổi; cần có chính sách tài chính cho việc chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi: khám định kỳ, kiểm soát mảng bám, phục hình răng.
- Về những điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện chăm sóc bệnh răng miệng tốt hơn cho người cao tuổi: cần phải có quỹ đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và cần đào tạo nhân lực nha cộng đồng và chuyên khoa răng người cao tuổi; những loại dịch vụ khám chữa bệnh răng miệng cho người cao tuổi như chữa răng, nhổ răng, làm răng giả cần thực hiện được ở tuyến y tế cơ sở.
- Về giá cả dịch vụ: cần có chế độ hỗ trợ giá dịch vụ chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi.
- Về các hoạt động phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ răng miệng người cao tuổi: cần tổ chức truyền thông phổ biến kiến thức dự phòng và nâng cao sức khỏe răng miệng cho người cao tuổi; cần tổ chức khám định kỳ, quản lý, tư vấn, điều trị sớm bệnh răng miệng cho người cao tuổi.
- Các chính sách, hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khoẻ răng miệng cho người cao tuổi cần đảm bảo tính thường xuyên, liên tục và lâu dài
Kết quả nghiên cứu sẽ được Bộ Y tế, ngành răng hàm mặt cũng như Sở y tế các tỉnh sử dụng trong công tác lập chính sách cũng như lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe răng miệng người cao tuổi.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16735/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)
Ý kiến bạn đọc