Dưới bóng Covid-19: Nhà có còn là nơi an toàn?

Thứ ba - 23/02/2021 20:00 0

Dù không gây quá nhiều ảnh hưởng đến kinh tế ở Việt Nam nhưng cái bóng đại dịch Covid vẫn tạo ra những khoảng tối mà chúng ta có thể vô tình bỏ qua. Trong khoảng tối đó, những người yếu thế từng bị bạo hành gia đình từ trước Covid lại càng phải chịu đựng thêm sự ngược đãi.

 

Hình minh họa: Freepik.

Dịch bệnh làm tăng bạo lực

 

 

Virus corona khiến cả xã hội phải đối diện, hoặc là với những cái chết không ngừng gia tăng hoặc tạm ngừng các tương tác bên ngoài và hướng về gia đình nhiều hơn. Những tưởng trong cơn sóng gió thì các gia đình càng phải yêu thương, đùm bọc và sẻ chia, nhưng nghiên cứu mới ở trên thế giới đều cho thấy điều ngược lại. Khi đại dịch tràn tới, trước áp lực kinh tế và căng thẳng tinh thần vì bệnh dịch, cách ly xã hội thì những bạo lực, mâu thuẫn trong gia đình càng có cơ hội để tiếp tục bộc lộ, trở nên căng thẳng hơn nhiều. Ngay cả ở các nước nơi phong trào nữ quyền đã đạt được nhiều kết quả đáng kể như châu Âu, các cơ quan bảo vệ phụ nữ còn phải báo động vì số cuộc gọi “cầu cứu” qua đường dây nóng tăng vọt; chỉ trong tuần đầu tiên cách ly xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Barshe Castanerđã phải thông báo “số trường hợp bạo lực gia đình trên khắp nước Pháp đã tăng hơn 30%”, trong đó riêng thủ đô Paris là 36%.

Còn ở Việt Nam thì sao? Dù có dễ thở hơn các nước khác, nhưng có những dấu hiệu cho thấy những áp lực kinh tế, căng thẳng xã hội do Covid, đặc biệt là trong thời kỳ cách ly xã hội, đang phủ bóng đen lên nhiều ngôi nhà. Báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong cho thấy, lệnh giãn cách xã hội đầu năm làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp tạm thời, và làm giảm chất lượng công việc (ví dụ, làm giảm số việc có bảo hiểm xã hội), làm giảm số giờ làm và thu nhập của người làm công. Liệu đại dịch, làm ảnh hưởng lên tới hơn ba chục triệu người từ 15 tuổi, lâm vào cảnh mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, thì có làm gia tăng bạo lực gia đình với phụ nữ?

Bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân, nhưng trong giai đoạn Covid yếu tố kinh tế tác động rõ rệt đến các hộ gia đình được khảo sát. Thu nhập càng giảm hoặc mất thu nhập thì bạo lực và tình trạng kiểm soát phụ nữ, bạo lực thể xác, tinh thần càng tăng lên.

Có kinh nghiệm nghiên cứu gia đình và các giới yếu thế từ nhiều năm nay nên TS. Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) lo ngại và hình dung trước về điều đó ngay từ những ngày đầu đại dịch xuất hiện ở Việt Nam. Những chỉ dấu đầu tiên mà bà và các cộng sự thấy được là trong tháng tư, thời điểm cách ly toàn xã hội do Covid, Ngôi nhà bình yên - nơi trú ngụ của những chị em chịu bạo hành gia đình của Liên hiệp hội Phụ nữ đã nhận được 344 cuộc gọi từ những người phụ nữ muốn được tư vấn hoặc trốn chạy khỏi gia đình mình, tăng gấp bảy lần so với mức thường kỳ của năm 2019. “Vì thế rất cần đo lường, để biết rằng Covid làm gia tăng thêm sức ép lên các gia đình, làm tăng tỉ lệ bạo lực ra sao”, TS Khuất Thu Hồng cho biết.

Do đó, ISDS phối hợp với Đại học Y tế công cộng thực hiện nghiên cứu “Tác động của Covid-19 tới bạo lực gia đình với phụ nữ tại Hà Nội” với nguồn tài trợ của Rosa Luxemburg Stiftung Văn phòng Đông Nam Á tại Hà Nội, làm căn cứ cho những khuyến nghị để các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý kịp thời hỗ trợ cho phụ nữ ứng phó trong những đợt dịch Covid tiếp theo và để dự trù cho những những bối cảnh căng thẳng do đại dịch khác, những cú sốc tương tự có thể làm gia tăng sức ép lên các gia đình.

Nhưng bà cũng cho biết sẽ “không dễ đo lường tác động của đại dịch đến bạo lực gia đình ở Việt Nam nói chung” bởi vì Việt Nam không có những giai đoạn cách ly căng thẳng nhiều ngày, nhiều tuần như ở các nước khác mà chỉ có một đợt cách ly xã hội toàn quốc và những đợt giãn cách xã hội trong thời gian không quá dài, mang tính cục bộ ở một số địa phương xuất hiện các ca nhiễm virus trong cộng đồng. Áp lực kinh tế cũng không đến mức căng thẳng như các nước, vì kinh tế Việt Nam vẫn còn "nhúc nhắc" tăng trưởng được.

Vì vậy, ngay trong những tuần cách ly Covid, TS Khuất Thu Hồng và cộng sự khẩn trương thiết kế một nghiên cứu chỉ chọn riêng những người phụ nữ đã từng chịu bạo hành gia đình ra sao trong bối cảnh đại dịch Covid để đánh giá cơn cuồng phong này đang gây thêm những mối đe dọa nào với họ. Nhóm lựa chọn Hà Nội làm nơi khảo sát vì đây là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả do các đợt giãn cách, cách ly xã hội. Kết quả cuộc khảo sát 303 phụ nữ ở độ tuổi 18-60, từng là nạn nhân của bạo lực gia đình trước đây đã cho thấy những điều đáng phải suy nghĩ - “nhà không phải là nơi an toàn nhất” vì có tới 81% người trả lời cho biết bị chồng/ bạn đời kiểm soát hành vi, 88% bị bạo hành tinh thần, 59% bị bạo hành thể xác và 25% bị bạo hành về tình dục. Hơn một nửa số phụ nữ tham gia nghiên cứu này cho biết họ bị tát hoặc ném đồ vật vào người, 1/3 số người bị đánh bằng tay hoặc bằng vật dụng hoặc đẩy đồ vật vào người trong thời kỳ dịch bùng phát. Hậu quả là hơn 80% phụ nữ bị bạo lực gia đình dẫn tới thương tích và khoảng 1/3 cần được chăm sóc y tế.

 

Để giảm bạo lực gia đình, cần thay đổi nhận thức ở cả nam giới chứ không nên chỉ tập trung vào nhóm nữ như các chương trình tuyên truyền thực hiện từ nhiều năm nay. Trong ảnh: Tuyên truyền pháp luật về giới cho nam giới tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Ảnh: Quangninh.gov.vn

Bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân, nhưng trong giai đoạn Covid yếu tố kinh tế tác động rõ rệt đến các hộ gia đình được khảo sát. “Bạo lực gia đình liên quan đến thu nhập của các gia đình. Áp lực do mất việc làm, mất thu nhập khiến không khí trong gia đình rất căng thẳng - 100% các gia đình không có thu nhập đều xảy ra bạo lực. Thu nhập càng giảm hoặc mất thu nhập thì bạo lực và tình trạng kiểm soát phụ nữ, bạo lực thể xác, tinh thần càng tăng lên”, TS Khuất Thu Hồng lý giải nguyên nhân. Kết quả khảo sát này cho thấy tỉ lệ bị giảm thu nhập, mất hẳn thu nhập do Covid ở những phụ nữ tham gia khảo sát là rất cao - 78,5% phụ nữ không có thu nhập, 72% các hộ gia đình không có thu nhập trong khi cả vợ cả chồng ở nhà do cách ly phòng dịch.

 

Ngoài vấn đề kinh tế, căng thẳng tinh thần do phải rơi vào hoàn cảnh cách ly cũng là điều đáng chú ý. Diễn đàn Kinh tế thế giới từng cảnh báo1, vấn đề tâm lý mới là cái giá lớn nhất của cách ly, giãn cách xã hội, vì càng ở nhà nhiều, mọi người càng có khả năng sẽ mắc phải một loạt các triệu chứng căng thẳng và rối loạn tâm lý như tâm trạng không tốt, mất ngủ, căng thẳng, lo âu, tức giận, cáu kỉnh, kiệt quệ tinh thần, trầm cảm và triệu chứng rối loạn căng thẳng.

Cần có cơ chế phản ứng nhanh, các kênh, dịch vụ hỗ trợ kịp thời trong những tình huống bất lợi như đại dịch; ưu tiên lồng thép vấn đề bạo lực gia đình vào các chương trình phòng ngừa, ứng phó và giảm thiểu rủi ro liên quan đến Covid-19.

Đây là những con số đáng báo động, để các cơ quan quản lý phải đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng do Covid. Và không chỉ dừng lại ở Covid, kết quả nghiên cứu này như một hồi chuông cảnh báo những bối cảnh này có thể lan rộng ra nếu trong tương lai có những cú sốc khác về kinh tế, bệnh tật, thảm họa thiên nhiên… đều có thể đẩy những gia đình có dấu hiệu bạo lực từ trước đó vào chỗ bần cùng và chìm trong bạo lực nặng nề hơn.

Đây không phải là những dự báo quá bi quan cho các gia đình Việt Nam. Bởi vì, từ trước khi đại dịch xảy ra thì bạo lực gia đình đã phủ bóng lên không ít gia đình Việt Nam, khi mà gần 1/3 phụ nữ trả lời đã bị ít nhất một loại bạo lực do chồng/ bạn đời gây ra, từ bạo hành về thể xác như đánh đấm cho đến đay nghiến về tinh thần, trong vòng 12 tháng qua, theo cuộc điều tra quốc gia về Bạo lực năm 2019 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA). Và thực tế, không chỉ có phụ nữ Việt Nam chịu thiệt thòi, nhìn rộng ra trên thế giới lâu nay “tổ ấm” lại chính là một nơi nguy hiểm nhất với phụ nữ. Các thống kê trên thế giới hiện nay đều cho thấy, phụ nữ bị đánh đập, thậm chí bị giết, chủ yếu do chồng/ bạn đời gây ra (cho đến giờ điều đáng kinh sợ là 38% các vụ giết phụ nữ trên thế giới này là do chính bạn tình/bạn đời gây ra)2.

 

Xấu chàng hổ ai

 

Nhiều người bộc bạch với nhóm nghiên cứu “chồng cứ bảo là ‘con chó kia mày về đây bố mày đấm chết’”, “nó thấy mình ở nhà không đi làm nó lại chửi, cứ chửi là ‘Mày chết mày không làm ăn gì"… nhưng, khi không thể tự mình giải quyết tình trạng bạo lực thì những người phụ nữ tội nghiệp này có thể nhờ người khác giúp đỡ không? Một nửa số phụ nữ bị bạo hành tìm đến anh em trong gia đình, bạn bè để hỗ trợ, và hãn hữu lắm (khoảng 5% hoặc ít hơn) mới báo cho các cơ quan đoàn thể như đại diện lãnh đạo địa phương, hội phụ nữ nhưng thực ra không có một giải pháp nào triệt để, bạo hành chỉ vơi đi một vài hôm rồi lại vẫn y nguyên. Chưa kể, trong Covid, do điều kiện cách ly nên muốn cầu cứu sự trợ giúp bên ngoài cũng không dễ dàng gì (17% nạn nhân bạo hành cho biết khó khăn khi cầu cứu bên ngoài, và 2% cho biết rất khó tìm người giúp đỡ trong thời gian này).

Thông thường, dù không có dịch Covid thì những người phụ nữ Việt Nam vẫn thường âm thầm chịu đựng trong câm lặng vì không thể “vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng thì hổ ai”. Khảo sát quốc gia vào năm ngoái của UNFPAcũng cho thấy một nửa phụ nữ từng bị bạo hành do chồng/bạn đời gây ra chưa bao giờ hé răng kể cho bất cứ ai về việc này cho đến khi họ được phỏng vấn trong cuộc điều tra này, và hầu hết họ (90,4%) không tìm đến hỗ trợ của các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ yếu thế của nhà nước hoặc bất kỳ cơ quan chính quyền nào, số còn lại chỉ tìm đến sự hỗ trợ bên ngoài khi “không thể chịu đựng được nữa”.

Nếu những phụ nữ này còn lâm vào điều kiện khó khăn hơn do đại dịch kéo dài và căng thẳng hơn thì sao? Đây chính là điều mà TS Khuất Thu Hồng lo ngại, “chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác trong tương lai, do dịch bệnh, do thiên tai gây ra, chúng tôi sợ là trong những gia đình chịu tác động thì bạo lực vẫn đang âm thầm len lỏi. Vậy làm thế nào để phụ nữ và trẻ em, để thế giới của chúng ta được bình an và hạnh phúc?”. Từ những phát hiện này nhóm nghiên cứu đề xuất khuyến nghị, cần có cơ chế phản ứng nhanh, các kênh, dịch vụ hỗ trợ kịp thời trong những tình huống bất lợi như đại dịch; ưu tiên lồng thép vấn đề bạo lực gia đình vào các chương trình phòng ngừa, ứng phó và giảm thiểu rủi ro liên quan đến Covid-19.

***

Nhưng những cứu trợ khẩn cấp như "đường dây nóng" trú ngụ tại Ngôi nhà bình yên cũng chỉ là “phần ngọn”. Và trong thời gian đại dịch, dịch vụ thiết yếu này cũng chịu áp lực vì chính cán bộ nhân viên ở Nhà bình yên cũng phải ở lại khu nhà 100% thời gian, cũng không được ra ngoài, cũng gặp quá tải và các vấn đề về tâm lý. Nên khuyến nghị cuối cùng vẫn là nâng cao nhận thức của cả cộng đồng nói chung về bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực trong thời gian đại dịch.

Trong đó, có lẽ các chương trình truyền thông sẽ cần phải nhắm vào nam giới nhiều hơn. Bởi vì chính nam giới, người gây ra bạo lực cho phụ nữ, vẫn giữ nhiều đặc điểm gia trưởng và đòi hỏi phụ nữ phải tuân lệnh - nếu không sẽ dẫn tới xung đột trong gia đình. Nghiên cứu về Nam giới và Nam tính của ISDS mới công bố trong tháng 10 vừa qua cho thấy có những điều hầu như không suy suyển sau hàng thập kỷ, khi mà đa số nam giới (81%) cho rằng “nam giới nên đưa ra quyết định cuối cùng trong tất cả các vấn đề của gia đình” và có đến 78% cho biết “vai trò quan trọng nhất của phụ nữ là chăm sóc nhà cửa và nấu ăn cho gia đình mình”. Thậm chí, gần hai phần ba nam giới (62%) được hỏi tán thành mệnh đề “một khi phụ nữ đã kết hôn sẽ thuộc về gia đình nhà chồng” (tương tự tình trạng mà một nghiên cứu từ cách đây gần một thập kỷ của UNFPA3 chỉ ra). Nam giới có thể thay đổi vì một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ ngay trong chính gia đình của mình không? Đây mới thực sự là điều chúng ta cần truyền thông và chờ đợi họ thay đổi. □

-----

1 https://www.weforum.org/agenda/2020/04/this-is-the-psychological-side-of-the-covid-19-pandemic-that-were-ignoring?

2 WHO, Violence against women, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/violence-against-women

3 Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), Nghiên cứu về giới, nam tính và sự ưa thích con trai ở Nepal và Việt Nam, 2012.

 

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây