Sau một sai lầm chết người khiến công chúng mất đi niềm tin vào vaccine, cộng đồng y tế Mỹ bất ngờ tìm được sự ủng hộ từ ông hoàng nhạc Rock ‘n Roll.
Các liều tiêm đó ngay lập tức bị thu hồi, nhà sản xuất vaccine đó bị loại khỏi chương trình phòng chống bại liệt. Việc tiêm vaccine vẫn tiếp tục, nhưng vài người trở nên do dự. Đặc biệt là thanh thiếu niên, chống đối việc tiêm chủng, vì một niềm tin sai lầm rằng tiêm chủng chống lại một bệnh từng có tên gọi là “Liệt sơ sinh” chỉ dành cho em bé hoặc nhi đồng mà thôi.
The March of Dimes – một tổ chức rất uy tín vào thời điểm đó với tên tuổi gắn liền với cuộc chiến dai dẳng chống lại bệnh bại liệt – đang mỏi mắt tìm kiếm một ai đó có thể hâm nóng lại phong trào tiêm chủng, đưa sự chú ý và sự phấn khích của công chúng quay lại với nó, một cuộc hôn phối hoàn hảo giữa khoa học và sự diệu kì.
Bởi vậy, vào ngày 28 tháng 10 năm 1956, phía sau cánh gà của show truyền hình “The Ed Sullivan Show”, chàng Elvis Presley 21 tuổi – với khuôn mặt trẻ trung đầy sắc thái biểu cảm và những cú lắc hông đầy mê hoặc – anh hùng của giới trẻ Mỹ - chìa cánh tay trái của mình ra. Người ta tiêm cho anh. Đèn sân khấu bừng sáng. Và rồi một ngôi sao chống bệnh bại liệt ra đời.
Nhưng kể cả với sự giám sát chặt chẽ hơn rất nhiều so với những năm 50 và chưa có một thông tin gì nghiêm trọng về tác dụng phụ của vaccine, vẫn có một sự sợ hãi và nghi ngại đang lan rộng trong cộng đồng về những mũi tiêm được khởi nguồn từ những công nghệ quá mới, phát triển với tốc độ chưa từng thấy trong một môi trường chính trị chia rẽ nhất trong lịch sử trí nhớ của chúng ta.
Giờ đây, những mũi tiêm chống lại coronavirus đang được tiêm cho những nhân viên y tế chịu rủi ro mắc bệnh cao nhất; tiếp sau đó là những người trong trại dưỡng lão. Trong những tháng tới, 330 triệu người Mỹ sẽ được tiêm vaccine, bao gồm cả những cộng đồng dân tộc và tôn giáo thiểu số vốn bị bỏ quên trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ. Nhưng kể cả với sự giám sát chặt chẽ hơn rất nhiều so với những năm 1950 và chưa có một thông tin gì nghiêm trọng về tác dụng phụ của vaccine, vẫn có một sự sợ hãi và nghi ngại đang lan rộng trong cộng đồng về những mũi tiêm được khởi nguồn từ những công nghệ quá mới, phát triển với tốc độ chưa từng thấy trong một môi trường chính trị chia rẽ nhất trong lịch sử trí nhớ của chúng ta.
Vaccine không thể quét sạch đại dịch nếu quá nhiều người khước từ nó. Tái xây dựng niềm tin – vào khoa học, vào y dược, vào những nhà lãnh đạo chính trị, vì một mục tiêu chung – là điều quá khó khăn và phức tạp, mà chính quyền của Tổng thống Mỹ mới đắc cử cũng đang bắt đầu nhận ra.
Và không có một Elvis nào ở đây để đoàn kết nước Mỹ.
***
Nếu so sánh với các tiêu chuẩn của coronavirus, bại liệt giống một tai họa tiềm tàng hơn là một bệnh dịch chết chóc; từ năm 1950 đến năm 1953, có 119 nghìn trường hợp bị liệt vì bại liệt và 6.600 trường hợp bị tử vong, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ. Nhưng những con số đó không thể hiện được nỗi kinh hoàng xung quanh một căn bệnh, cứ như không biết từ đâu, tấn công hàng chục trên hàng nghìn đứa trẻ khỏe mạnh mỗi năm khiến một vài em tử vong và rất nhiều em khác không thể đi lại hoặc thậm chí là tự thở.
Không có một chiến dịch Warp Speed của Nhà Trắng như bây giờ để đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine, tuy nhiên, thách thức mà căn bệnh này đặt ra lại thúc đẩy một cuộc chạy đua lịch sử giữa hai nhà khoa học sáng giá là Jonas Salk và Alfred Sabin. Vaccine của Salk ra đời trước. Vaccine của Salk là loại vaccine “virus bất hoạt” – nhưng hóa ra, giết virus bại liệt có sức sống quá mạnh trong mỗi giọt vaccine trên quy mô nhà máy không dễ như việc tỉ mỉ tạo ra một lượng nhỏ virus bất hoạt trong phòng thí nghiệm của Salk. Vaccine của Sabin, sử dụng virus sống giảm độc lực, ra mắt sau đó vài năm, và có lúc làm vaccine của Salk bị lu mờ.
Nỗi kinh hoàng về virus dập tắt tất cả những nghi ngờ gì về sự nghiêm trọng của nó. Không một ai nhìn vào một đứa trẻ nằm trong lồng phổi sắt (một ống sắt lớn để trợ thở cho những đứa trẻ bị bại liệt và không thể thở bình thường) và bảo rằng đó chỉ là trò bịp bợm. Tuy nhiên cũng có một loạt các giả thuyết vô căn cứ về sự lan truyền của virus này tự nhiên trỗi dậy, lấp vào khoảng trống mà y học thời đó chưa thể giải thích được.
Người ta tập trung kiếm tìm một phương thức điều trị và một vaccine cho bệnh bại liệt vào những năm 1930 sau khi Tổng thống Franklin Roosevelt bị nhiễm bại liệt vào năm 1921 ở tuổi 39 đã sáng lập quỹ Geogrgia Warm Springs rồi Quỹ quốc gia phòng chống Bại liệt sơ sinh vào năm 1938, rồi sau đó đến lượt quỹ này lại tạo ra March of Dimes.
Roosevelt đem đến cho cuộc chiến chống lại bệnh bại liệt một quyết tâm và cả sự hoành tráng lộng lẫy: Ông thu hút cả một dàn sao Hollywood tham gia phong trào này, bao gồm những diễn viên huyền thoại đầu thế kỉ 20 cho đến những ngôi sao thời thượng giữa thế kỉ 20 như Eddie Cantor, Bing Crosby và Rudy Vallee. Vào năm 1940, nữ diễn viên trẻ Nancy Davis – về sau là Nancy Reagan (vì bà là phu nhân của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan) xuất hiện trong một bộ phim ngắn do quỹ của ông tài trợ tên là “the Crippler.” Chiến dịch chống lại bệnh bại liệt vẫn cứ tràn ngập các ngôi sao như thế cho đến khi căn bệnh này hoàn toàn lùi vào dĩ vãng.
Hai vaccine phòng bệnh bại liệt đầu tiên được phát triển vào những năm 1930. Kinh hoàng thay, thời đó không có một cơ quan liên bang nào giám sát quá trình thử nghiệm lâm sàng của vaccine, không có các chuyên gia độc lập để kiểm tra số liệu, không có Hội đồng đạo đức Y khoa ở các trường Y. Một vaccine là tiền thân của vaccine virus bất hoạt giống như của Salk, một loại khác là bước khởi đầu của kiểu vaccine virus sống giảm độc lực như Sabin. Cả hai trường hợp, các nhà khoa học đều tuyển chọn các gia đình thử nghiệm vaccine với lời hứa hẹn rằng nó sẽ giúp bảo vệ con cái họ. Cả hai vaccine, quá thô sơ so với tiêu chuẩn hiện giờ (một vaccine được chế tạo trong bồn tắm), được quảng bá rầm rộ. Cả hai vaccine đều thất bại. Một vaccine làm tử vong ít nhất chín trẻ em, vaccine kia thì gây ra một dạng viêm não. Một trong hai nhà khoa học chết trong vòng một năm ở tuổi 36 mà nhiều người cho rằng là do tự vẫn.
Quỹ Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận thành lập bởi Franklin Roosevelt tài trợ cho các thử nghiệm, thực ra làm được rất nhiều điều đúng đắn trong việc ra mắt vaccine của Salk. Họ đã tạo ra một khuôn mẫu để chính quyền Trump dựa trên đó để xây dựng chương trình tăng tốc phát triển vaccine chống coronavirus bây giờ. Quỹ đặt mua trước một số lượng lớn các lô vaccine, sẵn sàng hủy đơn ngay tắp lự nếu nó thất bại nhưng cũng sẵn sàng tiêm cho trẻ em càng sớm càng tốt nếu kết quả thử nghiệm lâm sàng tốt đẹp. Cơ chế đặt mua trước giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các công ty sản xuất vaccine khi đưa một sản phẩm không chắc chắn thành công ra thị trường. “Đó là Warp Speed phiên bản Một” – Paul Offit, một nhà nghiên cứu vaccine hàng đầu tại Bệnh viện Nhi Philadelphia và tác giả của một loạt cuốn sách về vaccine bại liệt và các vaccine khác nữa nói. “Họ chi trả cho thử nghiệm lâm sàng. Họ chi trả cho năm công ty sản xuất hàng loạt…Họ gánh thay các rủi ro.” Nó rất giống với những gì mà chiến dịch Warp Speed của Donald Trump đang làm với coronavirus.
Năm 1954, việc thử nghiệm vaccine bại liệt của Salk trên toàn quốc được khởi động. Toàn dân đón nhận một cuộc thử nghiệm quy mô cực lớn, tiêm một loại vaccine hoàn toàn mới vào bắp tay của gần hai triệu học sinh. Đôi khi những đứa trẻ này được gọi là “Những người Mỹ tiên phong về bệnh bại liệt”. Vaccine đã được cấp phép cho 5 công ty vào năm 1955. Đối với công chúng nói chung, “rủi ro của một loại vaccine chưa từng được biết tới trước đây chẳng là gì so với nỗi sợ về căn bệnh này” - Oshinsky cho biết.
Các chuyên gia về thông điệp y tế công cộng và phong trào anti-vaccine đều không nghĩ rằng những người chống đối vaccine nhiệt thành nhất có thể thay đổi suy nghĩ và đón nhận vaccine coronavirus, bất kể đổ vào đó bao nhiêu nỗ lực giáo dục và các sáng kiến truyền thông đối với công chúng. Tuy nhiên, những người được gọi là “hoài nghi vaccine” – những người chống hoặc sợ vaccine nhưng không quá khủng khiếp – có thể thuyết phục với đúng thông điệp mà họ muốn nghe. Nhưng điều đó rất khó.
Nhưng vaccine của Salk không dễ chế tạo. Nó cần một quy trình nhiều bước sử dụng formaldehyde và các bộ lọc đặc biệt để bất hoạt hoặc tiêu diệt virus bại liệt sống mà không hoàn toàn tiêu hủy nó tới mức khi tiêm không kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người như mong muốn. Và rồi, một trong năm công ty tìm cách tái tạo vaccine đã mắc sai lầm – Cutter.
Hệ thống phòng thí nghiệm Cutters, về sau được hãng dược Bayer mua lại có lẽ ngày nay được biết đến nhiều nhất như một công ty sản xuất thuốc trừ sâu, lúc đó không phải là một nhà sản xuất có tiếng cho lắm. Nhưng vì đã có kinh nghiệm trước đó với một số vaccine thú y và từng phát triển vaccine cho người, công ty này cũng không phải là lựa chọn tồi của chính phủ.
Quy định của chính phủ rất lỏng lẻo. Tổng thống Dwight Eisenhower nghĩ rằng quá nhiều sự giám sát của liên bang sẽ thành ra đẽo cày giữa đường. Cutter đã nghiêm túc đệ trình cho chính phủ các thủ tục giấy tờ cần thiết đối với các lô hàng tốt - nhưng họ không bao giờ báo cáo về các lô mà họ phải loại bỏ vì thất bại trong việc diệt virus. Vào mùa xuân năm 1955, Cutter vận chuyển các mũi tiêm có chứa virus bại liệt sống đến California và Idaho. Trẻ em bắt đầu ốm. Và vì bệnh bại liệt, giống như coronavirus mới, có thể không có biểu hiện triệu chứng, trẻ em bị nhiễm từ loại vaccine không tốt sẽ phát tán virus, là mầm bệnh cho sự lây nhiễm trên toàn quốc. Trong cuốn sách The Cutter Incident, Offit ước tính có tổng cộng 220.000 người bị nhiễm bệnh, 70.000 người bị yếu cơ và 164 người bị liệt nặng, mười người chết.
“Đó là một thảm kịch”, Offit nói và ông nghĩ câu chuyện này là một phần nguyên nhân cho nỗi sợ hãi vaccine ngày nay.
Cutter bị đá khỏi cuộc đua vaccine bại liệt. Và việc tiêm chủng được tiếp tục - với mức độ chấp nhận cao đáng ngạc nhiên. Phản ứng nhanh chóng và dứt khoát của liên bang đối với sự cố Cutter đã giúp khôi phục niềm tin của công chúng, đặc biệt là trong một thế giới những năm 1950, sự tin tưởng vào chính quyền và các chuyên gia nhiều hơn bây giờ.
Hồi đó không ai thăm dò ý kiến của mọi người về sự chống vaccine, vì vậy thật khó để biết chính xác mức độ sợ hãi tồn tại. Nhưng túi tiền của dân chúng đang sợ hãi, hoặc ít nhất là e ngại - hoặc không thể trả tiền những mũi tiêm đầu tiên và những mũi tiêm bổ trợ cho tất cả con cái của họ. Stephen Mawdsley, một nhà sử học người Anh đã làm một bộ phim ngắn về bệnh bại liệt ở Hoa Kỳ cho biết: “Chi phí cao, sự thờ ơ và sự thiếu hiểu biết đã kéo lùi rất nhiều nỗ lực xóa sổ bệnh bại liệt”. Hàng ngàn người, hầu hết là trẻ, vẫn đang bị mắc bệnh.
Thế rồi, Elvis xuất hiện.
***
Người thanh niên vốn được biết đến là một ông hoàng đã xuất hiện ba lần trên show truyền hình Ed Sullivan từ tháng 9/1956 đến tháng 1/1957. Lần xuất hiện đầu tiên của anh đã có khoảng 60 triệu người xem – nhiều hơn 1/3 dân số lúc đó là 168 triệu dân. Không một nghệ sĩ giải trí nào ngày nay có thể “triệu tập” một lượng khán giả nhiều đến chừng đó. Và fan hâm mộ của anh – những thế hệ đầu tiên say đắm cuồng si rock ‘n roll – nằm trong độ tuổi cần phải tiêm vaccine.
Mũi tiêm bại liệt cho Elvis xuất hiện ngay mở màn của lần thứ hai anh xuất hiện trên chương trình, khi bài hát “Love Me Tender” của anh mới phát hành trước đó một tháng đang leo thang trên các bảng xếp hạng. Tấm quảng cáo mang hình Elvis cùng chiếc ghi ta cao 40-foot (khoảng 12 mét), có lẽ hơi khoa trương với tiêu chuẩn của công chúng bây giờ, nổi bật trên kiến trúc của nhà hát ở Broadway. Sau cánh gà, khi cánh phóng viên hướng mắt lên, người phụ trách Y tế thành phố New York cầm cánh tay trái của Presley khi thư ký của bà, Harold Furest nhấn pít tông của kim tiêm.
“Này các em, anh nói với các em được không? Anh là Elvis Presley,” Anh nói trong một đoạn băng quảng cáo ghi hình bởi March of Dimes. “Nếu em nghĩ rằng bệnh bại liệt đã bị đánh bại, anh muốn em nghe. Cuộc chiến chống bệnh bại liệt vẫn khó khăn không kém gì trước đây”.
Có lẽ sau này người ta hơi thổi phồng vai trò của Elvis trong việc tăng tỉ lệ tiêm chủng nhưng anh có đóng góp không thể phủ nhận trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy trẻ vị thành niên đi chích ngừa.
***
Trong những thập kỉ kể từ sự kiện Cutter diễn ra, cả lực lượng chống vaccine và lực lượng hoài nghi vaccine, dù hai lực lượng này không giống hệt nhau, đã lan rộng và ngày càng biến đổi khó lường. Không chỉ có một kiểu chống vaccine, không chỉ có một lí do duy nhất. Sự chống đối đến từ cả cánh tả và cánh hữu, từ những người không muốn bị chính phủ yêu cầu phải làm này làm nọ, từ những người nghĩ rằng các công ty dược đang lừa họ dùng những sản phẩm độc hại và đủ kiểu niềm tin, triết lý, tôn giáo khác tương tự.
Các chuyên gia về thông điệp y tế công cộng và phong trào anti-vaccine đều không nghĩ rằng những người chống đối vaccine nhiệt thành nhất có thể thay đổi suy nghĩ và đón nhận vaccine coronavirus, bất kể đổ vào đó bao nhiêu nỗ lực giáo dục và các sáng kiến truyền thông đối với công chúng. Tuy nhiên, những người được gọi là “hoài nghi vaccine” – những người chống hoặc sợ vaccine nhưng không quá khủng khiếp – có thể thuyết phục với đúng thông điệp mà họ muốn nghe. Nhưng điều đó rất khó.
“Elvis không có ở đây” Adam Berinsky, một nhà nghiên cứu chính trị khoa học tại Đại học MIT chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ và thông điệp trong y tế công cộng nói. Thách thức của ngày hôm nay là tìm ra “Elvis riêng cho mỗi cộng đồng”.
Cũng có thể đó là Oprah Winfrey hay Tom Hank hay Dolly Parton.
Nhưng truyền thông điệp bây giờ sẽ phức tạp hơn tạo dựng niềm tin trong những năm 1950. Giờ đây có hẳn một “tên gọi” dành cho những người hoài nghi vaccine – những người bình thường vẫn tin vaccine nhưng rồi bị lay động bởi thời hạn quá ngắn và áp lực từ Tổng thống Trump phải cho tung ra vaccine bằng được trước kì bầu cử, khi chính những người được bổ nhiệm trong lĩnh vực y tế công cộng dưới quyền ông cũng cảnh báo rằng điều này sẽ không an toàn.
Một vài khảo sát cho thấy nỗi sợ vaccine dâng cao sau kì bầu cử, với việc cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc của Hoa Kỳ đã phản đối áp lực đến từ Tổng thống Trump và đứng ra tự quyết về tính an toàn của vaccine. Bản thân người đứng đầu chiến dịch Warp Speed, Moncef Slaoui cũng đồng tình vì ông công khai mình là người theo Đảng Dân chủ và ông “đồng cảm nhiều hơn” với chính quyền sắp tới của Biden hơn là Trump.
Tuy nhiên, cách làm thương hiệu cho vaccine giai đoạn này rất có vấn đề.
“’Warp Speed’ (Tốc độ chóng mặt) không phải là cái tên gọi đúng đắn cho lắm,” Oshinsky nói. Công chúng “không hiểu. Họ chỉ biết rằng vaccine sẽ được tung ra với một tốc độ kinh khủng nhưng họ không biết đằng sau đó là gì”.
Berinsky tóm gọn lại rằng: “Trump ép các vaccine – bắt nó phải ra thị trường nhanh – rồi tạo sự hoài nghi ở công chúng.”
Bắt các công ty dược – một nguồn tin mà công chúng đang nghi ngờ - phải công bố chứng cứ về an toàn của vaccine cũng không khiến người ta tin hơn. Nhưng tăng cường sự minh bạch, về các nghiên cứu và những người đánh giá các nghiên cứu vaccine thì lại nên làm, đặc biệt nếu những người có uy tín lớn, như Anthony Fauci đứng ra bảo đảm. Nhưng minh bạch dữ liệu cũng không thể làm gì nhiều hơn, vì người đọc thông thường không thể hiểu được.
Và đối với một số cộng đồng, sự hoài nghi đã bị bồi đắp qua hàng thập kỉ, đặc biệt với những nhóm thiểu số có những lí do chính đáng để mất niềm tin vào hệ thống y tế đã đối xử bất công với họ hàng chục năm.
Tổng thống mới đắc cử Joe Biden lựa chọn nhà nghiên cứu về bình đẳng y tế và bác sĩ tại Đại học Yale, Marcella Nunez-Smith trong vai trò dẫn đầu chương trình phản ứng với đại dịch của chính quyền sắp tới, giải quyết các vấn đề cụ thể nói trên. Bà đã cố vấn cho ông từ tháng tám vừa qua, và nói rằng xoa dịu nỗi sợ vaccine của các cộng đồng thiểu số phải là ưu tiên ngay từ đầu, đặc biệt là những cộng đồng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh và bởi suy thoái kinh tế.
“Việc phải làm là phải lôi kéo được những nhà lãnh đạo của các cộng đồng đó – tất cả, chứ không chỉ riêng các cộng đồng người da màu – cần sự hợp tác,” bà nói trong một buổi phỏng vấn với Tạp chí Politico ngay sau khi Biden đưa tên bà vào đội ngũ của ông. Các thông điệp phải được phát đi từ các nhà khoa học – nhưng cần phải lan truyền “giữa nhà này với nhà kia, giữa bạn này với bạn khác – chính là giữa các thành viên trong cộng đồng”.
Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ cũng yêu cầu các thử nghiệm lâm sàng cho các vaccine coronavirus phải bao quát được đủ tính đa dạng trong dân số, một nguyên liệu khác để tăng cường niềm tin vào vaccine.
Nhưng những người mặc áo choàng trắng đứng ra truyền thông điệp cũng vẫn là chưa đủ, Cooper và các chuyên gia khác nghiên cứu về sự chia rẽ trong y tế và truyền thông về y tế công cộng chỉ ra. Các thông điệp truyền đi phải bao quát được nhiều khía cạnh, nhiều lớp lang, đa ngôn ngữ, dưới nhiều mô thức truyền thông. Chúng phải vừa có tính quốc gia vừa có tính địa phương, vừa có tính chính trị vừa có tính phi chính trị, với sự tham gia của bác sĩ, y tá, dược sĩ, nhà thờ và các tổ chức tín ngưỡng, tổ chức cộng đồng khác – và cả các vận động viên và các ngôi sao Hollywood. Những người có ảnh hưởng sẽ không chỉ kêu gọi suông là bạn phải đi tiêm vaccine mà chính bản thân họ cũng phải đi chích ngừa. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Geogrge W. Bush và Bill Clinton đều nói rằng họ sẵn sàng tham dự phong trào này.
Và tất cả phải được đặt trên sự minh bạch – và sự thấu cảm. Kenzie Cameron, một chuyên gia về truyền thông chăm sóc sức khỏe ở Đại học Northwestern cho biết, nghĩa là phải thẳng thắn về tất cả những gì chúng ta đã biết và chưa biết về những vaccine hoàn toàn mới này. Để thu thập được dữ liệu cần hàng tháng trời, và khi đó các nhà khoa học mới biết nhiều hơn về những mũi tiêm này có thể bảo vệ mọi người như thế nào và trong bao lâu, và liệu có vấn đề gì về độ an toàn của vaccine sẽ phát sinh khi hàng trăm triệu người trên toàn cầu bắt đầu được chích ngừa. Thấu cảm nghĩa là phải truyền thông dựa trên việc thấu hiểu nỗi sợ của người khác chứ không phải cắt ngang kiểu “Không. Bạn sai rồi.” Điều đó không chỉ đúng với truyền thông trong cộng đồng mà trong cả phòng khám của các bác sĩ.
Thu hút các nhân viên y tế cộng đồng và những người uy tín về tin tức sức khỏe ở địa phương cũng là một chiến lược tốt – và nó có tác dụng bởi họ nói cùng ngôn ngữ với cộng đồng, Sandra Hernandez, chủ tịch và giám đốc điều hành của Quỹ chăm sóc sức khỏe California nói. Một bác sĩ chứng kiến những ngày đầu của đại dịch HIV/AIDS trong lịch sử và người gắn liền với cộng đồng Mỹ Latin, bà cho biết những người làm nhiệm vụ truy vết coronavirus ở cấp cộng đồng cũng là những người truyền thông điệp tốt.
“Chúng tôi có năm tổ chức ở Misson [Một quận tại San Francisco] làm nhiệm vụ truy vết. Họ được đào tạo bài bản, trẻ trung, người địa phương và là người da màu” – bà nói. “Họ có thể là một lượng quan trọng để giúp đỡ chúng ta trong việc này”.
Thời kì này, trong chính cộng đồng các vận động viên và các ngôi sao Hollywood cũng có sự chia rẽ về chính trị, nhưng vì thế lại càng cần sự tham gia của nhiều gương mặt nổi tiếng, người thì đại diện cho từng cộng đồng cụ thể, người khác thì đại diện cho các chiến dịch ở tầm quốc gia. Một quảng cáo đầy ắp các ngôi sao Hollywood dưới thời chính quyền Trump trước kì bầu cử để “lên tinh thần” cho công chúng đã bị hủy, nhưng một phiên bản khác ít tính chính trị hơn sẽ sắp ra mắt. Cooper cho biết bà đã thảo luận với Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia để tìm cách đưa họ vào chiến dịch tiêm chủng. Ít nhất hai Nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ những bang ủng hộ Tổng thống Trump, Rob Portman của Ohio và Stee Daines ở Montana công bố rằng sẽ tình nguyện trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng của vaccine – một thông điệp giá trị đối với những cử tri bảo thủ, những người thậm chí còn đang nghi ngờ liệu coronavirus có thật hay không, chứ chưa nói gì đến vaccine.
Việc truyền thông sẽ không chỉ là một lần rồi xong. Mọi người phải được nhắc nhở cần tiêm đủ hai liều. Họ phải được trấn an rằng những tác dụng phụ nhẹ của vaccine không có nghĩa là họ bị nhiễm Covid – hay họ không nên tiêm mũi thứ hai. Nếu họ có một người bạn hoặc một người họ hàng đi tiêm và bị ốm, họ cần phải được nhắc lại rằng, cần phải tiêm hai liều và phải mất vài tuần mới sinh ra kháng thể. Những đợt sóng tin sai sự thật sẽ đến là điều không thể tránh khỏi, nhưng cần những đợt sóng của sự thật để chống lại nó.
Nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy các nỗi sợ đang lắng dần và tính toán đằng sau việc có nên tiêm vaccine Covid không khác với các vaccine khác. Những người không tiêm vaccine cúm mùa hay không tiêm vaccine sởi cho con có thể sẽ nghĩ khác về những rủi ro và lợi ích của vaccine Covid, Schwart, sử gia tại Yale cho biết. Đây là vaccine có mục tiêu chấm dứt khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong thế kỉ này, một thảm họa toàn cầu làm đình trệ cả nền kình tế, chia rẽ những người yêu thương nhau, đóng cửa trường học và chấm dứt hoàn toàn các hoạt động ca kịch, du lịch và những bữa tiệc tối. Nó đã cướp đi mạng sống của 300 nghìn người dân Mỹ.
Trước đây khi Ebola xuất hiện, các bác sĩ đã bắt gặp những người quyết không chịu tiêm vaccine cúm mùa nhưng hoảng loạn đòi tiêm vaccine Ebola – mặc dù Ebola lúc bấy giờ không hề lây lan ở Mỹ và cũng không có vaccine vào thời điểm đó. Giờ đây cứ một người hỏi về vaccine mới là “Nó có an toàn không?”, thì có rất nhiều người khác lại hỏi “Thế bao giờ tôi mới được tiêm đây?”.
Và một khi có hàng nghìn, rồi hàng triệu, rồi hàng chục triệu người tiêm vaccine, sự tự tin của người Mỹ sẽ tăng dần.
“Rồi mọi người sẽ đi tiêm thôi,” – Offit, chuyên gia vaccine và nhà sử học về bệnh bại liệt dự đoán. “Họ sẽ muốn được tiêm”. □
Nguồn tin: khoahocphattrien.vn
Ý kiến bạn đọc