Xác một con tàu hơi nước của Đức bị đánh chìm vào cuối Thế chiến thứ hai đã được phát hiện và nghi ngờ có chứa những đồ trang trí quý giá trong Căn phòng Hổ phách đã mất tích từ thế kỷ 18. Những món đồ được cho là chiến lợi phẩm mà nhóm lính Đức cướp phá được từ cung điện hoàng gia Nga.
Con tàu hơi nước mang tên SS Karlsruhe, dài 60 mét, đã từng góp mặt trong cuộc rút quân lớn của Đức ở Đông Phổ vào tháng 4/1945. Sự kiện này còn được gọi là Chiến dịch Hannibal, diễn ra khi Hồng quân Liên Xô tiến về phía tây.
Vào ngày 12/4, tàu Karlsruhe là con tàu cuối cùng của Đức rời Königsberg - nay là Kaliningrad thuộc Nga. Một ngày sau khi còn tàu hướng về phía tây, nó đã bị máy bay chiến đấu của Liên Xô đánh chìm.
Từ lâu, một số nhà sử học đã nghi ngờ rằng các thùng hàng được chất lên con tàu hẳn phải chứa những đồ vật còn sót lại trong Căn phòng Hổ phách - một căn phòng được trang trí lộng lẫy trong cung điện Nga bị quân Đức cướp phá và mất dấu trong Thế chiến thứ hai. Và con tàu Karlsruhe là lựa chọn cuối cùng của người Đức nếu họ muốn mang đi thứ gì đó quý giá từ Königsberg.
Căn phòng Hổ phách
Căn phòng Hổ phách, đúng như tên gọi, chứa đầy những viên hổ phách được chế tác thủ công. Công trình được bắt đầu xây dựng vào năm 1701, khi một nhà điêu khắc người Đức theo phong cách baroque và một thợ chế tác hổ phách người Đan Mạch thiết kế nó cho Cung điện Charlottenburg, nơi ở của Vua Friedrich I, vị vua đầu tiên của nước Phổ.
Căn phòng đã khiến nhiều người ngưỡng mộ, bao gồm cả Peter Đại đế của Nga. Trong một chuyến thăm Berlin vào năm 1716, Vua Phổ là Frederick William đã tặng Peter Đại đế những tấm ván làm quà. Và trong hơn mười năm sau đó, người Nga đã thêm vào đó đủ hổ phách, vàng lá, đá quý và gương để trang hoàng toàn bộ căn phòng.
Khi được hoàn thiện và lắp đặt trong Cung điện Catherine ở Tsarskoe Selo ("Làng của Sa hoàng") ở ngoại ô St.Petersburg, căn phòng chứa hơn 6 tấn hổ phách, cũng như các tác phẩm nghệ thuật và các đồ vật quý giá khác. Theo thống kê của United Press International (UPI), những kho báu này trị giá tới 500 triệu USD theo tỷ giá ngày nay.
Thế nhưng, năm 1941, lính Đức xâm lược đã biến Căn phòng Hổ phách thành chiến lợi phẩm. Dù người Liên Xô đã cố gắng che các tấm hổ phách bằng giấy dán tường, nhưng lính Đức vẫn phát hiện, tháo dỡ và vận chuyển bức tường thành từng mảnh đến Königsberg, nơi nó được lắp ráp lại để trưng bày trong lâu đài của thị trấn.
Sau khi quân Đức rút khỏi Königsberg vào năm 1945, các kho báu của Căn phòng Hổ phách đã không còn được nhìn thấy nữa. Một số người nghi ngờ rằng chúng đã được bí mật vận chuyển sâu hơn vào Đức, có thể là trên tàu hơi nước Karlsruhe.
Một số điều tra viên cho rằng Căn phòng Hổ phách được đóng gói trong những chiếc thùng đã bị phá hủy khi binh lính Liên Xô thiêu rụi một phần lâu đài.
Các thùng chứa trên tàu có thể đang ẩn giấu những đồ trang trí trong Phòng Hổ phách.Ảnh: © Baltictech/Tomasz Stachura.
Vụ đắm tàu
Xác con tàu được nhà thám hiểm Tomasz Stachura tìm thấy ở phía bắc thị trấn ven biển Ustka (Ba Lan), ở độ sâu 88 mét, sau hơn một năm tìm kiếm dưới đáy biển Baltic.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị dò tàu ngầm sonar để xác định vị trí 22 điểm đắm tàu phù hợp với kích thước của con tàu và lặn đến những điểm đó. Vào ngày 24/9/2020, họ đã xác định được tàu Karlsruhe nhờ mũi tàu đặc biệt của nó.
Con tàu đã rời Königsberg vào tối 12/4 với hơn 1.000 người tị nạn và 360 tấn hàng hóa trên tàu; nhưng nó đã bị trúng ngư lôi của máy bay chiến đấu Liên Xô thả vào sáng 13/4 và chỉ có 113 người sống sót.
Xác tàu còn tương đối nguyên vẹn và các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các phương tiện quân sự và một số thùng trên tàu. Tuy nhiên, các thợ lặn không thể biết liệu có bất kỳ thùng nào chứa tàn dư của Căn phòng Hổ phách hay không. Do việc lặn ở sâu 88 m là rất khó, nhóm thợ lặn chỉ tập trung vào kiểm kê, quay và chụp lại hình ảnh. Và việc kiểm tra hàng hoá bên trong những chiếc thùng chứa trên tàu cũng cần sự thảo luận với Văn phòng Hàng hải ở Gdynia, Ba Lan - nơi đưa ra quyết định cuối cùng về con tàu.
Nguồn: https://www.livescience.com/amber-room-nazi-wreck-poland.html
Phạm Nhật theo livescience