Ra đời trong thời của Nữ hoàng Elizabeth I, công ty Đông Ấn đã nhanh chóng khai thác giao thương quốc tế và trở thành tập đoàn lớn mạnh nhất toàn cầu những thế kỷ trước.
Trước khi có những gã khổng lồ công nghệ như Apple hay Amazon, công ty Đông Ấn của Anh là một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất trong lịch sử. Công ty được thành lập vào 31/12/1600 và hoạt động với tư cách là một tổ chức bán thương mại và thu được lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động thương mại nước ngoài với Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư và Indonesia kéo dài hơn hai thế kỷ.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Đông Ấn là tập đoàn thương mại lớn nhất thế giới, thậm chí còn có quy mô lớn hơn một vài đất nước. Về bản chất, công ty cũng cai trị một phần lớn lãnh thổ Ấn Độ - một trong những nền kinh tế năng suất nhất thế giới thời bấy giờ.
Có thời điểm, Đông Ấn nắm trong tay một đội quân riêng gồm 260.000 binh sĩ, gấp đôi quân số thường trực của Anh. Lực lượng áp đảo này đủ để xua đuổi các thế lực cạnh tranh, chinh phục lãnh thổ và khiến các nhà cầm quyền Ấn Độ phải ký hợp đồng giao quyền thu thuế béo bở cho công ty.
Có thể nói, công ty Đông Ấn đã đóng vai trò quyết định với chế độ cai trị của thực dân Anh ở Ấn Độ trong thế kỉ 19 và 20. Và sự thành công rực rỡ của tập đoàn đa quốc gia đầu tiên trên thế giới cũng đã góp phần định hình nền kinh tế toàn cầu hiện đại, theo cả hai chiều hướng.
Hình thành dưới thời Nữ hoàng Elizabeth I
Vào những ngày cuối cùng của năm 1600, Nữ hoàng Elizabeth I đã ban sắc lệnh cho một nhóm thương nhân Anh quyền thương mại độc quyền với Đông Ấn – dải thuộc địa rộng lớn kéo dài từ Mũi Hảo Vọng ở châu Phi đến mũi Horn ở Nam Mỹ. Công ty Đông Ấn Anh quốc mới hình thành đã độc quyền tới mức không cho tất cả người Anh giao thương tại vùng lãnh thổ trên, nhưng lại đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, vốn đã sở hữu cơ sở giao thương ở Ấn Độ, và công ty Đông Ấn của Hà Lan thành lập năm 1602.
Cũng như các nước Tây Âu khác, nước Anh đặc biệt thích các mặt hàng đặc sắc từ phương Đông như gia vị, hàng dệt may và đồ trang sức. Tuy nhiên, những chuyến đi biển đến Đông Ấn luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, chẳng hạn như đụng độ vũ trang với các đoàn thương nhân cạnh tranh, hoặc bệnh dịch. Tỉ lệ sống sót ở xứ lạ của nhân viên công ty Đông Ấn cũng thấp một cách đáng kinh ngạc, chỉ 30%. Tuy nhiên, vị thế độc quyền do Hoàng gia cấp vẫn đảm bảo các thương gia London không bị cạnh tranh trong nước và đảm bảo tỉ lệ hoàn vốn cho ngân sách Hoàng tộc.
Sự ra đời và vận hành của Công ty Đông Ấn cũng đã tạo được ảnh hưởng tới nhiều mô hình công ty hiện đại. Nó là công ty cổ phần lớn nhất và tồn tại lâu nhất vào thời bấy giờ nhờ huy động vốn bằng cách bán cổ phiếu cho công chúng. Bên cạnh chủ tịch, quyền kiểm soát công ty còn nằm trong tay một “ban điều hành”, hay “hội đồng quản trị”.
Thúc đẩy văn hoá tiêu dùng
Trước khi có công ty Đông Ấn, phần lớn trang phục ở Anh được dệt từ len và chủ yếu đảm bảo độ bền chứ không hướng tới thời trang. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi hàng dệt bông giá rẻ, thêu dệt bắt mắt từ Ấn Độ tràn ngập thị trường Anh. Cứ mỗi mẫu vải mới ra mắt lại gây “náo loạn” đường phố London.
Trước đó, khái niệm “đúng phong cách” chưa hề tồn tại. Nhiều nhà sử học cho rằng đây chính là khởi nguồn của văn hoá tiêu dùng tại Anh.
Thương mại và chính trị
Khi đặt chân tới Ấn Độ, thương nhân người Anh và các nước châu Âu đều phải dành sự đãi ngộ cho các nhà cầm quyền và nhà vua sở tại, bao gồm cả Đế chế Mughul hùng mạnh kéo dài khắp Ấn Độ. Dù về bản chất là một liên doanh tư nhân, nhưng điều lệ hoàng gia và những nhân viên vô cùng thiện chiến đã khiến Công ty Đông Ấn có sức nặng chính trị. Các nhà cai trị Ấn Độ thậm chí còn mời các giám đốc địa phương của Công ty tới cung điện, nhận hối lộ và mượn lực lượng của Công ty trong các cuộc nội chiến địa phương hoặc chống lại các công ty thương mại của Pháp hoặc Hà Lan.
Thời đó, Đế chế Mughul tập trung quyền lực chỉ ở trong nội địa Ấn Độ, bởi vậy các thành phố ven biển cũng cởi mở hơn với ảnh hưởng từ nước ngoài. Ngay từ đầu, một trong những lý do Công ty Đông Ấn cần rất nhiều vốn tích lũy là để đánh chiếm và xây dựng các tiền đồn thương mại kiên cố ở các thành phố cảng như Bombay, Madras và Calcutta. Khi Đế chế Mughul sụp đổ vào thế kỷ 18, nội chiến nổ ra khiến nhiều thương nhân Ấn Độ di chuyển đến các “tiểu vương quốc” ven biển do công ty điều hành.
Vậy làm sao để Công ty, dưới danh nghĩa một doanh nghiệp dưới trướng Hoàng gia, điều hành những vùng lãnh thổ này? Câu trả lời là, các nhân viên chi nhánh địa phương của công ty sẽ đảm nhận vai trò này. Còn văn phòng ở London của công ty thì không mấy quan tâm đến chính trị Ấn Độ, miễn là việc giao thương vẫn diễn ra thì hội đồng quản trị sẽ không can thiệp. Và bởi có rất ít thông tin liên lạc giữa London và các văn phòng chi nhánh (một lá thư chuyển đi mất ba tháng mỗi chiều), các nhân viên chi nhánh còn có nhiệm vụ ban hành các bộ luật điều hành các thành phố thuộc quyền của công ty như Bombay, Madras và Calcutta, đồng thời thành lập lực lượng cảnh sát và hệ thống luật pháp các cấp.
Thành lập đế chế riêng
Bước ngoặt quan trọng nhất trong sự chuyển đổi của Công ty Đông Ấn từ doanh nghiệp thương mại thành một đế chế toàn diện xảy ra sau Trận chiến Plassey năm 1757. Trận chiến nổ ra giữa 50.000 binh lính Ấn Độ dưới quyền Nawab xứ Bengal và 3.000 nhân viên của Công ty. Nawab vô cùng bất mãn với hành vi áp thuế của Công ty, song không ngờ rằng lãnh đạo quân sự của Đông Ấn là Robert Clive, đã thực hiện một thoả thuận ngầm với các chủ ngân hàng Ấn Độ khiến phần lớn quân đội Ấn Độ từ chối chiến đấu tại Plassey.
Chiến thắng của Clive đã đem lại cho Công ty quyền áp thuế rộng rãi ở Bengal – một trong những tỉnh giàu có nhất Ấn Độ. Clive cũng cướp đoạt kho báu của Nawab và chuyển về Anh quốc. Đây được coi bước ngoặt gây chấn động trong sứ mệnh của Công ty.
Năm 1784, Quốc hội Anh đã thông qua “Đạo luật Ấn Độ” của Thủ tướng William Pitt, chính thức khẳng định quyền phán quyết của chính phủ Anh với quyền sở hữu đất của Công ty Đông Ấn ở Ấn Độ.
Cuộc chiến thuốc phiện và sự kết thúc của Công ty Đông Ấn
Hoạt động khai thác của Đông Ấn không chỉ diễn ra ở Ấn Độ. Trong giai đoạn đen tối nhất, Công ty còn buôn lậu thuốc phiện vào Trung Quốc để đổi lấy mặt hàng giao dịch giá trị bậc nhất tại đây là trà. Người Trung Quốc chỉ đổi trà lấy bạc, nhưng nước Anh lại không dồi dào tài nguyên bạc, nên Công ty đã lách luật cấm thuốc phiện của Trung Quốc qua thị trường chợ đen nhờ những người trồng và buôn lậu thuốc phiện Ấn Độ.
Khi Trung Quốc trấn áp hoạt động buôn bán thuốc phiện, chính phủ Anh cử tàu chiến, châm ngòi cho Cuộc chiến Thuốc phiện năm 1840. Trung Quốc bại trận và buộc phải trao cho Anh quyền kiểm soát Hong Kong, song vụ việc cũng đã hé lộ những giao dịch đen nhằm theo đuổi lợi nhuận của Công ty.
Vào giữa thế kỷ 19, tâm lý phản đối vị thế độc quyền của Công ty Đông Ấn đã lên đến đỉnh điểm tại Quốc hội Anh. Cái chết của Công ty Đông Ấn vào những năm 1870 không hẳn chỉ là do sự phẫn nộ về những hành vi trái đạo đức, mà do sự thay đổi quan điểm của các chính trị gia và doanh nhân tại Anh. Họ nhận ra rằng có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi giao dịch với các đối tác có nền tảng kinh tế mạnh mẽ hơn..
Dù đã giải thể từ hơn một thế kỷ trước, ảnh hưởng của Công ty Đông Ấn vẫn giúp định hình cách vận hành của các doanh nghiệp hiện đại trong nền kinh tế toàn cầu.
Nguồn: https://www.history.com/news/east-india-company-england-trade
Nguồn tin: khoahocphattrien.vn
Ý kiến bạn đọc