Bí ẩn đằng sau con tàu bị bỏ lại của hải tặc Râu Đen

Thứ bảy - 23/01/2021 20:00 0

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nguyên nhân thực sự khiến con tàu của hải tặc Râu Đen khét tiếng thế kỷ 18 bị mắc cạn.

Ảnh hải tặc Râu Đen của họa sĩ Benjamin Cole trong cuốn sách "A General History of the Pyrates" (Khái quát Lịch sử Hải tặc). Nguồn: Library of Congress

Từng cướp tàu của Hải quân Hoàng gia và nhiều tàu buôn ngoài khơi phía đông Bắc Mỹ và vùng Caribbean, Râu Đen là một trong những tên cướp biển khét tiếng nhất ở châu Mỹ vào đầu thế kỷ 18.

Râu Đen sinh năm 1660 với tên khai sinh là Edward Thatch (hoặc Teach). Cuộc sống cướp biển của gã bắt đầu vào năm 1717 và kết thúc vào năm 1718, khi Râu Đen bị giết trong một cuộc phục kích của Hải quân Hoàng gia. Thời gian Râu Đen hoành hành trên biển đã chấm dứt không lâu sau khi con tàu Queen Anne's Revenge của hắn mắc cạn gần đảo Outer Banks, Bắc Carolina. Đến nay, các chứng cứ từ vụ đắm tàu chỉ ra rằng việc con tàu bị mắc cạn không phải là ngẫu nhiên.

Tàu Queen Anne's Revenge (QAR) là con tàu dẫn đầu đoàn, niềm tự hào của Râu Đen và nhóm cướp biển. Các ghi chép lịch sử mô tả con tàu mắc cạn vào năm 1718, sau khi Râu Đen vừa thu được một khoản tiền chuộc đáng kể vì dỡ bỏ việc phong tỏa cảng Charles Town, Nam Carolina. Con tàu đã bị bỏ lại khi mắc kẹt trên một bãi cát và cuối cùng chìm xuống nước.

Các nhà sử học đã luôn thắc mắc nguyên nhân đắm tàu liệu có phải do trùm cướp biển đã tính sai độ sâu của bãi cát và sơ ý để con tàu mắc cạn. Tuy nhiên, các phân tích trên thân tàu gần đây cho thấy con tàu đã mắc cạn sau khi hỏng hóc. Có khả năng tàu QAR đã bị thủng đến mức không thể sửa được nữa nên gã cướp biển đã quyết định bỏ lại nó.

Tàu bọc chì

Kể từ khi con tàu đắm được phát hiện năm 1996 và được chính thức xác nhận là QRA năm 2011, các nhà khảo cổ học đã tìm ra rất nhiều hiện vật bằng chì tại điểm khai quật. Họ nghi rằng các thủy thủ đã dùng chì để vá lại các lỗ thủng trên thân tàu, tuy nhiên các mảnh chì này vẫn chưa được nghiên cứu chính thức.

Jeremy Borrelli, một nhà khảo cổ thuộc Chương trình Nghiên cứu Hàng hải tại Đại học East Carolina, đã lần đầu tiên phân tích các mẫu vật bằng chì này với kết quả cho thấy mức độ hư hại của con tàu khi bị Râu Đen vứt bỏ.

Đối với những con tàu thân gỗ như QAR, hành trình trên đại dương không hề dễ dàng. Màng vi khuẩn, loài hà sống bám và các ký sinh trùng ăn gỗ đã làm yếu và gây tổn hại đáng kể tới cấu trúc thân tàu. Từ năm 1524, những người đóng tàu đã sử dụng lớp vỏ bọc chì để bảo vệ các thân tàu gỗ. Khi so sánh các mảnh chì được tìm thấy trong vụ đắm tàu với các vật thể tương tự từ các địa điểm khảo cổ khác, nhà nghiên cứu thấy rằng hầu hết trong số đó là của những con tàu bị chìm trong thế kỷ 16 và 17.

Các thủy thủ thời đó thường sử dụng chì để bảo vệ thêm cho các khu vực dễ bị rò trên thân tàu.

Các vật chứng thu thập được cho thấy có các vết rò rỉ trên con tàu đã được xử lý một cách có chủ ý và các nghiên cứu lịch sử cũng đã cung cấp thông tin về bối cảnh một số lần mà con tàu bị rò rỉ. Tuy các mảnh ghép vẫn chưa hoàn chỉnh, các nhà nghiên cứu có thể suy luận rằng con tàu có thể đã ở trong tình trạng hư hỏng nặng khi mắc cạn.

Bỏ tàu vì tiền ?

Các bằng chứng lịch sử cũng chỉ ra rằng có thể Râu Đen có ý đồ khi bỏ lại con tàu: muốn chiếm đoạt số tiền lớn hơn cho bản thân. Không lâu sau khi bỏ lại QAR và một con tàu khác, Râu Đen đã trưng dụng một con tàu tuần tra trang bị 12 khẩu pháo và bỏ lại một số người trong đoàn QAR trên bờ.

"Trong lời khai, băng hải tặc đã nhắc đến việc Râu Đen đã không chia tiền chuộc cho tất cả mọi người", ông Borelli nói. Điều này khiến một số hải tặc cho rằng hắn đã cố tình cho QAR mắc cạn và bỏ lại một số người trong đoàn để không phải chia số chiến lợi phẩm cho nhiều người và chiếm phần lớn hơn cho mình.

Cho đến nay, địa điểm phát hiện con tàu mới chỉ được khai quật khoảng 60% và còn chứa rất nhiều cổ vật chưa được khám phá. Vụ đắm tàu có thể còn ẩn chứa thêm nhiều bí mật khác về bản thân con tàu, gã thuyền trưởng và băng cướp biển khét tiếng.

Nguồn: https://www.livescience.com/blackbeard-pirate-busted-boat.html

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

  Ý kiến bạn đọc

5k
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập212
  • Hôm nay9,006
  • Tháng hiện tại91,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây