Khi cuộc sống ở thành phố khiến người ta phát ốm

Thứ bảy - 23/01/2021 20:00 0

Những người ở thành phố dễ có nguy cơ bị bệnh tâm thần như các chứng trầm cảm và lo âu sợ hãi. Nguyên nhân do đâu.

Ảnh minh họa:scientificamerican

Có một yếu tố có ý nghĩa quyết định, đó là môi trường sống quá đông đúc, luôn phải vội vã căng thẳng, bẳn gắt. Điều này những người ở thành phố đều biết. Nhưng điều đó ảnh hưởng như thế nào đến họ? Đây là điều mà nhà tâm thần học Andreas Meyer-Lindenberg, tại Viện Sức khỏe tinh thần Trung ương ở Mannheim nghiên cứu trên mười năm nay. Sau đây là một cuộc trò chuyện giữa Andreas Meyer-Lindenberg với những người dân ở các thành phố lớn, tường thuật trên tờ Welt.

Thưa giáo sư Meyer-Lindenberg, tôi sống ở Berlin, điều này có bất lợi cho sức khỏe của tôi không ?

Andreas Meyer-Lindenberg: Khi người ta nói về bệnh tâm thần, tiếc rằng buộc phải nói: Bất cứ nơi nào ở nước Đức cũng tốt hơn Berlin !

Nhưng ở Mannheim, nơi giáo sư hiện sinh sống và làm việc, thì cũng đâu có hơn gì.

Nhưng chỗ của chúng tôi quy mô nhỏ hơn. Nơi ở càng lớn thì nguy cơ bị bệnh tâm thần càng cao. Điều này là như thế dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nguy cơ bị bệnh trầm cảm và bệnh rối loạn lo âu của người dân ở các thành phố lớn cao hơn nơi khác tới 40%. Ai sinh ra ở thành phố lớn, cả thời thơ ấu ở đó thì nguy cơ bị bệnh tâm thần phân liệt tăng, thậm chí tới 300%. Những người cả đời ở nông thôn thì nguy cơ này nhỏ nhất.

Thưa giáo sư vì sao?

Có sự khác biệt trong bộ não. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng, hoạt động của Amygdala – hạch của hạnh nhân trong não của người thành phố tăng vọt khi có sự căng thẳng xã hội so với người ở nông thôn. Amygdala kiểm soát và điều khiển nỗi lo sợ và tính nóng nảy. Ở bệnh nhân bị trầm cảm và rối loạn lo âu, hoạt động này cũng tăng lên. Có lẽ Amygdala ở người thành phố sẽ trở lại bình thường nếu người đó chuyển về ở nông thôn.

Có nghĩa là về lâu dài não của họ sẽ thay đổi?

Phải, đúng thế. Các bó thần kinh (cingulum) của họ, một phần ở vỏ não trước bị giảm kích thước nhưng hoạt động lại tăng lên. Tình trạng này giữ nguyên cho dù họ có chuyển về nông thôn để sinh sống. Khi Cingulum hoạt động quá mức thì nguy cơ bị bệnh tâm thần phân liệt tăng lên. Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh hiếm gặp nhưng đây là một loại bệnh nặng, gây nhiều đau buồn. Có một công trình nghiên cứu đã tính toán, có thể giảm nguy cơ mắc căn bệnh này nếu như mọi trẻ em ở Châu Âu được sinh ra ở nông thôn: số bệnh nhân có thể giảm tới 30% và hàng năm tiết kiệm được khoảng 100 tỷ Euro chi phí điều trị.

Ai muốn sinh con thì nên lên kế hoạch chuyển về nông thôn sinh sống?

Thực sự đã có nhiều người làm việc đó, cho dù phần lớn do những nguyên nhân khác. Tôi cũng không khuyến khích làm việc đó. Người thành phố phần lớn có sức khỏe thể chất tốt hơn. Nguyên nhân, nếu nhìn rộng ra cả thế giới, là do thu nhập ở thành phố bình quân cao hơn, dễ tiếp cận giáo dục và các cơ sở y tế. Nếu gần trước khi sinh đẻ mới chuyển về nông thôn thì cũng không giúp ích gì nhiều. Có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động của Cingulum diễn ra ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và có sự liên quan đến tình trạng stress ở người mẹ trong thời gian mang thai. Điều đó ảnh hưởng đến sự tương tác của người mẹ với con ngay trong những tháng đầu đời. Có nghĩa là, những người muốn thực sự về nông thôn sinh sống thì nên thực hiện điều này trước khi thụ thai.

GS. Andreas Meyer-Lindenberg tại Viện sức khỏe tinh thần trung ương Đức. Năm 2011 ông đã có công trình chứng minh cuộc sống ở đô thị làm thay đổi bộ não.

Những vấn đề chính ở thành phố là gì? tiếng ồn, mất vệ sinh?

Cả hai đều không tốt cho sức khỏe, nhưng trong nghiên cứu của mình, chúng tôi không phát hiện thấy sự liên quan giữa các yếu tố này với stress trong cư dân thành phố.
Các yếu tố khác thì rõ ràng hơn. Trong đó, một khía cạnh có ý nghĩa quyết định là sự tương tác xã hội - ở các thành phố thường có vấn đề. Mạng lưới xã hội ở các thành phố thường yếu hơn so với ở nông thôn. Trong mạng lưới đó người ta quen biết nhau và sẵn sàng làm gì đó cho vui lòng nhau. Tức là quan hệ trong gia đình, họ hàng, bạn bè và cả láng giềng. Mối liên lạc đó ở thành phố thường kém hơn nhiều. Ở nông thôn đại đa số đều có quan hệ láng giềng, ở thành phố thì ngược lại. Trong khi đó hàng ngày người dân thành phố đối mặt với rất nhiều người nhưng thường là người xa lạ, không quen biết. Do đó hay dẫn tới các cuộc gặp gỡ căng thẳng.

Họ gặp gỡ nhiều người nhưng có cảm giác không hiểu nhau?

Chính xác. Khi ở trong một môi trường mà mình cảm thấy xa lạ và không được những người khác chấp nhận thì mức độ căng thẳng sẽ tăng lên. Do đó những người nhập cư, ngay cả đến thế hệ thứ hai và thứ ba thường có nguy cơ bị bệnh tâm thần khá cao. Chúng tôi đang nghiên cứu tác động của yếu tố này ở những người dân di tản, mới chân ướt chân ráo đến nước Đức, khi mọi thứ với họ đều rất xa lạ. Nguy cơ này cũng có thể xây ra đối với người Đức sinh sống tại một khu vực mà một vì lý do nào đó họ bị xa lạ về tài chính, văn hóa và giáo dục hoặc họ sống ở khu vực rất đông người nước ngoài, luôn nghe tiếng nước ngoài.

Người dân ở thành phố cũng không thể thay đổi gì nhiều về thực trạng này. Dù sao họ vẫn cứ phải đi lại trong thành phố.

Chính xác, vấn đề thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn vì số dân ở các thành phố ngày một đông đúc hơn. Hiện tại một nửa dân số thế giới ở đô thị, đến năm 2050 sẽ có tới hai phần ba dân số thế giới ở các thành phố lớn. Họ không thể trở về vì thế chúng tôi mới phải nghiên cứu tìm cách cải thiện tình trạng ở các thành phố.

Và sẽ cải thiện như thế nào?

Cho đến nay chúng tôi đã tìm thấy một yếu tố quan trọng: đó là thiên nhiên. Nếu môi trường xung quanh con người càng xanh tươi hơn bao nhiêu thì con người ở đó cảm thấy dễ chịu hơn và điều đó tốt hơn cho sức khỏe tinh thần của họ bấy nhiêu.

Thế thì dân thành phố cũng vẫn bị bất lợi.

Đúng thế, nhưng cái tốt là ở chỗ, ngay cả những thay đổi nhỏ nhất cũng là hữu ích. Không nhất thiết đâu đâu cũng phải xây dựng các công viên rộng mênh mông. Tại nhiều thành phố hiện đã có nhiều không gian xanh, nhưng cư dân ở đó không nhận ra. Một viện nghiên cứu là đối tác của chúng tôi ở Heidelberg đã phát triển một App, qua ứng dụng này người ta có thể tối ưu hóa quãng đường đi của mình để có thể trải nghiệm thiên nhiên được nhiều nhất. Ngay việc ai đó để trên ban công nhà mình một bồn cây trồng hoa cũng đã giảm được nguy cơ bị bệnh tâm thần.

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây