Hoạt động kết nối, tuyên truyền giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNTTB vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại Nghệ An
Nghệ An hiện có có 164 làng ng...
Nghệ An hiện có có 164 làng nghề, trên 730 HTX và hơn 13.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng. Những năm qua tỉnh đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. chất lượng, mẫu mã sản phẩm được nâng cao đáp ứng các yêu cầu của các nhà phân phối chuyên nghiệp, nhiều sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm bán buôn lớn trên cả nước.
Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ có nhiều siêu thị lớn, hệ thống chợ cấp huyện và xã đã được xây dựng khang trang. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện Có 405 chợ truyền thống, 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị hiện đang hoạt động.
Qua nhiều năm triển khai thực hiện chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện nay tỉnh ta đã có kết quả nhất định: Chương trình SPCNNTTB của tỉnh Nghệ An được triển khai thực hiện 2 năm một lần, từ năm 2012 đến nay đã tổ chức 5 kỳ bình chọn; Năm 2012 có 22 được công nhận cấp huyện; 9 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh; 3 sản phẩm được công nhận cấp khu vực phía Bắc; 01 sản phẩm được công nhận cấp Quốc gia; Năm 2014 có 36 được công nhận cấp huyện; 11 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh; 2 sản phẩm được công nhận cấp khu vực phía Bắc; 02 sản phẩm được công nhận cấp Quốc gia; Năm 2016 có 32 được công nhận cấp huyện; 13 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh; 2 sản phẩm được công nhận cấp khu vực phía Bắc; 01 sản phẩm được công nhận cấp Quốc gia; Năm 2018 có 31 được công nhận cấp huyện; 14 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh; 6 sản phẩm được công nhận cấp khu vực phía Bắc; 04 sản phẩm được công nhận cấp Quốc gia; Năm 2020 có 50 được công nhận cấp huyện; 24 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh; 05 sản phẩm được công nhận cấp khu vực phía Bắc. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được các cấp công nhận đã phát huy hiệu quả trong việc tăng doanh thu và sản lượng được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, một số sản phẩm đã xuất khẩu như: Sản phẩm chế biến nông lâm thủy hải sản; sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Sản phẩm máy móc thiết bị và khác.
Nghệ An có 113 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, gồm 77% sản phẩm đạt 3 sao và 23% sản phẩm đạt 4 sao. Thông qua chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) nhiều làng nghề nông thôn ở Nghệ An được mở rộng, một số sản phẩm được nâng cao chất lượng, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Với những thành công bước đầu, chương trình OCOP của tỉnh Nghệ An đang được siết chặt, chuẩn hoá chất lượng để sản phẩm đủ mạnh. Các sản phẩm OCOP được đánh giá có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá rộng khắp thị trường trong nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, tạo thế cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh... Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến 2025 có 5 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao để tiến tới thuận lợi hơn trên con đường xuất khẩu. Các sản phẩm được gắn sao OCOP như là định danh cho thương hiệu, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiêu thụ sản phẩm, và nhất là khi tham gia xuất khẩu.
Kết quả hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm: Căn cứ Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 53/2014/QĐ-UBND ngày 29/8/2014 về việc ban hành Quy định quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020 định hướng đến năm 2030;
Triển khai thực hiện chương trình được Bộ Công Thương giao (Quyết định số 1404/QĐ-BCT ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề án, nhiệm vụ), năm 2020 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An đã triển khai thực hiện các hoạt động kết nối giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng lợi thế của tỉnh và sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An đến các tỉnh bạn và các tỉnh bạn vào tỉnh Nghệ An thông qua hoạt động kết nối, tuyên truyền tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Hoạt động Kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các hoạt động kết nối và tổ chức gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho thấy, các sản phẩm OCOP và sản phẩm CNNTTB của tỉnh chưa thể vươn xa, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc đưa vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng bán lẻ lớn trong và ngoài tỉnh còn còn hạn chế, việc đánh giá, gắn sao cho sản phẩm mới chỉ bước đầu, khâu quan trọng là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, bán lẻ, có như vậy chuỗi giá trị mới thực sự tồn tại và phát triển. Mong muốn của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh là sản phẩm của họ được kết nối, tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị trong và ngoại tỉnh; được các trường học, nhà hàng, khách sạn chọn lựa làm thực phẩm; Giá cả sản phẩm còn cao so với mặt bằng thị trường nông thôn, do để được công nhận sản phẩm phải được đăng ký mà vạch, xuất xứ hàng hóa, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; quy trình SX phải quy chuẩn đảng bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng hàng hóa phải nổi trội mang tính đặc trưng bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng; bao bì đóng gói đúng quy cách, tâm lý tiêu dùng của người dân do còn khó khăn về thu nhập nên chưa có khả năng chi trả sản phẩm có chất lượng cao hơn; Hầu hết các doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm khả năng về vốn và quy mô sản xuất còn han chế; việc đầu tư cho bao bì nhãn mác và công tác xúc tiến thương mại chưa tương xứng (kinh phí tham gia các hội chợ, kết nối cung cầu với người tiêu dùng thông qua các siêu thị, đầu tư các điểm bán sản phẩm còn ít, việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền thanh truyền hình, báo và tập chí hầu như chưa nhiều) trong lúc cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có nhiều nguồn lực để giúp các cơ sở sản xuất.
Để sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNTTB, đặc sản vùng miền và sản phẩm tiềm năng lợi thế ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh quan tâm và tiến tới xuất khẩu, cần có các giải pháp đồng bộ sau:
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Nghệ An đã giao cho Văn phòng Điều phối nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, để người tiêu dùng địa phương, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Theo Sở Công Thương Nghệ An, từ thực tế hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian qua cho thấy, các đơn vị sản xuất mặt hàng này có rất ít chỗ trưng bày, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng cũng như các đầu mối tiêu thụ. Do đó, Sở Công Thương sẽ khảo sát các địa điểm để làm điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Việc hình thành các điểm bán sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các làng nghề quảng bá sản phẩm OCOP, trở thành địa chỉ tin cậy khi người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng các sản phẩm OCOP.Ngoài các điểm bán cố định, các DN cũng có nhu cầu được đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích để có kênh tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không phải dễ. Ông Trần Công Việt - Giám đốc siêu thị MM mega market cho biết, hệ thống siêu thị MM mega market ở Nghệ An trong thời gian vừa qua, luôn là đầu mối cho các sản phẩm OCOP ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu nhiều giấy tờ quan trọng như truy xuất nguồn gốc, chứng từ mua bán… Do đó, rất khó kết nối vào các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Để khắc phục vấn đề này, Sở Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP hoàn thiện thủ tục hành chính... bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối. Ðồng thời, Sở cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, các hội chợ, triển lãm…khi tình hình dịch ổn định hơn.
Thời gian tới, để có nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao hơn và có thể vươn xa, Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông các sản phẩm OCOP; tiếp tục đào tạo, tập huấn nhằm giúp các chủ thể nâng cao kỹ năng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; xây dựng các điểm trưng bày bán sản phẩm OCOP tại các địa phương; trao đổi sản phẩm OCOP giữa các tỉnh. Đồng thời, tiếp tục huy động lồng ghép các nguồn lực; phát huy vai trò chủ thể của cá nhân, doanh nghiệp, HTX và có cơ chế hỗ trợ tư vấn kịp thời. Các địa phương cần chủ động có chính sách hỗ trợ “ươm, tạo” các sản phẩm OCOP; tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, hình thành các sản phẩm OCOP,... Hy vọng đến năm 2025 tỉnh sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu chương trình OCOP đã đề ra, góp phần đưa nông thôn Nghệ An ngày một đổi mới./.
Hoàng Diện