Hai nhà khoa học Việt Nam xếp hạng cao trong nhóm 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022 là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức (trái) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, đều từ Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Theo bảng xếp hạng do Nhà xuất bản Elsevier công bố, nhiều nhà khoa học Việt Nam đã lọt vào danh sách "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng" năm 2022.
Danh sách do nhóm nhà khoa học của Giáo sư John P.A. Ioannidis của Đại học Stanford (Mỹ) xây dựng trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus của Nhà xuất bản Elsevier.
Danh sách này được đánh giá trên nhiều chỉ số, trong đó có tổng số trích dẫn nghiên cứu.
Bảng xếp hạng đã chọn ra nhóm các nhà khoa học thuộc top 100 người dẫn đầu, top 10.000 và 100.000 người có bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên tổng số 200.409 nhà khoa học có trong cơ sở dữ liệu.
Trong bảng xếp hạng có 35 nhà khoa học Việt Nam đang công tác tại các trường đại học của Việt Nam.
Trong top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, Việt Nam có 2 đại diện là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Hai người này đều có tên trong danh sách 4 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 và 2022.
Đặc biệt, nhiều nhà khoa học Việt Nam đã tăng thứ hạng so với năm 2021, như Phó Giáo sư Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 12.132 - năm 2021 là 19.881), Tiến sĩ Trần Nguyễn Hải (Đại học Duy Tân, xếp hạng 13.713 - năm 2021 là 14.704), Tiến sĩ Hoàng Đức Nhật (Đại học Duy Tân, xếp hạng 15.072 - năm 2021 là 23.301)...
Danh sách năm nay có thêm nhiều nhà khoa học mới, như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Trung (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xếp hạng 47.614), Tiến sĩ Đào Văn Dương (Đại học Phenikaa, xếp hạng 61.711), Tiến sĩ Vương Quân Hoàng (Đại học Phenikaa, xếp hạng 61.452), Tiến sĩ Chu Đình Tới (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 66.906).
Nữ Tiến sĩ Lê Thái Hà (34 tuổi), trường Đại học Fulbright Việt Nam, xếp hạng 49.666 - tăng hơn 24.000 bậc so với năm 2021 (xếp hạng 74.063).
Nhiều nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại các trường đại học của Việt Nam như Đại học Duy Tân, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học VinUni, Đại học RMIT... cũng có trong danh sách.
Bảng xếp hạng còn có tên nhiều nhà khoa học Việt đang làm việc tại nước ngoài.
Bảng xếp hạng này sử dụng cơ sở dữ liệu của Scopus từ năm 1960 đến tháng 9/2022, để chọn ra top 100.000 người có bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất.
Các tiêu chí đánh giá dựa theo các chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (tổng số trích dẫn, chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; tổng số trích dẫn các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất, tác giả chính và một chỉ số tổng hợp).
Các nhà khoa học được phân thành 22 lĩnh vực chính và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).
Các dữ liệu cho thấy ảnh hưởng của họ trong suốt sự nghiệp và trong năm qua.
Danh sách những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022 được công bố tại địa chỉ https://elsevier.digitalcommonsdata.com/datasets/btchxktzyw/4.
Nguồn tin: nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc