Trẻ em là đối tượng tiêu thụ nhiều đường nhất. Tuy nhiên, ít người biết việc tiêu thụ nhiều đường trong thời thơ ấu ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của não, đặc biệt là của hồi hải mã - khu vực được cho là cực kỳ quan trọng đối với học tập và trí nhớ.
Nghiên cứu mới chỉ ra: chuột con tiêu thụ đồ uống có đường hằng ngày bị giảm khả năng ghi nhớ khi trưởng thành. Nhóm cũng phát hiện, những thay đổi với một loại vi khuẩn, Parabacteroides, trong ruột có thể là nguyên nhân chính dẫn đến chứng suy giảm trí nhớ do đường gây ra. Và sự suy giảm trí nhớ tương tự được quan sát thấy ngay cả khi vi khuẩn Parabacteroides được đưa vào ruột của những động vật chưa bao giờ ăn đường.
Theo Emily Noble, trợ lý giáo sư tại Đại học Khoa học Gia đình và tiêu dùng UGA, đồng tác giả nghiên cứu, "Đường trong giai đoạn đầu đời làm tăng mức độ Parabacteroides và mức độ Parabacteroides càng cao, động vật càng thực hiện nhiệm vụ trí nhớ trong thử nghiệm một cách tệ hơn".
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ, một ấn phẩm chung của Bộ Nông nghiệp và Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, khuyến nghị hạn chế đường ở mức dưới 10% tổng calo mỗi ngày. Nhưng thực tế, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho thấy người Mỹ trong độ tuổi từ 9-18 thường ăn vượt quá mức khuyến nghị đó, phần lớn lượng calo từ đường đến từ đồ uống.
Vì vùng hồi hải mã có vai trò quan trọng trong nhiều chức năng nhận thức và khu vực này phát triển đến cuối tuổi vị thành niên, nhóm Noble đã thực hiện thử nghiệm trên chuột để tìm hiểu thêm về tính dễ bị tổn thương của vùng hồi hải mã do chế độ ăn nhiều đường.
Những con chuột chưa trưởng thành được cho ăn thức ăn bình thường và dung dịch đường 11%, mức đường tương đương với đồ uống có đường bán sẵn trên thị trường.
Sau đó, các nhà nghiên cứu cho chuột thực hiện một nhiệm vụ trí nhớ, phụ thuộc vào hồi hải mã, được thiết kế để đo trí nhớ về một bối cảnh đã từng gặp từ trước. "Chúng tôi phát hiện, những con chuột ăn đường trong giai đoạn đầu đời bị suy giảm khả năng phân biệt đâu là vật mới lạ trong một bối cảnh cụ thể, một nhiệm vụ mà những con chuột không được cho ăn đường có thể làm được," Noble nói.
Nhiệm vụ trí nhớ thứ hai đo bộ nhớ nhận dạng cơ bản, một chức năng bộ nhớ không phụ thuộc vào hồi hải mã, liên quan đến khả năng nhận biết vật mà chuột đã từng thấy trước đây. Trong nhiệm vụ này, đường không ảnh hưởng đến trí nhớ nhận biết của động vật.
"Việc tiêu thụ đường trong giai đoạn đầu đời dường như làm giảm khả năng học tập và trí nhớ của vùng hồi hải mã", Noble nói. Các phân tích bổ sung xác định rằng tiêu thụ nhiều đường dẫn đến mức độ cao của vi khuẩn Parabacteroides trong hệ vi sinh vật đường ruột.
Để khẳng định rằng vi khuẩn này ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng học tập, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tăng mức độ Parabacteroides trong hệ vi sinh vật của những con chuột chưa bao giờ ăn đường. Những con vật đó cũng bị giảm khả năng hoàn thành cả nhiệm vụ ghi nhớ phụ thuộc vào hồi hải mã và không phụ thuộc vào hồi hải mã.
"Vi khuẩn này gây ra một số hạn chế về khả năng nhận thức", Noble nói, cho biết trong tương lai cần có thêm các nghiên cứu để xác định rõ hơn cơ chế đằng sau tín hiệu não-ruột này. "Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những quần thể vi khuẩn trong ruột đã thay đổi sự phát triển của não? Nếu xác định được cơ chế, chúng ta sẽ biết não cần điều kiện như thế nào để phát triển một cách khỏe mạnh".
Bài báo của nhóm Noble được đăng trên tạp chí Translational Psychiatry.
Nguồn:
https://www.sciencedaily.com/releases/2021/03/210331130910.htmhttps://www.nature.com/articles/s41398-021-01309-7Hoàng Nam tổng hợp