Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI
Ngày 28/10/2021 tại Hà ...
Ngày 28/10/2021 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI với chủ đề "Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững". Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân; đại diện lãnh đạo các ban ngành TW, địa phương, cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan.
Hội thảo nhằm tiếp tục hướng tới việc phát triển sâu rộng ngành Việt Nam học trên toàn cầu; là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và nước ngoài kế thừa các nghiên cứu trước đó về Việt Nam học, làm rõ hơn các vấn đề đương đại của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Đồng thời hướng tới sự chủ động hội nhập quốc tế và phát triển bền vững trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI trên nhiều khía cạnh: chính trị, luật pháp, con người, văn hoá, xã hội, dân tộc, tôn giáo, kinh tế, hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ và bảo vệ môi trường và nhiều lĩnh vực khác; làm rõ vai trò tích cực của Việt Nam trong tiến trình xây dựng môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo là sự kiện khoa học quan trọng của giới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới, là diễn đàn khoa học hội tụ những thành quả nghiên cứu giá trị về đất nước và con người Việt Nam. Mặc dù diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hội thảo vẫn thu hút được sự quan tâm sâu sắc, rộng rãi của các học giả quốc tế và trong nước. Điều này là một minh chứng thuyết phục về vị thế ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trên thế giới cũng như tác động ngày càng mạnh mẽ và tích cực của ngành Việt Nam học vào quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những đóng góp quan trọng từ kết quả nghiên cứu Việt Nam học, các hội thảo quốc tế Việt Nam học rất đáng trân trọng và có ý nghĩa thiết thực, nhất là trên phương diện xây dựng chính sách đối ngoại, ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội. Các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam như công trình nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, biên soạn các bộ Bách khoa thư, Quốc sử, Quốc chí... đã và đang được triển khai trong những năm gần đây, cũng cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu Việt Nam học với nghiên cứu khoa học của Việt Nam nói chung. Các nhà nghiên cứu về Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào về các kết quả nghiên cứu đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam, vào tăng cường tình đoàn kết, chung tay xây dựng khu vực và thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Phó Thủ tướng tin tưởng: “Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song Việt Nam cũng như thế giới sẽ đẩy lùi đại dịch và sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục phát triển năng động và ngày càng bền vững”. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới, cần được nhận thức đúng đắn và giải quyết kịp thời, hiệu quả. Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu Việt Nam học nói riêng đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Các hội thảo quốc tế Việt Nam học luôn là cơ hội quý báu để tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác khu vực và quốc tế; cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công, cùng nhau giải quyết những vấn đề chung của đất nước và nhân loại và góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/10, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham dự của 600 nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trao đổi về 10 lĩnh vực trọng tâm. Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 730 tham luận của các học giả, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó chọn được 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu và 120 báo cáo toàn văn. Các báo cáo thể hiện trên các lĩnh vực: Lịch sử, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, môi trường… Bên lề hội thảo còn có Diễn đàn khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng” nhằm đánh giá vai trò, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như những thành tựu đạt được trong giảng dạy và nghiên cứu Việt Nam học hiện nay.
Mai Anh