Hiệu quả từ mô hình nuôi nhím sinh sản tại huyện Quế Phong
Nghệ An là tỉnh giàu có về tài nguyên sinh học và có nhiều giống vật nuôi bản địa quý hiếm như lợn H’mông, gà H’mông, vịt Bầu Quỳ đã được Viện chăn nuôi quốc gia bảo tồn và đưa vào danh sách các vật nuôi quý hiếm của Việt Nam. Nghệ An cũng là tỉnh đi đầu trong thuần hóa và nuôi dưỡng động vật hoang dã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, trong đó nhím là một đối tượng nuôi đang được người dân quan tâm.
Hiện nay, phong trào nuôi nhím mới đã phát triển ở mức độ nhỏ lẻ tại một số huyện miền núi Nghệ An, trong đó có huyện Quế Phong. Trên địa bàn huyện hiện có 25 hộ nuôi nhím, trung bình mỗi hộ nuôi từ 2-6 con, cá biệt có ông Lang Khánh Suyên ở khối 8 thị trấn Kim Sơn nuôi 40 con. Nguồn giống nhím chủ yếu do săn bắt được hoặc mua bán trôi nổi trên thị trường. Các hộ nuôi trên địa bàn huyện Quế Phong đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: không có con giống tốt nguồn gốc rõ ràng, không có hồ sơ chứng nhận, hiểu biết về kỹ thuật nuôi nhím chưa đồng bộ, khó khăn trong phòng chữa bệnh, kinh doanh tiêu thụ nhím thịt, luật pháp. Chính vì vậy, để phát triển nuôi nhím thành nghề chăn nuôi mới có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở Nghệ An nói chung và Quế Phong nói riêng, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm, khai thác tài nguyên rừng hợp lý, giảm thiểu việc săn bắn thú rừng, tạo công ăn việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Quế Phong.
Hiện nay mô hình đã tuyển chọn được 30 con nhím giống làm đàn bố mẹ, trong đó 10 con nhím đực, 20 con nhím cái đảm bảo chất lượng, đồng đều về tuổi sinh lý, đạt các chỉ tiêu kỹ thuật. Trọng lượng trung bình của nhím giống hậu bị lúc 12 tháng tuổi đạt 8,98kg.
Tại các hộ nuôi, nhím được chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý bệnh tật theo từng giai đoạn phát triển, việc nuôi dưỡng đúng theo quy trình kỹ thuật nên đàn nhím bố mẹ sinh trưởng phát triển tốt. Tuổi phối giống lần đầu từ 13-15 tháng, trọng lượng nhím phối giống lần đầu đạt từ 10,5-11,8kg, tuổi đẻ lứa đầu qua theo dõi từ 16,5-17,5 tháng, thời gian mang thai từ 91-96 ngày, chu kỳ động dục từ 17-20 ngày, số con/lứa từ 1-2 con, số lứa/năm/con cái từ 1-2 lứa, khoảng cách giữa 2 lứa đẻ từ 5-6 tháng. Tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa đạt từ 87,5-93,93%.
Trong điều kiện nuôi nhốt, được chăm sóc thường xuyên, nhưng với bản năng hoang dã vẫn tồn tại, nhím thường sinh sản tập trung theo mùa. Qua theo dõi, nhím sinh sản tập trung vào 2 thời điểm từ tháng 1-3 và từ tháng 9-12 hàng năm. Trong 2 năm triển khai dự án, kết quả sinh sản của đàn nhím bố mẹ đạt được như sau: Năm 2011, đàn nhím bố mẹ sinh được 19 nhím con, trong năm 2012 sinh được 44 nhím con, tổng số nhím con được sinh ra trong 2 năm đạt 63 con, trong đó tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa khá cao, đạt 57 con (90,71%).
Theo dõi khả năng sinh trưởng, phát triển cho thấy khả năng sinh trưởng và phát triển là một trong các chỉ tiêu đánh giá chất lượng con giống, kỹ thuật chăm sóc, dinh dưỡng thức ăn tại địa bàn triển khai dự án, bên cạnh đó còn đánh giá khả năng thích nghi của nhím với môi trường sinh thái và mức độ tuân thủ ứng dụng quy trình kỹ thuật được chuyển giao vào sản xuất của các hộ dân tham gia dự án.
Kết quả theo dõi sinh trưởng trên 30 nhím con của 8 hộ tham gia trong 2 năm cho thấy: năm 2011, trọng lượng sơ sinh của nhím con trung bình đạt 0,321kg/con, năm 2012 đạt 0,331kg/con. Trọng lượng của nhím con tăng nhanh từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi do giai đoạn này nhím được hưởng dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ. Ở giai đoạn từ 3 đến 6 tháng tuổi nhím con đạt trọng lượng trung bình 5,12kg/con, đến 9 tháng tuổi đạt 7,11kg/con, 12 tháng tuổi đạt 8,93kg/con, 15 tháng tuổi là tuổi nhím bắt đầu động dục đạt 11,71kg/con.
Nhím có hiện tượng thay lông vào mùa xuân hàng năm, tập trung chủ yếu vào cuối tháng 1, tháng 2 và kéo dài đến tháng 4, tháng 5. Sự thay lông thường diễn ra từ từ nên khó nhận biết với tính chất rụng, mọc xen kẽ nhau, lông cũ bạc màu và khô hơn bình thường vừa rụng đi lập tức có lông mới mọc lên có màu trong, bóng mượt, phát triển nhanh về chiều dài, bảo đảm cho bộ lông của nhím luôn ở trạng thái nguyên vẹn.
Trong thời gian triển khai tại 8 hộ gia đình chưa phát hiện bệnh tật trên nhím nuôi. Những con nhím bị thương, sây sát ngoài da do đánh nhau, vết thương có khả năng hồi phục rất nhanh, hoạt động sinh đẻ của con cái diễn ra bình thường.
Có thể nhận định rằng việc triển khai mô hình nuôi Nhím sẽ tạo thêm việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, bên cạnh đó việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế của chăn nuôi nói chung và chăn nuôi nhím nói riêng, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi động vật hoang dã nói chung, nuôi nhím nói riêng sẽ làm giảm đáng kể những tác động xấu đến môi trường, giảm tình trạng săn bắt thú rừng, góp phần bảo tồn quỹ gen, bảo vệ tính đa dạng sinh học cho các động vật hoang dã./.
Tác giả bài viết: Hồng Minh